Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV

Cập nhật: 04-12-2023 | 08:45:49

 Những năm gần đây, dịch HIV/AIDS đang có xu hướng trẻ hóa và tăng nhanh ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Hiện nay, thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV - PrEP là biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV hiệu quả nhằm giảm tỷ lệ nhiễm mới HIV trong cộng đồng và hướng tới mục tiêu quốc gia thanh toán dịch AIDS vào năm 2030 tại Việt Nam.

 Truyền thông phòng chống HIV/AIDS qua vẽ tranh tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

 Đẩy mạnh truyền thông

PrEP là thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV ở những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, như: Người chưa bị nhiễm HIV, nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ và bạn tình âm tính của những người sống chung với HIV. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, PrEP phù hợp với mọi đối tượng chưa nhiễm HIV mà có nguy cơ lây nhiễm cao. PrEP uống hàng ngày, có hiệu quả giảm nguy cơ nhiễm HIV qua đường tình dục lên tới 97% và qua tiêm chích đến 74% nếu tuân thủ điều trị tốt.

“Thời gian tới, Bình Dương tiếp tục duy trì cung cấp dịch vụ PrEP và hoàn thiện, triển khai mô hình cửa hàng một điểm đến “One stop shop” với các dịch vụ cơ bản vừa điều trị người nhiễm (ART) vừa dự phòng PrEP, điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs)… nhằm giảm tỷ lệ nhiễm mới HIV trong cộng đồng và thực hiện mục tiêu quốc gia thanh toán dịch AIDS vào năm 2030 tại Việt Nam”.

(Bác sĩ chuyên khoa I Vương Thế Linh, Trưởng khoa HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động, chiến dịch nhằm tăng cường độ bao phủ thông tin về PrEP tại cộng đồng, như: Truyền thông tại các trường đại học, cao đẳng, các khu công nghiệp đông người lao động; vận hành cấp phát sinh phẩm tự xét nghiệm cho khách hàng qua website: tuxetnghiem.vn. Đặc biệt, trung tâm phát huy phương thức truyền thông nhóm nhỏ trực tiếp cho các khách hàng có nguy cơ cao tại các khu nhà trọ, khu công nghiệp. Trung tâm cũng thực hiện các sản phẩm clip giới thiệu các dịch vụ PrEp tại các cơ sở Bình Dương trên mạng xã hội (Tiktok, Facebook, Zalo…).

Bên cạnh đó, các tổ chức cộng đồng như Trăng Khuyết và Kết Nối Trẻ cũng thực hiện nhiều chiến dịch truyền thông trực tiếp, trực tuyến thu hút sự tham gia của cộng đồng sử dụng PrEP, làm tăng khách hàng tiếp nhận sử dụng thuốc. Câu lạc bộ Trăng Khuyết còn thường xuyên tổ chức các hoạt động xét nghiệm VCT và PrEP lưu động tại các điểm nóng, tạo điều kiện cho nhóm đích tiếp cận dịch vụ dễ dàng, thân thiện và bảo mật cao.

Ngoài chú trọng công tác truyền thông, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh luôn chú trọng hoàn thiện kỹ năng, nâng cao kiến thức trong hoạt động tư vấn và điều trị PrEP. Trung tâm thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, giao ban để đánh giá tiến độ triển khai, tháo gỡ những khó khăn, tìm giải pháp khắc phục, duy trì việc cung cấp dịch vụ PrEP cho cán bộ y tế và nhân viên hỗ trợ điều trị PrEP tại các cơ sở triển khai dịch vụ.

Xây dựng mạng lưới cung cấp PrEP

Theo thông tin từ khoa HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tỷ lệ người nhiễm HIV mới qua giám sát phát hiện tại tỉnh trong những năm gần đây là rất cao so với cả nước. Trung bình 5 năm gần đây, mỗi năm tỉnh phát hiện 600 -700 người nhiễm HIV mới, chủ yếu là người nhập cư. Bình Dương là địa phương có nhiều khu công nghiệp, thu hút nhiều lao động từ các tỉnh, thành đến sinh sống và làm việc nên việc kiểm soát và phát hiện số người nhiễm mới HIV gặp nhiều trở ngại. Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 15.000 đến 20.000 MSM.

Đường lây nhiễm HIV của nhóm MSM chủ yếu qua quan hệ tình dục, đặc biệt trong đó nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới MSM chiếm tỷ lệ 80% số trường hợp nhiễm mới. Đa số những MSM chưa biết cách bảo vệ, phòng ngừa, không có thói quen sử dụng bao cao su, lại quan hệ với nhiều bạn tình nên nguy cơ lây nhiễm HIV rất cao. Chưa kể, một số MSM có xu hướng rủ nhau cùng sử dụng ma túy rồi quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ.

Bác sĩ chuyên khoa I Vương Thế Linh, Trưởng khoa HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết nhằm khống chế và giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV cho nhóm nguy cơ cao trong cộng đồng, năm 2019, Cục Phòng, chống HIV/ AIDS, Bộ Y tế đã chỉ đạo, hỗ trợ Bình Dương triển khai chương trình “Dự phòng trước phơi nhiễm HIV” gọi tắt là chương trình PrEP bằng thuốc kháng vi rút (ARV). Cũng trong năm này, trung tâm triển khai cơ sở cung cấp PrEP đầu tiên tại Trung tâm Y tế TP.Thuận An. Đến nay, mô hình PrEP đã mở rộng tại 6 huyện, thị, thành phố với 7 cơ sở (trong đó có 1 cơ sở y tế tư nhân). Sau 5 năm triển khai, tích lũy số khách hàng từng nhận dịch vụ PrEP là 3.022 người. Tính đến ngày 30-9, số khách hàng toàn tỉnh đang còn nhận dịch vụ PrEP là 1.757 người.

“Lượng khách hàng tăng lên hàng năm thể hiện việc tiếp cận, tư vấn cho nhóm khách hàng đích ngày càng nhiều và hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm khách hàng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV (nam quan hệ tình dục đồng giới, phụ nữ bán dâm, bạn tình dị nhiễm…). Dự kiến tỉnh sẽ mở thêm 1 cơ sở y tế tư nhân cung cấp dịch vụ PrEP nhằm hướng đến mục tiêu 9/9 huyện, thị, thành phố đều có cơ sở cung cấp PrEP, bảo đảm cung cấp dịch vụ hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của khách hàng”, bác sĩ Vương Thế Linh nói.

 Nếu bạn đang có nhu cầu sử dụng PrEP hoặc cần được tư vấn các vấn đề liên quan đến HIV/AIDS, hãy liên hệ với Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tại địa chỉ số 209, đường Yersin, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, số điện thoại 0274.3814.411 để được tư vấn và hỗ trợ. Tất cả các dịch vụ PrEP hiện đang được cung cấp hoàn toàn miễn phí tại Bình Dương.

 HOÀNG LINH - NHẬT QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên