Còn hơn 2 tháng nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2021-2022 sẽ diễn ra. Giữ vững thành tích ở kỳ thi này, cuối tuần vừa qua, Hội đồng chuyên môn nghiệp vụ cốt cán THPT và Giáo dục thường xuyên của Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng thi tốt nghiệp THPT năm 2021-2022 ở môn ngữ văn.
Giáo viên tham gia hội thảo nâng cao chất lượng thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn
Tạo tâm thế chủ động cho học sinh
Tại hội thảo, các thầy cô cùng nhau phân tích đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT. Ngoài ra, giáo viên ở một số trường cũng chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, ôn tập để đạt kết quả tốt nhất ở bộ môn này. Về phía Hội đồng chuyên môn nghiệp vụ cốt cán môn ngữ văn, cô Võ Thị Hải Chi, tổ trưởng hội đồng thay mặt hội đồng đã định hướng cho giáo viên ôn tập kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Cô Chi cho biết trên cơ sở kết quả đạt được trong năm học vừa qua, hội đồng đã họp và thống nhất về định hướng ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Cô lưu ý giáo viên tăng cường bám sát đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT, bám sát phần tinh giản chương trình của bộ đã hướng dẫn trước đó. Giáo viên tiếp tục bổ sung vào tài liệu ôn tập một số đề mới, gồm đề giáo viên trong tổ biên soạn, đề sở gửi các năm qua, các đề mới được cập nhật trong các tài liệu tin cậy khác, đặc biệt chú ý đến sự thay đổi trong các dạng câu hỏi phần đọc - hiểu, nghị luận văn học để kịp thời có sự điều chỉnh phù hợp, tạo tâm thế chủ động cho học sinh (HS).
Theo cô Chi, giáo viên cần tăng cường luyện tập đề, từ đề cụ thể đến nâng cao, luôn gắn lý thuyết với thực hành, gắn nội dung văn bản với các đề cụ thể. Bên cạnh đó, thầy cô còn kiểm tra việc HS nắm vững chi tiết, dẫn chứng trong văn bản để làm tốt câu nghị luận văn học, chú ý đến đặc trưng thể loại để hướng dẫn các em, xử lý linh hoạt các đặc trưng đó trong các yêu cầu cụ thể của đề bài. Người thầy cần tăng cường rèn luyện thao tác phân tích, cảm nhận trong bài nghị luận văn học, đặc biệt là ở kiểu đề phân tích, cảm nhận một đoạn trích, đoạn thơ, nhân vật...; đồng thời rèn luyện kỹ năng đánh giá, nhận xét và rèn luyện kỹ năng viết phần bình luận ngắn của phần phân hóa, về một vấn đề để tạo chiều sâu cho bài viết, thực hiện được mức độ phân hóa của đề.
Giáo viên chú ý tăng cường luyện tập cho HS đề ở lớp, ở nhà, vì chỉ có qua luyện tập HS mới có thể củng cố và khắc sâu kiến thức. Trong quá trình ôn luyện, thầy cô chấm điểm và nhận xét HS. Qua những lần sửa bài, các em sẽ nhận ra được ưu điểm và hạn chế của mình để khắc phục, sửa chữa. Trong các tiết dạy buổi hai, tiết tự chọn, giáo viên cho HS tăng cường luyện tập thêm các đề về nghị luận văn học, ôn tập đủ nội dung kiến thức, kỹ năng, đồng thời phải ôn tập có trọng tâm trọng điểm. Thầy cô cũng lưu ý hướng dẫn các em các kỹ năng đọc - hiểu, nghị luận xã hội, nghị luận văn học…
Tập trung rèn luyện học sinh
Theo cấu trúc đề thi minh họa, phần làm văn chiếm đến 7 điểm, trong đó câu nghị luận xã hội 2 điểm và nghị luận văn học 5 điểm. Cùng với định hướng ôn tập phần đọc hiểu, ôn tập phần nghị luận xã hội, cô Chi đã định hướng cho giáo viên ôn tập phần nghị luận văn học. Theo đó, giáo viên xác định đúng, đủ các yêu cầu chung của đoạn văn nghị luận xã hội ngay khi ôn tập, hướng dẫn HS bám sát các yêu cầu này khi trình bày bài văn; rà soát các đơn vị kiến thức của các tác phẩm, đoạn trích có thể xuất hiện trong đề, vận dụng linh hoạt kiến thức vào các vấn đề; rèn cho HS kỹ năng nhận diện yêu cầu đề, xác định đúng trọng tâm đề, nhận diện các dạng đề giúp HS tránh nhầm lẫn dạng đề.
Giáo viên rèn luyện cho các em kỹ năng tạo hệ thống luận điểm, luận cứ, luận chứng, cần trích dẫn dẫn chứng chính xác, rèn luyện kỹ năng phân tích chi tiết, hình ảnh... trong một đoạn trích ngắn; việc phân tích được chi tiết sẽ giúp HS cảm nhận được tối đa nội dung đoạn trích, có liên hệ, so sánh, đối chiếu, mở rộng vấn đề. Ở phần rèn luyện cách viết phần bình luận ngắn, giáo viên cần định hướng cho HS các trường hợp có thể xảy ra và hướng dẫn quy trình viết một cách cụ thể. Ngoài ra, thầy cô cần khuyến khích HS nỗ lực hoàn thành bài viết để đạt được điểm cao.
HỒNG THÁI