Kể từ ngày 1-7, TP.HCM (mới) chính thức đi vào hoạt động, vì vậy trang web tạm ngừng cập nhật thông tin để chờ hướng dẫn. Trong thời gian này mọi thông tin liên quan đến địa bàn Bình Dương (cũ) sẽ được cập nhật trên báo Sài Gòn Giải Phóng và các ấn phẩm, nền tảng liên quan. Trân trọng!

Điều kiện thành lập Trung tâm Dịch vụ việc làm

Thứ sáu, ngày 17/01/2014
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 03/2014/NĐ- CP, quy định thành lập và hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL). Hiệu lực từ ngày 1-3-2014. 

Trong năm 2014, tỉnh Bình Dương tiếp tục nâng cao chất lượng tuyển sinh, phấn đấu toàn tỉnh sẽ đào tạo được trên 40.000 học viên, trong đó có 1.830 sinh viên cao đẳng nghề, trung cấp nghề là 3.294 học viên, góp phần nâng tỷ lệ LĐ qua đào tạo đạt 68%. Trong ảnh: Đại học Bình Dương tư vấn hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp

Đối tượng áp dụng (Điều 2): 1. TTDVVL do cơ quan quản lý nhà nước quyết định thành lập, gồm: a) TTDVVL do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là UBND cấp tỉnh) quyết định thành lập; b) TTDVVL do Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định thành lập. 2. TTDVVL do người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội cấp Trung ương quyết định thành lập được áp dụng theo quy định tại nghị định này. 3. Tổ chức, cá nhân liên quan đến thành lập và hoạt động của TTDVVL.

Điều kiện thành lập (Điều 3): 1. Có mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ cụ thể. 2. Phù hợp với quy hoạch mạng lưới TTDVVL do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 3. Có trụ sở làm việc hoặc đề án quy hoạch cấp đất xây dựng trụ sở đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trường hợp xây dựng trụ sở mới). 4. Có trang thiết bị, phương tiện làm việc để thực hiện các hoạt động dịch vụ việc làm theo quy định tại nghị định này và quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị, phương tiện làm việc của cơ quan và công chức, viên chức và người lao động (NLĐ). 5. Có ít nhất 15 cán bộ có trình độ cao đẳng trở lên. 6. Kinh phí hoạt động thường xuyên do cơ quan có thẩm quyền thành lập bảo đảm theo quy định của pháp luật. 7. Đối với TTDVVL quy định tại Điểm b Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 nghị định này khi thành lập phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp tỉnh nơi trung tâm đặt trụ sở chính.

Nhiệm vụ của TTDVVL (Điều 5): 1. Hoạt động tư vấn, bao gồm: a) Tư vấn học nghề cho NLĐ về lựa chọn nghề, trình độ đào tạo, nơi học phù hợp với khả năng và nguyện vọng; b) Tư vấn việc làm cho NLĐ về lựa chọn công việc phù hợp với khả năng và nguyện vọng; về kỹ năng thi tuyển; về tự tạo việc làm, tìm việc làm trong nước và ngoài nước; c) Tư vấn cho người sử dụng lao động (LĐ) về tuyển dụng LĐ; về quản trị và phát triển nguồn nhân lực; về sử dụng LĐ và phát triển việc làm; d) Tư vấn về chính sách, pháp luật LĐ cho NLĐ, người sử dụng LĐ. 2. Giới thiệu việc làm cho NLĐ, cung ứng và tuyển LĐ theo yêu cầu của người sử dụng LĐ, bao gồm: a) Giới thiệu NLĐ cần tìm việc làm với người sử dụng LĐ cần tuyển LĐ; b) Cung ứng LĐ theo yêu cầu của người sử dụng LĐ; c) Tuyển LĐ thông qua thi tuyển để lựa chọn những người đủ điều kiện, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng LĐ; d) Giới thiệu, cung ứng LĐ cho đơn vị, doanh nghiệp (DN) được cấp phép đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. 3. Thu thập, phân tích, dự báo và cung ứng thông tin thị trường LĐ. 4. Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực tìm kiếm việc làm và đào tạo kỹ năng, dạy nghề khác theo quy định của pháp luật. 5. Hỗ trợ NLĐ trong trường hợp chuyển từ nghề này sang nghề khác, di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác, di chuyển ra nước ngoài làm việc và các hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật. 6. Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về LĐ, việc làm. 7. Thực hiện các chương trình, dự án về việc làm. 8. Thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật. 9. Thực hiện các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết trong năm 2013, địa phương đã giải quyết việc làm cho 45.996 người, đạt 102% kế hoạch năm. Cũng trong năm 2013, các Trung tâm Giới thiệu việc làm của tỉnh đã tổ chức được 28 phiên giao dịch việc làm, với 1.180 lượt DN tham gia, theo đó nhu cầu tuyển dụng của các DN này là trên 100.000 lượt LĐ. Qua các phiên giao dịch việc làm, đã có gần 38.000 lượt NLĐ đến tham gia trực tiếp, trong đó có trên 32.000 lượt LĐ được phỏng vấn tìm việc làm. Do Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp mạnh vào hàng đầu trong cả nước, điều này đã khiến cho nhu cầu tuyển dụng LĐ về làm việc tại địa phương này rất lớn. Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Bình Dương, đã có hơn 700.000 LĐ ngoài tỉnh đến làm việc. Nhu cầu tuyển LĐ của các DN trên địa bàn tỉnh mỗi năm là trên 50.000 LĐ.

MINH CHÂU - TUẤN NGUYỄN