Điều trị ho phải tìm đúng nguyên gây bệnh
(BDO) Ở các phòng khám nhi, triệu chứng ho có thể gặp trên 80% trẻ. Ho là nguyên nhân để người chăm sóc trẻ lo lắng phải đưa trẻ đến gặp thầy thuốc. Tuy nhiên họ lại hiếm khi cho trẻ đi khám khi mới xuất hiện triệu chứng mà thường trẻ đã bị ho nhiều, nặng ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Ho là một triệu chứng của rất nhiều bệnh. Đây là một phản xạ có ích của cơ thể để bảo vệ tránh dịch từ mũi họng rơi vào phổi hoặc phản xạ ho để tống dịch từ phổi ra ngoài. Chính vì thế người ta lại thường không cắt cơn ho nếu ho không ảnh hưởng tới sinh hoạt của người bệnh mà chỉ chữa khi ho thành cơn làm không ăn được hoặc ho cơn vào đêm không ngủ được.
Ho ở trẻ thường gặp do viêm mũi họng, chiếm 75% nguyên nhân gây ho, 20% là do bệnh lý của phổi như viêm phế quản, viêm phổi, dị vật đường hô hấp, hen phế quản, còn 5% còn lại là ho do trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ nhỏ.
Cần đưa trẻ đi khám chứ không nên tự ý mua thuốc cắt cơn ho. Ảnh Quỳnh Như
Ho do viêm mũi họng: Ho thường xuất hiện vào ngày thứ 3 sau sốt, ho không nhiều, bên cạnh ho còn có chảy mũi, ngạt tắc mũi. Giai đoạn đầu có đờm trắng loãng sau đó đặc dần, tiếng ho lúc đầu nông ở họng, sau đó viêm lan dần xuống phế quản – phổi, tiếng ho nặng dần, thành cơn và sốt xuất hiện trở lại. Với những trường hợp này, thầy thuốc sẽ sử dụng kháng sinh toàn thân, chống viêm, hạ sốt, loãng đờm, nhỏ mũi, súc họng. Bệnh diễn biến trong 7 đến 10 ngày sẽ hết nếu độc tố vi khuẩn không mạnh.
Ho do dị ứng họng: Cảm giác xuất phát từ ngay cổ, ho thành từng cơn, trước khi ho có ngứa họng. Trẻ không sốt, nếu khai thác kĩ tiền sử có thể phát hiện được tiền sử dùng thức ăn hoặc đồ uống dễ gây dị ứng như tôm, cua, cá, nhộng tằm… Nếu ho do nguyên nhân này, thấy thuốc kê đơn cho trẻ các thuốc chống dị ứng. Ho sẽ giảm trong 3 – 5 ngày. Ho do viêm mũi họng do vi khuẩn hoặc dị ứng đều có thể sử dụng điều trị tại chỗ là khí dung (máy khí dung loại cho tai mũi họng – hạt khí dung to).
Ho do các bệnh lý của phế quản và phổi: Ho cảm giác xuất phát sâu ở đường hô hấp dưới, tiếng ho nặng đờm, đờm thường vàng xanh, khi ho có thể bị tức ngực, khó thở. Trong trường hợp này nên đếm nhịp thở, đặc biệt là trẻ dưới 72 tháng. Nếu nhịp thở dưới 35 – 50 lần/phút (tùy theo độ tuổi của trẻ) có thể điều trị ngoại trú bằng kháng sinh, kháng viêm, loãng đờm, khí dung và vỗ rung. Nếu tần số thở nhanh hơn 35 – 50 lần/ phút, phải cho trẻ vào bệnh viện điều trị theo phác đồ viêm phổi.Nếu do viêm phổi phế quản thì tùy mức độ mà có thể dùng thuốc tiêm hoặc uống, giãn phế quản. Nếu có viêm mũi họng sẽ điều trị viêm mũi họng kèm theo điều trị viêm phế quản – phổi. Trường hợp này nếu sử dụng khí dung phải sử dụng máy khí dung cho bệnh lý của phổi (hạt thuốc khí dung nhỏ).
Ho do trào ngược dạ dày – thực quản: Trẻ thường hay ho kèm theo nôn trớ. Ho thường theo cơn, hay ho khi nằm gọi là ho ngang. Trường hợp này thầy thuốc phải dùng thuốc chống trào ngược, giảm nhu động của dạ dày thực quản như nexium, motilium M, có thể kèm kháng sinh, chống dị ứng thế hệ 1 do có thêm tác dụng an thần (dịch acid của dạ dày kích ứng niêm mạc họng). Việc điều trị tiến hành từ 2 đến 4 tuần bệnh mới hết triệu chứng. Ho có thể tái phát nếu như chế độ ăn không hợp lý, quá nhiều đạm, trẻ vừa ăn vừa nô đùa.Thực hiện ăn ít, ăn nhiều bữa, để trẻ nằm đầu cao và không cho ăn vào ban đêm…
Như vậy ho chỉ là một triệu chứng chính vì thế không nên tự dùng thuốc cắt cơn ho của trẻ vì làm như vậy dịch tiết không thoát ra khỏi đường thở được sẽ là môi trường cho vi khuẩn phát triển và bệnh sẽ nặng hơn. Trước triệu chứng ho, đúng đắn nhất là nên cho trẻ đi khám và được chăm sóc bởi thầy thuốc.
Theo Sức khoẻ và đời sống