Đình Phú Long nét đẹp cổ kính

Cập nhật: 06-09-2019 | 08:20:13

Đình Phú Long (khu phố Hòa Long, phường Lái Thiêu, TX.Thuận An) được ban sắc phong vào năm Tự Đức thứ 5 và được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia năm 2011. Trải qua 197 năm, dù đã qua nhiều lần trùng tu nhưng kiến trúc và những hiện vật có giá trị còn lưu giữ tại đình. Đây đang là địa chỉ thu hút nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu.


Đình Phú Long với kiến trúc độc đáo.
Ảnh: MINH DUY

Kiến trúc độc đáo bên sông Sài Gòn

Đình Phú Long được xây dựng khoảng năm 1822. Đình được ban sắc phong vào ngày 29-11-1853. Quá trình hình thành đình luôn gắn liền lịch sử mở đất và giữ nước của địa phương và với quy mô, giá trị về nghệ thuật kiến trúc, sự phong phú, đa dạng về thiết chế thiết trí thờ phượng cũng như nét đặc thù trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của một ngôi đình ở miền đông Nam bộ, đình Phú Long đã được Bộ Văn hóa- Thông tin (trước đây) công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Đây là ngôi đình đầu tiên được công nhận là Di tích cấp quốc gia của tỉnh Bình Dương.

Năm 2014, đình Phú Long được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục địa phương công nhận “Ngôi đình có kiến trúc độc đáo nhất tỉnh Bình Dương”. Để bảo vệ an ninh công trình, cũng như các hiện vật có giá trị bên trong, UBND phường Lái Thiêu đã lắp đặt hệ thống camera an ninh để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố xảy ra.

Theo những người cao niên ở phường Lái Thiêu, đình Phú Long được trùng tu nhiều lần, nhưng hai lần được ghi nhận trùng tu với quy mô lớn là vào các năm 1865, 1935. Tháng 7-2018, sau khoảng một năm trùng tu, đình Phú Long được khắc phục nhiều chỗ hư hỏng do yếu tố thời gian, thời tiết gây ra. Tuy nhiên, hầu hết kiến trúc, hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa đều được bảo tồn khá tốt, như sắc phong của vua Tự Đức; án thờ bằng gỗ chạm, lộng; bài vị chạm nổi; bài vị sơn son thếp vàng; long vị chữ lộng nổi có mão…

Kiến trúc và thiết trí ngôi đình Phú Long được xây dựng kiểu chữ tam (三 ), mái lợp ngói âm dương, nền lót gạch hoa, diện tích xây dựng hơn 1.000m2, mặt tiền đình hướng ra sông Sài Gòn. Đình có ngôi chánh điện gồm: Tiền điện, trung điện và hậu điện. Điểm nhấn của đình Phú Long là nghệ thuật khảm sứ có từ thế kỷ XVII, ban đầu vốn là nghệ thuật dân gian, trải qua những thăng trầm biến đổi của lịch sử, nghệ thuật khảm sành sứ dần được nhiều người biết đến và trở thành nghệ thuật cung đình, sau đó được lan truyền rộng rãi.

Ngay từ ban đầu, các nghệ nhân đã sáng tạo bằng cách dùng những mảnh sành sứ hay mảnh gốm vỡ để tạo nên những sản phẩm trang trí. Sau đó, nghệ thuật khảm sứ được ứng dụng vào trong các miếu, đình các đời chúa Nguyễn và thịnh hành vào đầu thế kỷ XIX, tức thời điểm đình Phú Long được xây dựng.

Nghệ thuật khảm sứ tại đình Phú Long được cho là đẹp thứ hai ở Bình Dương chỉ sau đình Bà Lụa (TP.Thủ Dầu Một) - từng là ngôi đình đẹp nhất Nam kỳ thời bấy giờ. Hiện nay, khu vực mặt tiền và bên trong chính điện của đình Phú Long còn lưu giữ nguyên trạng tranh khảm gốm sứ, các phù điêu đắp nổi miêu tả thiên nhiên, cuộc sống hạnh phúc, thanh bình.

