Trong 8 tháng đầu năm, số vụ đình công ở TP.HCM đã tăng gấp 4 lần năm ngoái. Báo cáo trước Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, nguyên nhân là do các doanh nghiệp trả lương quá thấp.
Ngày 30-8, Đoàn khảo sát Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có buổi làm việc với TP.HCM nhằm chuẩn bị cho việc sửa đổi Bộ luật Lao động. Báo cáo trước Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, các đại biểu TP.HCM cho rằng, tình hình thực hiện pháp luật lao động trên địa bàn thành phố còn chưa nghiêm, nhất là vấn đề đình công đang diễn ra gay gắt.
Đại diện Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2011, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 175 vụ đình công với gần 100.000 người tham gia. So với cùng kỳ năm ngoái đã tăng gấp hơn 4 lần cả về số vụ lẫn số người tham gia (cùng kỳ năm 2010 có 40 vụ đình công với 21.000 người). Sở Lao động đã tổ chức thanh tra việc chấp hành luật lao động tại 968 doanh nghiệp và đã quyết định xử phạt với số tiền lên đến 2,75 tỷ đồng.
Nhiều công nhân đình công vì lương thấp.
Đại diện Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP.HCM cho biết, tính riêng các khu công nghiệp và khu chế xuất, thành phố đã có hơn 70 vụ, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2010. Các cuộc đình công xuất phát từ việc các doanh nghiệp trả lương quá thấp. Công nhân chủ yếu đòi tăng lương, tăng phụ cấp, tăng các khoản phụ trợ, nâng chất lượng bữa ăn...
Một đại biểu cho biết thêm, đình công chủ yếu do một nhóm người kích động, lôi kéo những công nhân khác. Quận Thủ Đức là nơi có số vụ đình công khá cao và liên tục. "Nếu những năm trước đây các vụ đình công trong ôn hòa thì những tháng đầu năm nay tính phức tạp, quá khích và manh động ngày càng gia tăng. Nhiều công nhân vào công ty làm việc thường mang nỗi sợ hãi bị đánh", vị này nói.
Vị đại biểu này kiến nghị Quốc hội cần nghiên cứu, sửa đổi một cách căn bản, tổng thể các quy định hiện hành nhằm thực tế hóa các quy định về tranh chấp lao động và đình công.
Liên quan đến các doanh nghiệp "ép" công nhân làm quá số giờ làm thêm theo quy định, nhiều đại biểu cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM đều vi phạm. Mặc dù đã quy định thời gian làm thêm của một người lao động tối đa không quá 200 giờ một năm, tuy nhiên nhiều công nhân đang phải làm việc hơn 300 giờ.
Đại biểu Nguyễn Thị Dân - Trưởng phòng Lao động tiền lương tiền công Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, để xảy ra tình trạng trên là do các chế tài xử phạt vi phạm luật lao động còn ở mức độ thấp, chưa đủ sức răn đe.
"Tôi vào các khu công nghiệp, khu chế xuất thấy công nhân gầy gò, xanh xao quá. Đó là hậu quả của việc làm thêm quá nhiều giờ trong khi mức sống không được cải thiện. Nhiều em không muốn nhưng công ty vẫn bắt các em làm thêm", bà Dân bức xúc.
Về tình hình lao động người nước ngoài làm việc tại TP.HCM, đại diện Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp cũng cho biết, thành phố hiện có hơn 2.100 người nước ngoài làm việc trong các doanh nghiệp, trong đó có 1.742 người có giấy phép lao động (đạt 90%).
"Hiện nay, cơ quan chức năng quản lý tương đối chặt về mặt cấp giấy phép lao động. Chúng tôi vẫn luôn có các cuộc kiểm tra, qua đó thấy các doanh nghiệp thực hiện tương đối tốt việc quản lý lao động người nước ngoài. Đến lúc này, chưa thấy có dấu hiệu bất thường nào", vị đại biểu này nói.
Các đại biểu nhất trí kiến nghị trước Quốc hội, để có một Bộ luật Lao động sửa đổi hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn cần thống nhất không tăng thời gian làm thêm của người lao động, tối đa là 200 giờ một năm, tăng mức lương tối thiểu cho công nhân. Bộ luật Lao động sửa đổi cần quy định các nguyên tắc cơ bản về các vấn đề tranh chấp lao động hay đình công. Đối với thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ, các đại biểu nhất trí nâng thời gian nghỉ lên 6 tháng (so với luật hiện nay chỉ có 4 tháng) trước và sau khi sinh...
Đại diện Đoàn khảo sát Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội ghi nhận những ý kiến đóng góp và kiến nghị của các đại biểu TP.HCM và hứa sẽ đưa những ý kiến này trình trước Quốc hội nhằm làm cho Bộ Luật lao động sửa đổi đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Theo VNE