Dinh dưỡng nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc

Cập nhật: 16-10-2023 | 20:23:42

Chế độ dinh dưỡng không hợp lý là nguyên nhân gây nên tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi, ảnh hưởng đến thể lực và tầm vóc của người dân. Dinh dưỡng không hợp lý là yếu tố quan trọng của sự gia tăng nhanh chóng một số bệnh không lây nhiễm (tăng huyết áp, thừa cân béo phì, đái tháo đường). Bữa ăn gia đình có vai trò vô cùng quan trọng, cần được bảo đảm cả về số lượng, chất lượng và vi khoáng chất.

 Bác sĩ khám, tư vấn dinh dưỡng cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

 Nguyên nhân làm gia tăng bệnh không lây nhiễm

Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Giang Nhung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe người dân. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều vấn đề về dinh dưỡng, như: Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao/ tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi ở các vùng nông thôn và miền núi còn ở mức cao; tỷ lệ thừa cân, béo phì đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng, nhất là ở khu vực đô thị; tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn còn, đặc biệt là ở đối tượng có nguy cơ cao như trẻ em, phụ nữ có thai và cho con bú. Chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý làm gia tăng các bệnh mãn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch...

Hiện mô hình bệnh tật của người dân Việt Nam đang chuyển tiếp từ các bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm, với tỷ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 75%. Trong đó, đứng đầu là bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, loãng xương, gout… Chế độ dinh dưỡng bất hợp lý là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến sự gia tăng các bệnh mãn tính không lây này. Do đó, dinh dưỡng trong các loại thực phẩm có vai trò vô cùng quan trọng để bảo đảm sự phát triển tốt cả về trí lực và thể lực của các thành viên trong gia đình.

Trong điều trị bệnh, dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò quan trọng. Dinh dưỡng đúng cho người bệnh có tác dụng điều hòa các rối loạn chuyển hóa, làm giảm hội chứng bệnh. Đặc biệt thấy rõ vai trò dinh dưỡng là một phần không thể thiếu trong điều trị đái tháo đường, tăng huyết áp, gout, suy thận, suy tim, bệnh lý về gan, dạ dày… Dinh dưỡng tốt còn giúp cho cơ thể phục hồi tốt hơn. Với người bệnh bị chấn thương phần mềm, gãy xương, suy nhược cơ thể sau phẫu thuật, nhiễm khuẩn nặng... nếu có chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp vết thương nhanh lành và sức khỏe phục hồi nhanh hơn.

Để cải thiện tình trạng dinh dưỡng và đề cao vai trò của dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày, thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao kiến thức, thực hành về tầm quan trọng của dinh dưỡng cũng như sự quan tâm của các cấp, các ngành về hoạt động dinh dưỡng trong cộng đồng; thực hiện lồng ghép vào các hoạt động sinh hoạt truyền thông nuôi con bằng sữa mẹ và dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai.

Dinh dưỡng hợp lý để phát triển bền vững

Chiến dịch Tuần lễ “Dinh dưỡng và phát triển” năm 2023 nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030, đó là thực hiện dinh dưỡng hợp lý để cải thiện tình trạng dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng, địa phương, vùng, miền, dân tộc, góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người Việt Nam.

“Chế độ dinh dưỡng hợp lý là một chế độ ăn có thể cung cấp đủ năng lượng và các chất thiết yếu cho hoạt động hàng ngày. Chế độ ăn của mỗi người không giống nhau, tuy nhiên, thông thường các bữa ăn phải bảo đảm đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng thiết yếu là chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Việc xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý rất quan trọng, cần phải dựa vào thể trạng và nhu cầu dinh dưỡng trong từng thời điểm, đặc biệt với các đối tượng là trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai”, bà Nguyễn Thị Giang Nhung cho biết thêm.

Tuần lễ Dinh dưỡng và phát triển được phát động nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cũng như tạo sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn thể người dân về chế độ dinh dưỡng, vai trò quan trọng của dinh dưỡng đối với sức khỏe và cuộc sống của con người. Mỗi loại thức ăn có chứa một số loại dinh dưỡng với tỷ lệ khác nhau, nên bữa ăn hàng ngày cần đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm. Chất dinh dưỡng của các loại thực phẩm này sẽ bổ sung cho nhau và giá trị dinh dưỡng của bữa ăn sẽ tăng lên. Một bữa ăn cân đối cần có đủ các nhóm thực phẩm, là: Nhóm ngũ cốc, thực phẩm giàu đạm, thực phẩm giàu chất béo, thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất. Theo đó, dinh dưỡng năng lượng từ ngũ cốc chỉ nên chiếm từ 55 - 67% (tổng năng lượng khẩu phần), phần còn lại là các chất béo chiếm 20 - 25% và chất đạm chiếm 13 - 20%.

 Mỗi người hãy thực hiện tốt chế độ dinh dưỡng hợp lý để bảo đảm sức khỏe cho bản thân, như: Tăng cường sử dụng đa dạng các loại thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày; ưu tiên lựa chọn các loại thực phẩm theo mùa sẵn có tại địa phương, hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều đường, muối, chất béo; tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với lứa tuổi. Cùng hành động để đạt được tình trạng dinh dưỡng tối ưu, kiểm soát các bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng, góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

 HOÀNG LINH - DIỆU HƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên