Theo đồ án quy hoạch nâng cấp và phát triển đô thị dựa trên cơ sở xã Thanh Tuyền hiện nay, một đô thị Bến Súc phát triển sầm uất với nhiều khu đô thị, khu dân cư. Đô thị này được hệ thống chính trị và người dân Dầu Tiếng đặt nhiều kỳ vọng, khao khát về một tương lai sáng lạn cho quê hương anh hùng, tạo tiền đề và niềm tin vững chãi để toàn huyện phấn đấu trở thành thị xã vào những năm 2030.
Xã Thanh Tuyền hiện hữu với hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng khang trang, thương mại - dịch vụ phát triển sầm uất
Kinh tế - xã hội nhiều khởi sắc
Nhắc đến Thanh Tuyền, nhiều người nghĩ ngay đến một vùng đất sông nước tiếp giáp với TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh với nhiều hoa thơm quả ngọt, nhưng Thanh Tuyền không chỉ có vậy. Với lợi thế nằm ở khu vực tiếp giáp, có sông Sài Gòn với lượng lớn phù sa màu mỡ chảy quanh và đường ĐT744 chạy trải dài qua địa bàn, xã Thanh Tuyền có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội. Và các chỉ số tăng trưởng của địa phương này trong những năm qua như một lời khẳng định chắc chắn về sự quyết tâm, phấn đấu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây luôn dày công thực hiện.
Thông tin từ UBND xã Thanh Tuyền cho thấy dù vừa trải qua trận đại dịch Covid-19 nhưng tình hình kinh tế - xã hội của địa phương này trong 6 tháng đầu năm 2022 vẫn tiếp tục tăng trưởng ấn tượng. Theo đó, diện tích gieo trồng các loại cây lương thực, cây ăn trái đặc sản tiếp tục gia tăng gắn liền với sự sụt giảm diện tích trồng cao su và các loại cây truyền thống kém hiệu quả. Tình hình thương mại - dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn cũng tiếp tục phục hồi và có những khởi sắc sau thời gian khó khăn. Đến nay, trên toàn địa bàn Thanh Tuyền đã có 943 hộ kinh doanh các loại hình dịch vụ ăn uống, thương mại, giao thông vận tải… Chuỗi cung ứng hàng hóa tại hệ thống các chợ, cửa hàng tiếp tục được duy trì ổn định, lượng hàng hóa được tiểu thương nhập về khá đầy đủ, phong phú về mẫu mã, chủng loại và bình ổn giá nên tạo điều kiện khá tốt giúp sức mua của người dân tăng trưởng trở lại.
Ông Nguyễn Hữu Chí, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Tuyền, cho biết trong 6 tháng đầu năm địa phương đã thu ngân sách 14,7 tỷ đồng, đạt 57% so với dự toán HĐND giao. Đây là tín hiệu đáng mừng, khẳng định nền kinh tế - xã hội trên địa bàn đã thật sự phục hồi và khởi sắc trở lại và hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Để đẩy mạnh tiến trình đô thị hóa, thời gian qua xã Thanh Tuyền đã phối hợp ngành chức năng thực hiện nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường giao thông, thực hiện nạo vét, khai thông dòng chảy đối với nhiều tuyến kênh rạch, bảo đảm tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân luôn diễn ra an toàn trước tình hình thời tiết xấu.
Tìm hiểu về sự phục hồi nhanh chóng của Thanh Tuyền, chúng tôi biết rằng các hoạt động hỗ trợ người dân mà chính quyền địa phương thường xuyên triển khai có ý nghĩa khá quan trọng. Sau đại dịch, các ban ngành cấp huyện đã tích cực phối hợp xã hỗ trợ người dân trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Những hộ dân có nhu cầu chuyển đổi mô hình kinh tế sẽ được hỗ trợ tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nghề, vay vốn ưu đãi, giới thiệu cho những đơn vị bao tiêu sản phẩm uy tín, hợp tác dài lâu.
Tương lai tươi sáng
Ghé thăm vườn măng cụt của gia đình ông Nguyễn Văn Tỵ ở ấp Suối Cát (xã Thanh Tuyền), chúng tôi được ông vui vẻ thông tin năm nay số tiền thu được từ bán măng cụt là 120 triệu đồng, gấp đôi so với vụ năm 2021. Tiếp chúng tôi trong khuôn viên vườn giáp sông Sài Gòn, người đàn ông tuổi trạc lục tuần niềm nở kể về chuyện nhà nông, chuyện trồng măng, nuôi cá. Nhâm nhi tách trà nóng, thưởng thức những trái măng cụt trắng nõn trong làn gió mát, chúng tôi nghĩ về đề án “Phát triển du lịch sinh thái gắn liền vườn cây ăn trái đặc sản Thanh Tuyền” mà huyện Dầu Tiếng đang triển khai.
Theo đề án, trong giai đoạn 2021-2025, huyện Dầu Tiếng phấn đấu tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng dần bỏ những mô hình kinh tế truyền thống kém hiệu quả và chuyển sang đầu tư làm ăn quy mô, hiện đại. Trong đó, các trang trại trồng trọt, chăn nuôi sẽ được địa phương quy tụ và đưa vào danh sách các điểm du lịch tham quan, thưởng lãm. Mô hình này vừa trực tiếp giúp người dân có thêm thu nhập đồng thời kiến tạo thêm không gian vui chơi, giải trí, tham quan cho du khách gần xa.
Để góp phần hỗ trợ người dân phục hồi và chuyển đổi mô hình kinh tế sau đại dịch, thời gian qua Quỹ Tín dụng nhân dân Thanh Tuyền đã thực hiện xét thẩm định và cho 3.225 người dân vay vốn sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh. Lũy kế, đến nay Quỹ Tín dụng Nhân dân Thanh Tuyền đã có tổng nguồn vốn hoạt động đạt 419,7 tỷ đồng, doanh số cho vay hàng tháng ước đạt trên 20 tỷ đồng và đang tiếp tục tăng trưởng mạnh, doanh số thu nợ là 25 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 204,6 tỷ đồng.
Về Thanh Tuyền mùa trái chín, người ta cảm thấy thích thú với hình ảnh những vườn cây ăn trái, những trang trại chăn nuôi trải dài ven sông Sài Gòn, đó là xen lẫn vào những khu, cụm dân cư đông đúc, náo nhiệt như tô điểm thêm cho bức tranh muôn màu. Nhìn vào tốc độ tăng trưởng và sự quyết tâm mà hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân nơi đây thể hiện, tin rằng tương lai không xa Dầu Tiếng sẽ trở thành đô thị phát triển sầm uất với cơ cấu nền kinh tế phát triển hài hòa, bền vững theo định hướng tăng trưởng xanh mà địa phương đang hướng tới. Trong đó, đô thị Bến Súc là một bức tranh sáng trực tiếp kết nối Dầu Tiếng nói riêng và Bình Dương nói chung với TP.Hổ Chí Minh, tỉnh Tây Ninh.
ĐÌNH THẮNG - TÚ BÌNH