Đô thị Nam Tân Uyên hướng đến sự bền vững

Cập nhật: 11-08-2012 | 00:00:00

Với quy hoạch vừa được thông qua ngày 7-5, Tân Uyên hứa hẹn sẽ lột xác hoàn toàn và mang một diện mạo văn minh, hiện đại hơn. Theo đó, năm 2015 thành lập đô thị loại IV Nam Tân Uyên bao gồm 3 thị trấn và 11 xã với tổng diện tích 17.503 ha, quy mô dân số 220 ngàn người.

Kỳ vọng vào sự đổi mới

Với định hướng quy hoạch mới, Tân Uyên kỳ vọng phấn đấu đạt giá trị công nghiệp lên đến 12.075 tỷ đồng, tăng 7.039 tỷ đồng so với năm 2010. Tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế huyện đến năm 2015 đạt 61,75%. Phân bổ không gian phát triển công nghiệp cũng có sự định hướng rõ ràng. Đối với các xã phía Nam gắn phát triển công nghiệp với phát triển đô thị và dịch vụ. Các địa phương này sẽ thu hút các ngành công nghiệp sạch, có hàm lượng kỹ thuật cao và các ngành công nghiệp phụ trợ. Đối với các xã phía Bắc sẽ phát triển công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Ngành nghề ưu tiên đầu tư đối với các xã phía Bắc sẽ là: chế biến nông - lâm sản, thực phẩm, thức ăn gia súc, chế biến cao su, sản xuất vật liệu xây dựng và các ngành nghề truyền thống.

 Nam Tân Uyên đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một đô thị văn minh, hiện đại trong tương lai gần. (Trong ảnh: Nhiều công trình giao thông đang được nâng cấp, mở rộng

Với định hướng phát triển mới, khu đô thị Nam Tân Uyên trong tương lai gần sẽ phát triển đồng bộ các lĩnh vực dịch vụ như thương mại, du lịch, dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông, các loại hình dịch vụ, y tế, giáo dục, văn hóa thể thao, các hoạt động tín dụng, ngân hàng... để đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống. Giai đoạn 2012-2015, huyện sẽ giải tỏa 3 chợ Tân Ba, Tân Định, Lạc An để đầu tư xây dựng 3 điểm chợ mới, cải tạo nâng cấp chợ Tân Thành, đầu tư xây mới các chợ mới tại các xã còn lại ở phía Nam Tân Uyên. Huyện cũng sẽ tiếp tục phát triển nhà hàng, khách sạn, siêu thị tại các trung tâm xã, thị trấn có tốc độ phát triển công nghiệp cao như Uyên Hưng, Tân Phước Khánh, Thái Hòa, Khánh Bình...

Để hướng tới một tương lai phát triển bền vững hơn cho khu đô thị mới, huyện cũng chú trọng vào việc phát triển dịch vụ, du lịch. Cụ thể, trong tương lai gần các Khu du lịch (KDL) sinh thái Hàn Tam Đẳng, KDL nghỉ dưỡng Mắt Xanh, KDL sinh thái Vân Thịnh, KDL sinh thái Phước Thái - thị trấn Thái Hòa... sẽ được đôn đốc đầu tư, xây dựng và phát triển hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu của du khách.

Phát triển không gian đô thị

Về Tân Uyên trong những ngày này có thể cảm nhận không khí xây dựng khẩn trương phục vụ nhu cầu phát triển không gian đô thị của địa phương. Hiện huyện có đến 28 dự án trọng điểm, dự án lớn để hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của địa phương. Những công trường nâng cấp, mở rộng đường ĐT746 đoạn từ cầu Tân Khánh đến dốc Cây Quéo hay công trình nâng cấp, mở rộng đường ĐT747B đoạn từ Miếu Ông Cù đến điểm giao đường Thủ Biên - Cổng Xanh đang hối hả hoàn thành với hàng đoàn xe chở đất, đá, vật liệu phục vụ xây dựng.

Để thực hiện kế hoạch nâng cấp đô thị và điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập đơn vị hành chính mới trong giai đoạn 2011-2015 theo chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Tân Uyên đã lập và trình phê duyệt xong Quy hoạch chung xây dựng đô thị Nam Tân Uyên. Ngoài ra, quy hoạch chung xây dựng thị trấn Cổng Xanh, thị trấn Tân Thành và một loạt đô thị khác cũng đã được đề ra và xây dựng hoàn chỉnh trong thời gian gần nhất. Các tuyến đường trong khu vực nội thị và đường Cù lao Bạch Đằng, Thạnh Hội cũng được nâng cấp mở rộng...

Không chỉ có các tuyến đường liên tục được đầu tư, xây dựng và chỉnh trang đô thị để đạt chuẩn loại IV vào năm 2015, Tân Uyên đang tích cực triển khai hàng loạt biện pháp nhằm tạo dựng bộ mặt mới cho huyện. Đến nay, UBND huyện đã phê duyệt chi tiết quy hoạch 5 khu dân cư, tái định cư bao gồm: xã Tân Hiệp, xã Khánh Bình, Tân Phước Khánh, khu nhà ở cán bộ công chức, xã Thường Tân. Ngoài ra, Khu dân cư, tái định cư Thạnh Hội, Lạc An cũng đang dần hình thành. Đối với 18 khu dân cư, nhà ở thương mại của tư nhân, tất cả đều được thực hiện theo đúng quy hoạch chi tiết. Trong đó, hầu hết các khu dân cư đều đang trong giai đoạn thi công hạ tầng đạt khoảng 90%.

Tất cả công tác quy hoạch và xây dựng cơ bản kể trên đều chỉ nhằm mục tiêu tối thượng trong tương lai gần là hình thành và ra mắt đô thị Nam Tân Uyên phát triển xứng tầm với tốc độ đô thị hóa nhanh, mạnh mẽ và bền vững của Bình Dương nói chung.

Ranh giới quy hoạch đô thị Nam Tân Uyên gồm 3 thị trấn và 9 xã: Thị trấn Tân Phước Khánh, thị trấn Uyên Hưng, thị trấn Thái Hòa, xã Thạnh Phước, Thạnh Hội, Bạch Đằng, Khánh Bình, Tân Hiệp, Vĩnh Tân, Tân Vĩnh Hiệp, Phú Chánh và Hội Nghĩa với diện tích tự nhiên 17.503 ha. Đến năm 2020, đô thị Nam Tân Uyên đạt đô thị loại III với 12 đơn vị hành chính cấp phường, quy mô dân số 220.000 người. Mô hình phát triển đô thị với nhiều khu vực khác nhau: cải tạo chỉnh trang khu vực cũ, kết hợp xây dựng mới và hiện đại hóa. Vị trí trung tâm của đô thị Nam Tân Uyên sẽ là thị trấn Uyên Hưng hiện hữu kết hợp với việc chỉnh trang, cải tạo và xây mới nhiều hạng mục xây dựng hiện đại.

KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên