Điều trị lao tại y tế cơ sở: Mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân

Cập nhật: 04-08-2023 | 10:52:34

Nhân viên y tế tuyến cơ sở thực hiện các xét nghiệm nhanh tại chỗ, xét nghiệm Gene Xpert để phát hiện lao và lao kháng thuốc.

Trong vòng 6 tháng triển khai, đã có 22.604 người dân đã được sàng lọc bệnh lao, COVID-19 và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác. Trong số đó, 3.776 người được sàng lọc lao, với 78 ca lao thường được phát hiện và 3 ca lao kháng thuốc. Con số này cao gấp nhiều lần số ca phát hiện tại 2 huyện Ứng Hòa và Phúc Thọ (Hà Nội) vào năm 2021 và 2022.

Thông tin trên được đại diện Chương trình Chống lao Quốc gia đưa ra tại Hội thảo Tổng kết Dự án “Sàng lọc lao, COVID-19 và một số bệnh nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến ở tuyến y tế cơ sở tại Việt Nam” từ tháng 9/2022 đến tháng 6/2023, do Chương trình Chống lao Quốc gia và FIND đã phối hợp triển khai, diễn ra ngày 3/8, tại Hà Nội.

Hiệu quả cao từ khám sàng lọc

Phó giáo sư Nguyễn Bình Hòa - Phó giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Phó Trưởng ban điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia cho hay tại Việt Nam, hoạt động sàng lọc đồng thời bệnh lao, COVID-19 và một số bệnh hô hấp như cúm A, B, bệnh đường hô hấp do virus hợp bào và liên cầu khuẩn nhóm A được triển khai từ tháng 11/2022, sau một thời gian dài chuẩn bị bao gồm đánh giá tính sẵn sàng của y tế tuyến cơ sở tại hai huyện Ứng Hòa và Phúc Thọ.

Các trang bị, máy móc, vật tư cần thiết cũng như đào tạo tập huấn cho tất cả các cán bộ y tế cơ sở về quy trình thực hiện sàng lọc, thu dung và quản lý điều trị cũng như thực hiện các xét nghiệm nhanh tại chỗ, xét nghiệm Gene Xpert để phát hiện lao và lao kháng thuốc.

Tính đến hết tháng 6/2023, kết quả của hoạt động sàng lọc lao đã cho thấy tỷ lệ phát hiện lao so với cùng kỳ năm trước đạt mức rất cao. Tại huyện Ứng Hòa, số ca lao phát hiện gấp 2,6 lần, với huyện Phúc Thọ số ca lao phát hiện gấp khoảng 2 lần. Kết quả này cho thấy được hiệu quả của mô hình sàng lọc đồng thời các bệnh đường hô hấp có cùng một số triệu chứng bệnh.

Đại diện nhóm điều phối cho hay dự án được triển khai tại huyện Ứng Hòa và Phúc Thọ (Hà Nội) gồm 57 cơ sở y tế tham gia, bao phủ 55 xã, với dân số khoảng 524.000 người.

Những ca có triệu chứng lao hoặc nằm trong nhóm nguy cơ cao nhiễm lao được lấy mẫu đờm tại trạm y tế xã và gửi đến Trung tâm y tế huyện để xét nghiệm lao bằng phương pháp GeneXpert - phương pháp có khả năng phát hiện lao và lao đa kháng thuốc. Đây là lần đầu tiên các trung tâm y tế huyện tham gia dự án được hỗ trợ thực hiện xét nghiệm lao bằng Xpert. Đáng lưu ý, những ca lao phát hiện được điều trị ngay tại trung tâm y tế huyện giúp tạo sự tiện ích cho người bệnh, còn những ca lao kháng thuốc được chuyển lên Bệnh viện Phổi Hà Nội.

Kết quả ban đầu cho thấy những thay đổi tích cực trong việc phát hiện số ca phát hiện lao mắc mới tại hai huyện triển khai dự án cũng như tầm quan trọng của việc tăng cường năng lực xét nghiệm cho tuyến y tế cơ sở. Đây là những bằng chứng quan trọng để hỗ trợ việc xây dựng chính sách và thực thi tại Việt Nam và trên thế giới.

Nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì phòng ngừa và chăm sóc lao phổi trong suốt đại dịch và khẳng định việc khám sàng lọc hai chiều cho lao phổi và COVID-19 là một công việc cốt lõi cần được triển khai.

COVID-19 cũng cho thấy rõ tầm quan trọng của xét nghiệm trong hoạt động khám chữa bệnh, song song với đó là những đòi hỏi cấp thiết về các công cụ chẩn đoán chất lượng, nhân lực y tế đủ năng lực để thực hiện xét nghiệm chẩn đoán, cơ sở hạ tầng như máy móc, trang thiết bị, phòng thí nghiệm, hệ thống quản lý dữ liệu, cũng như chính sách hỗ trợ, sự phân bổ hợp lý nguồn lực sẵn có.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Vân Anh - Trưởng Văn phòng FIND tại Việt Nam cho hay trong bối cảnh ấy, Chương trình Chống lao Quốc gia và FIND đã phối hợp triển khai Dự án “Sàng lọc lao, COVID-19 và một số bệnh nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến ở tuyến y tế cơ sở tại Việt Nam” từ tháng 9/2022 đến tháng 6/2023.

Dự án nhằm nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở trong thực hiện xét nghiệm đa tác nhân cho COVID-19, bệnh lao và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến; đánh giá tác động của mô hình xét nghiệm này tại tuyến y tế cơ sở đối với việc xét nghiệm bệnh lao...

Phó Giáo sư Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương khẳng định các hoạt động nâng cao năng lực của hệ thống y tế tuyến cơ sở trong cung cấp các dịch chăm sóc sức khỏe nhân dân bao gồm phát hiện và chẩn đoán các bệnh phổ biến, bệnh có tác động lớn đến sức khỏe cộng đồng như lao hay COVID19 rất cần thiết. Đây là hướng đi phù hợp với chủ trương của Đảng và nhà nước và cũng là định hướng mà Bộ Y tế hay Chương trình Chống lao quốc gia quan tâm và phát triển.

Theo Tiến sỹ Vân Anh, dự án một lần nữa nhấn mạnh nỗ lực của Chương trình Chống lao Quốc gia và FIND trong việc hỗ trợ tăng cường năng lực chẩn đoán tại tuyến y tế cơ sở, từ đó tăng cường tiếp cận các chẩn đoán thiết yếu cho người dân, đặc biệt là khu vực còn nhiều khó khăn đồng thời cải thiện chất lượng công tác quản lý và giám sát bệnh tật tại tuyến y tế cơ sở.

Dự án cũng mở ra triển vọng và định hướng cho những hoạt động tiếp theo của tổ chức FIND trong quá trình đồng hành cùng Chương trình Chống lao Quốc gia để thử nghiệm và áp dụng các sáng kiến, mô hình mới nhằm mục tiêu tăng cường phát hiện và tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2035./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên