Đình Bình Nhâm và những giá trị văn hóa quý giá

Cập nhật: 07-04-2022 | 08:29:28

 Mới đây, đình Bình Nhâm ở phường Lái Thiêu, TP.Thuận An đã tổ chức lễ đón nhận quyết định xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa (LS-VH) cấp tỉnh. Đây là minh chứng khẳng định những giá trị văn hóa lâu đời của ngôi đình này trong sự phát triển đi lên của phường Lái Thiêu và TP.Thuận An, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

 Trải qua hơn 170 năm tồn tại, về cơ bản đình Bình Nhâm vẫn duy trì được phần lớn những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian và lễ hội truyền thống của địa phương

 Ngôi đình hơn 170 năm tuổi

Cũng như bao ngôi đình làng Việt khác, đình Bình Nhâm là nơi thờ thần Thành hoàng bổn cảnh của làng và các bậc tiền nhân đã có công khai hoang mở đất và tạo lập làng xã từ những buổi ban đầu. Theo lời kể của các vị cao niên địa phương, hầu như không còn ai biết rõ năm khởi thủy xây dựng ngôi đình. Tuy nhiên, dựa vào nguồn sử liệu sắc phong còn lưu lại, vào năm 1853, đình Bình Nhâm đã được vua Tự Đức ban sắc phong. Điều đó chứng tỏ, ngôi đình này phải được xây dựng từ trước năm 1853.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đình Bình Nhâm đã gắn bó và chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử của vùng đất và con người Bình Nhâm - một vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử. Ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết trong lịch sử hơn 170 năm tồn tại, đình Bình Nhâm chủ yếu gắn bó với lịch sử hình thành và phát triển của địa phương Bình Nhâm. Mãi đến năm 1994, khi thị trấn Lái Thiêu được thành lập, một phần diện tích và cư dân của ấp Bình Đức và ấp Bình Phước thuộc xã Bình Nhâm mới chuyển về thị trấn Lái Thiêu, huyện Thuận An, tỉnh Sông Bé (nay là phường Lái Thiêu, TP.Thuận An). Mặc dù chuyển về phường Lái Thiêu quản lý, nhưng đối với người dân Bình Nhâm, đình Bình Nhâm vẫn là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cư dân địa phương. Trong tâm thức của cộng đồng cư dân địa phương, đình Bình Nhâm trở thành cơ sở tín ngưỡng chung của nhân dân 2 phường Bình Nhâm và Lái Thiêu.

Vị thần chính của đình Bình Nhâm là thần Thành hoàng, được thờ ở vị trí trang trọng nhất trong chánh điện. Khám thờ thần đình Bình Nhâm được làm hoàn toàn bằng gỗ, chạm trổ các họa tiết rồng, cúc, trĩ… rất tinh xảo và có tính mỹ thuật cao. Tất cả các hạng mục này đều được sơn son, thếp vàng, kẻ chỉ, viền khung. Có một điều đặc biệt khi đến với đình Bình Nhâm mà ai cũng có thể nhìn thấy đầu tiên đó là bàn thờ Bác Hồ được bố trí trang trọng ngay cửa chính của tiền điện ngôi đình.

Giữ gìn phát huy giá trị di tích

Theo nhiều tài liệu lịch sử thì đây là một trong những ngôi đình hội tụ các giá trị về lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật tiêu biểu, thể hiện phong cách kiến trúc, đồ án trang trí dân gian truyền thống của người Việt kết hợp kiến trúc, đồ án trang trí truyền thống của người Hoa. Tổng thể kiến trúc ngôi đình theo kiểu “Nội tam ngoại quốc” mang tính độc đáo trong kiến trúc đình làng tại Bình Dương. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngôi đình vẫn toát lên vẻ đẹp cổ kính, bình dị. Toàn bộ mặt tiền chánh điện, đông lang, tây lang của ngôi đình được trang trí bằng các khối hình có khảm sành sứ, bên trong trang trí các bức bích họa (tranh tường). Cùng với đó, hệ thống di vật gồm sắc phong, hoành phi, liễn đối… được bảo lưu trong đình là nguồn sử liệu quan trọng liên quan đến lịch sử của đình cũng như vùng đất Lái Thiêu - Thuận An.

Với những giá trị quý giá, ngày 18-1-2022, đình Bình Nhâm đã được UBND tỉnh công nhận là di tích LS-VH kiến trúc nghệ thuật. Điều này thể hiện sự quan tâm, ghi nhận của Nhà nước đối với những di sản có giá trị văn hóa, lịch sử.

Theo ông Lê Văn Phước, trải qua hơn 170 năm tồn tại, về cơ bản đình Bình Nhâm vẫn duy trì được phần lớn những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian và lễ hội truyền thống của địa phương. Trong đó, lễ Kỳ yên của đình được tổ chức vào ngày 13 và 14-11 âm lịch hàng năm là lễ cúng lớn của đình. “Các hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng được tổ chức hàng năm ở đình Bình Nhâm có ý nghĩa biểu đạt tâm linh, thể hiện khát vọng hướng thiện, ý thức tìm về cội nguồn dân tộc, là chất kết dính tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt”, ông Phước cho hay.

Với những giá trị quý báu, ngày 18-1-2022, đình Bình Nhâm đã được UBND tỉnh công nhận là di tích LS-VH kiến trúc nghệ thuật. Điều này thể hiện sự quan tâm, ghi nhận của Nhà nước đối với những di sản có giá trị văn hóa, lịch sử, đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Để bảo vệ và phát huy hiệu quả giá trị di tích đình Bình Nhâm sau khi được xếp hạng là vấn đề được địa phương và ngành văn hóa hết sức quan tâm. Ông Nguyễn Tấn Hùng, Phó Ban quý tế đình Bình Nhâm, cho biết để được công nhận là di tích đã khó, việc giữ gìn, phát huy giá trị của di tích còn khó khăn hơn nhiều, đòi hỏi sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành và toàn thể bà con nhân dân địa phương. “Chúng tôi sẽ phối hợp tốt với các ban, ngành địa phương để thực hiện tốt công tác bảo quản, giữ gìn và phát huy giá trị về mặt kiến trúc, cũng như những giá trị văn hóa của di tích LS-VH đình Bình Nhâm”, ông Hùng nói.

 HỒNG THUẬN  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên