Giữa những ngày thu tươi mát, chúng tôi có dịp rong ruổi trên những cung đường phố thị Bình Dương. Ngắm nhìn, cảm nhận nhịp sống náo nhiệt của những thành phố có tuổi đời non trẻ, chúng tôi thầm nghĩ về một tương lai xán lạn đang mở ra cho con người, mảnh đất năng động và giàu truyền thống này...
Kỳ 1: Những thành phố giàu sức sống
Từ trung tâm Thủ Dầu Một
Thủ Dầu Một có 14 đơn vị hành chính trực thuộc, là nơi giao thoa của những giá trị văn hóa cổ điển (đô thị cũ) và hiện đại (đô thị mới). Không chỉ đóng vai trò là đô thị trung tâm, Thủ Dầu Một còn là địa phương có khả năng thu hút đầu tư thương mại - dịch vụ, công nghiệp thuộc tốp đầu của tỉnh. Cụ thể, hiện cơ cấu kinh tế của địa phương tính đến cuối năm 2021 đã được duy trì đúng theo định hướng với tỷ trọng thương mại - dịch vụ 60,89%, công nghiệp 39,07%, nông nghiệp 0,04%.
Cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng liên tục được đầu tư nâng cấp, mở rộng, giá trị kinh tế - xã hội của Thủ Dầu Một đang tăng lên từng ngày. Giai đoạn từ 2016 đến nay, số lượng các công trình chung cư cao tầng, cao ốc văn phòng… trên địa bàn thành phố đã tăng tương ứng khoảng hơn 200% so với trước. Chạy dọc các tuyến đường huyết mạch như quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn, 30-4, Phạm Ngọc Thạch, Cách Mạng Tháng 8, Yersin… chúng ta dễ dàng cảm nhận sự văn minh, hiện đại lan tỏa giàu sức sống.
Cửa ngõ phía nam của TP.Thủ Dầu Một với hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng khang trang, hai bên đường là những tòa cao ốc sừng sững, tạo nên không gian đô thị văn minh, hiện đại
Ông Trần Văn Hùng, người dân phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, cho biết trước đây trên địa bàn thành phố chỉ có một vài tuyến phố có thể kinh doanh. Nhưng đến nay, hầu hết các tuyến đường trên địa bàn đều đã trở thành những con phố thương mại phát triển sầm uất. Hiện trên địa bàn đã có những tuyến phố kinh doanh chuyên biệt, như: Phố ngân hàng (đại lộ Bình Dương), phố ẩm thực (Thích Quảng Đức, khu dân cư Chánh Nghĩa, bến Bạch Đằng sông Sài Gòn…), phố thời trang (Yersin), phố hoa tươi (Ngô Quyền), phố điện máy (Cách Mạng Tháng 8)…
Để tiếp tục nâng tầm đô thị, ông Nguyễn Văn Đông, Bí thư Thành ủy Thủ Dầu Một, cho biết thời gian tới thành phố sẽ huy động tối đa các nguồn lực, bố trí nguồn kinh phí để đầu tư một số công trình giao thông trọng điểm, những công trình kết nối nhằm tạo giá trị mới cho các khu vực định hướng phát triển đô thị. Đây là tiền đề quan trọng để giúp thành phố tiếp tục thu hút đầu tư phát triển thương mại - dịch vụ, công nghiệp. Tạo bước đệm tốt để đưa Thủ Dầu Một trở thành đô thị loại I trong giai đoạn 2020-2025 theo mục tiêu đề ra.
Đến những thành phố trẻ năng động
Nằm về phía nam của tỉnh, còn có hai thành phố trẻ là những đô thị công nghiệp có tốc độ phát triển năng động là Thuận An và Dĩ An. Dù mỗi địa phương có một đặc thù riêng, nhưng nhìn chung, sự đóng góp của 2 thành phố trẻ đối với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội tỉnh nhà và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam là vô cùng to lớn. Trong khi Dĩ An đang hướng tới mục tiêu dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ, thì Thuận An lại lựa chọn phương án phát triển mô hình đô thị ven sông để đa dạng hóa bản sắc kinh tế - xã hội địa phương.
Trở lại Dĩ An vào những ngày đầu thu năm 2022, chúng tôi ghi nhận sự thay da đổi thịt của thành phố này. Hầu hết những con đường nhỏ bé, gồ ghề đất đá ngày nào đều đã được thay thế bằng nhựa nóng, bê tông sạch đẹp. Thay thế cho những ngôi nhà cũ kỹ đã xuống cấp là những dãy nhà phố, khu dân cư mới được xây dựng theo phong cách kiến trúc hiện đại.
Ông Bùi Thanh Nhân, Bí thư Thành ủy Dĩ An, cho biết thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục ưu tiên quy hoạch phát triển đồng bộ các phân khu trên địa bàn, tạo tiền đề, động lực và thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư mở hệ thống chuỗi cửa hàng, siêu thị. Ông Nhân cho biết hiện Dĩ An cũng đang hình thành những tuyến phố kinh doanh chuyên biệt, như: Ngân hàng, ẩm thực, điện máy, giải trí… và dự kiến quy mô, số lượng của các tuyến phố này sẽ tiếp tục tăng mạnh thời gian tới. Chị Trương Thị Thu Ngân, người dân phường Dĩ An, TP.Dĩ An, cho biết từ khi các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị có mặt tại TP.Dĩ An đã đáp ứng hầu hết các nhu cầu về mua sắm, vui chơi, giải trí của người dân địa phương.
Một góc TP.Dĩ An về đêm nhìn từ trên cao. Ảnh: ĐÌNH THẮNG
Từ trung tâm TP.Dĩ An, chúng tôi men theo đường ĐT743B đến với phường Lái Thiêu, trung tâm TP.Thuận An để ghi nhận nhip sống nơi đây. Vượt qua những ngày giông bão mang tên Covid-19, cuộc sống ở vùng đất của những loài trái cây đặc sản lại trở nên thanh bình, êm đềm như trước. Chạy dọc những tuyến đường trung tâm, người ta dễ dàng cảm nhận được những nét đặc sắc, sự đa sắc màu trong đời sống, văn hóa của người dân. Ông Đỗ Quang Dũng, người dân khu phố Đông Nhì, phường Lái Thiêu, TP.Thuận An, cho biết ông có một nhóm bạn hay đạp xe vào khoảng 5 giờ sáng, sau đó tập trung tại một quán cà phê nằm trên đường ven sông Sài Gòn. Theo ông Dũng, trước không gian sông nước mênh mông như vậy, con người ta lại dễ dàng tìm được cảm giác an yên, bao nhiêu muộn phiền cũng vì vậy mà tan biến.
Bà Huỳnh Thị Thanh Phương, Bí thư Thành ủy Thuận An, cho biết từ nay đến năm 2030, thành phố tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển các khu đô thị ven sông Sài Gòn. Qua đó, thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư phát triển, tạo nên hệ sinh thái thương mại - dịch vụ chất lượng cao. Hiện tại, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, xây dựng hệ thống tuyến đường giao thông huyết mạch cặp sông Sài Gòn, đồng thời từng bước điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị ở khu vực này để tạo đà phát triển. (Còn tiếp)
ĐÌNH THẮNG