Điều trị thoát vị đĩa đệm không phẫu thuật

Cập nhật: 01-10-2017 | 17:18:40

(BDO) Thoát vị đĩa đệm (TVĐĐ) là một trong những bệnh thường xảy ra ở cột sống. Bệnh không chỉ ở người có tuổi mà ngày càng trẻ hóa. Bệnh thoát vị đĩa đệm có thể gây tàn phế suốt đời do biến chứng gây liệt, teo cơ chi ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh.  

Bác sĩ Lưu Văn Trường (BS.LVT), Chuyên khoa Vật lý trị liệu (VLTL)  làm việc tại Phòng Khám Vật lý trị liệu- Phục hồi chức năng Cửu Long - TP Hồ Chí Minh sẽ giải đáp về  thắc mắc của nhiều người mắc bệnh này về cách điều trị TVĐĐ không phẫu thuật…

BS.Lưu Văn Trường đang điều trị cho bệnh nhân TVĐĐ

Trước khi tìm hiểu về phương pháp điều trị bệnh TVĐĐ không phẫu thuật, BS có thể cho bạn đọc biết thêm về cấu trúc cột sống và đĩa đệm ở cột sống người được cấu tạo như thế nào?

BS.LVT: Trên cơ thể người, cột sống được xem là phần trụ cột nâng đỡ cơ thể. Cột sống bao gồm 33 – 35 đốt sống được xếp chồng lên nhau, trong đó có 7 đốt sống cổ, 12 đốt sống ngực, 5 đốt sống thắt lưng, 5 đốt sống cùng và 4 – 6 đốt sống cụt. Giữa các đốt sống có các đĩa đệm, đĩa đệm là cấu trúc hình tròn có vòng xơ bên ngoài, bên trong là khối nhân nhầy, có tác dụng giảm áp lực lên cột sống trong các vận động hàng ngày. Cấu trúc của cột sống và đĩa đệm giúp bảo vệ tủy sống và các dây thần kinh đi ra từ tủy sống.

Tình trạng TVĐĐ là thế nào và làm sao để mọi người nhận biết là mình đã bị TVĐĐ cột sống thưa bác sĩ ?

BS.LVT: Tình trạng TVĐĐ là tình trạng khối nhân nhầy bên trong đĩa đệm thoát ra khỏi vị trí bình thường, có thể bao gồm việc rách vòng xơ bao bọc bên ngoài. Khi nhân nhầy ra khỏi vị trí bình thường, có thể làm hẹp ống sống, chèn ép vào tuỷ sống hoặc các rễ thần kinh, gây ra đau đớn và các biến chứng thần kinh như yếu liệt, mất cảm giác.

Để nhận biết mình có thể bị TVĐĐ hay không thì có thể dựa vào những dấu hiệu sau: Ở vùng cột sống cổ: Đau mỏi cổ vai gáy, có thể kèm đau đầu hoặc đau nửa đầu, tê dọc theo cánh tay xuống các ngón tay, yếu tay, khó khăn khi vận động cổ. Ở vùng cột sống thắt lưng: Đau mỏi vùng thắt lưng, có thể tê dọc theo mông xuống chân và bàn chân, yếu chân, khó khăn khi vận động thân mình, đi lại khó khăn.

Tuy nhiên, có những bệnh nhân TVĐĐ không có những triệu chứng trên và để xác định chính xác có TVĐĐ hay không và mức độ như thế nào thì phải chụp cộng hưởng từ.

Thực tế cho thấy, nhiều người bị bệnh TVĐĐ đã tích cực điều trị bằng thuốc Tây nhưng không khỏi hẳn, mà còn mắc thêm chứng bệnh đau dạ dày. Điều đó là như thế nào thưa bác sĩ?

BS.LVT: Thực tế từ công tác điều trị, chúng tôi nhận thấy bệnh nhân Việt Nam rất thích uống thuốc bởi vì sự tiện lợi, không phải đi lại nhiều lần. Tuy nhiên, trong điều trị TVĐĐ thì việc dùng thuốc chỉ có tác dụng giảm đau nhất thời, không thể giải quyết được nguyên nhân và cơ chế gây ra bệnh lý, khi dùng thuốc lâu dài có thể làm cho bệnh nhân bị viêm loét dạ dày, tăng men gan ảnh hưởng đến sức khỏe chung sau này.

Ngoài ra, rất nhiều bệnh nhân còn điều trị bằng các phương pháp khác (như đắp thuốc, giác hơi) mà không tác động được trực tiếp lên các đĩa đệm thì cũng không cải thiện được tình trạng mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến chứng khác. TVĐĐ là một bệnh lý do nguyên nhân cơ học cho nên việc điều trị cũng phải dựa vào cơ chế cơ học.

Vậy có phương pháp điều trị nào ít dùng thuốc, không cần phẫu thuật mà vẫn mang lại hiệu quả cao cho người bệnh không, thưa bác sĩ Trường?

BS.LVT: Hiện nay, việc điều trị dứt điểm TVĐĐ mà không phải dùng thuốc và phẫu thuật thì có thể kể đến phương pháp Vật lý trị liệu (VLTL), đây là phương pháp vừa có thể giúp bệnh nhân cắt đứt cơn đau nhanh vừa giúp điều trị tận gốc, đúng cơ chế, đưa đĩa đệm trở lại vị trí ban đầu. Mặt khác,VLTL rất an toàn, cho nên khi bệnh nhân điều trị bằng phương pháp nay sẽ không phải đối diện với các biến chứng như dùng thuốc và các tai biến khi thực hiện phẫu thuật. VLTL là phương pháp điều trị dựa vào các tác nhân vật lý, như: sử dụng lực kéo để giảm áp lực lên cột sống và đĩa đệm, sử dụng các loại sóng để chống thoái hóa, điều trị các điểm đau và sử dụng kỹ thuật bằng tay giúp điều chỉnh tư thế cột sống và đĩa đệm. Chính vì thế VLTL có rất nhiều ưu diểm so với các phương pháp khác, như: An toàn (không có biến chứng gan, thận như dùng thuốc và không có tai biến như phẫu thuật). Hiệu quả: hiện nay các thiết thiết bị VLTL rất hiện đại, bệnh nhân có thể cảm nhận được sự tiến triển ngay sau lần điều trị đầu tiên. Chi phí cho phương pháp điều trị này cũng tiết kiệm: Qua theo dõi của chúng tôi khi điều trị TVĐĐ cho bệnh nhân tại phòng khám chúng tôi thì chi phí điều trị bằng vật lý trị liệu chỉ bằng 1/10 so với chi phí phẫu thuật. Như thế, bệnh nhân dễ tiếp cận với việc điều trị hơn.

Thưa BS, khi được điều trị bằng phương pháp VLTL, có điều gì cần phải lưu ý với người bệnh?

BS.LVT: Khi điều trị bằng VLTL, bệnh nhân cần lưu ý những vấn đề sau: Thứ nhất về thời gian điều trị, khi lựa chọn phương pháp VLTL để điều trị, đòi hỏi bệnh nhân phải rất kiên nhẫn, thông thường việc điều trị mang đến kết quả tốt đẹp sau 2  - 3 tuần liên tục. Nếu bệnh nhân không đủ thời gian thì rất khó có kết quả tốt với phương pháp VLTL. Thứ 2: Ngoài điều trị, việc thay đổi thói quen, tư thế trong sinh hoạt hàng ngày cũng rất quan trọng, việc này nếu được thực hiện đúng và triệt để có thể thúc đẩy quá trình lành bệnh nhanh, bệnh nhân không mất nhiều công sức để điều trị.

Quỳnh Như (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=6128
Quay lên trên