Cũng như những ngôi đình có kiến trúc thường thấy ở Nam bộ, đình Phú Long với kiến trúc 3 gian, trên mái trung điện, ở giữa có hình nhật nguyệt, đầu hồi là hình Long - Lân - Quy - Phụng. Phần mái hậu điện cũng có các hoa văn cá hóa long, lưỡng long trân châu. Phần Chánh điện là án thờ sắc thần Thành Hoàng Bổn Cảnh được vua Tự Đức ban tặng vào ngày 8-1-1853. Đình còn thờ các vị có công với làng, với đình theo thứ tự từng án thờ có lập bài vị. Bên vách trái phần chính điện có ghi danh sách những người có công đóng góp để xây dựng, trùng tu đình. Bên trong đình đều được thiết kế mở có giếng trời, vừa lấy ánh sáng tự nhiên vừa tạo không khí thoáng mát.

Theo một số tư liệu, đình Phú Long được trang trí theo lối cổ lầu, tất cả hoành phi, liễn, câu đối đều được sơn son thếp vàng màu sắc rực rỡ và có nội dung chúc tụng sơn hà xã tắc bền vững dài lâu, xưng tụng công đức của tiền nhân, thần thánh bảo vệ cuộc sống của dân làng được bình an.

Nhiều giá trị lịch sử

Với tuổi đời và kiến trúc độc đáo đặc trưng của văn hóa đình làng của người dân Nam bộ, đình Phú Long đang là điểm dừng chân được các công ty lữ hành lựa chọn khi đưa du khách đến Bình Dương. Ngoài giá trị nghệ thuật kiến trúc, văn hóa tâm linh, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đình Phú Long còn là nơi ẩn náu, cất giấu vũ khí của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ cách mạng tại địa phương.

Có thể nói, gần 200 năm hình thành, đình Phú Long không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân địa phương, mà còn là địa điểm gắn liền với hoạt động đấu tranh yêu nước của nhân dân Lái Thiêu nói riêng và của tỉnh nói chung. Hiện nay, đình Phú Long vẫn còn giữ được một số sinh hoạt cộng đồng luôn gắn với ý thức truyền thống dân tộc qua các lễ hội hàng năm và định kỳ. Hàng năm, người dân trong khu vực tập trung về đình đông nhất là vào dịp lễ cúng Kỳ Yên, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, vào các ngày 17, 18 tháng 8 âm lịch.

Đình Phú Long được xem là một công trình không chỉ có giá trị văn hóa, lịch sử đã được công nhận mà còn là công trình “sợi dây kết nối” các thế hệ của người dân Lái Thiêu và những khu vực lân cận.

Với vị trí giáp ranh cửa ngỏ TP.Hồ Chí Minh, gần trục giao thông huyết mạch quốc lộ 1A, đình Phú Long lại nằm cạnh sông Sài Gòn, du khách rất thuận lợi nếu muốn khám phá ngôi đình này. Nhiều du khách trong và ngoài nước đi tour trên sông Sài Gòn rất thích và trầm trồ khen ngợi vẻ đẹp kiến trúc ngôi đình - một công trình cổ kính đang soi mình bên bờ sông Sài Gòn thơ mộng.

Ông Phạm Hữu Nam, Chủ tịch UBND phường Lái Thiêu, cho biết nhu cầu của du khách du lịch đường sông Sài Gòn muốn chọn đình Phú Long làm điểm tham quan, dừng chân trên lộ trình là rất lớn. Quan điểm của địa phương là mong muốn nơi đây trở thành một địa điểm du lịch, điểm dừng chân du lịch đường sông.

“Hiện nay, do khu vực đình Phú Long không có điểm để cập bến, các bậc tam cấp để khách từ du thuyền dưới sông Sài Gòn lên bờ chưa có nên chưa thể tiếp đón nhiều du khách. Địa phương đã kiến nghị tỉnh xem xét cho phép khu vực làm một bến thủy nội địa; đồng thời đầu tư thêm một số hạng mục cần thiết để có thể tiếp nhận du khách du lịch trên tuyến đường sông có thể tham quan khu di tích”, ông Nam nói.

Hỗ trợ các thông tin về du lịch Bình Dương: Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Bình Dương. Địa chỉ: Số 239, đường Thích Quảng Đức, phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương. Điện thoại: (0274)3.855.636. Website: www. dulichbinhduong.org.vn. Email: ttxtdl@binhduong.gov.vn

 MINH DUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=6760
Quay lên trên