Đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững

Thứ hai, ngày 19/08/2024

(BDO) Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh), xác định mục tiêu đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh,… 

Phát triển đô thị theo 3 vùng động lực

Đến năm 2030, Bình Dương sẽ có 3 đô thị đạt tiêu chí loại I (TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An, TP.Thuận An); 2 đô thị đạt tiêu chí đô thị loại II (TP.Tân Uyên, TP.Bến Cát); 1 đô thị đạt tiêu chí thị xã - đô thị loại IV (huyện Bàu Bàng); 3 đô thị đạt tiêu chí đô thị loại IV (thị trấn Tân Thành - huyện Bắc Tân Uyên; thị trấn Phước Vĩnh - huyện Phú Giáo; thị trấn Dầu Tiếng - huyện Dầu Tiếng); thành lập mới một số đô thị thuộc huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo và Dầu Tiếng, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 88-90%.


Bình Dương phát triển hệ thống giao thông vận tải phải bảo đảm tính thống nhất, hợp lý, đồng bộ, hiện đại. Trong ảnh: Đường Tân Vạn - Mỹ Phước-Bàu Bàng

Đồng thời, gắn kết hài hòa phát triển giữa đô thị và nông thôn, thúc đẩy liên kết vùng. Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, phát triển các đô thị đồng bộ về kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, kiến trúc, nhà ở, chất lượng sống của người dân, thân thiện với môi trường. 

Phát triển không gian đô thị Bình Dương gắn với vùng đô thị trung tâm TP.Hồ Chí Minh theo mô hình vùng đô thị với khung cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trên cơ sở 3 khu vực không gian động lực được Quy hoạch tỉnh xác định, tỉnh Bình Dương sẽ tổ chức quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng với hệ thống các đô thị và các khu chức năng được kết nối bởi một hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hài hòa, theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững.

Khu vực 1 (gồm TP.Thuận An và TP.Dĩ An) sẽ thực hiện tái thiết, cải tạo đô thị; di dời các cơ sở sản xuất, công nghiệp lạc hậu, ô nhiễm môi trường lên phía Bắc của tỉnh. Sử dụng các dư địa không gian cho mô hình đô thị mới theo định hướng TOD và bổ sung các hạ tầng xã hội để đưa Thuận An, Dĩ An trở thành đô thị hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Khu vực 2 (gồm TP.Thủ Dầu Một, TP.Tân Uyên, TP.Bến Cát và huyện Bàu Bàng) sẽ phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, công nghệ tiên tiến, dịch vụ cộng đồng cấp Vùng và đô thị thông minh làm trụ cột cho tăng trưởng của tỉnh. 

Khu vực 3 (gồm các huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Dầu Tiếng) sẽ hình thành các khu công nghiệp thế hệ mới, thu hút phát triển mô hình đô thị - công nghiệp - dịch vụ sinh thái. 


TP.Thủ Dầu Một, TP.Tân Uyên, TP.Bến Cát và huyện Bàu Bàng sẽ phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, công nghệ tiên tiến, dịch vụ cộng đồng cấp Vùng và đô thị thông minh. Trong ảnh: một góc thành phố mới Bình Dương

Bảo tồn và phát triển các hành lang sinh thái sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Thị Tính… tăng độ phủ xanh, phát triển năng lượng tái tạo.

Phát triển các khu đô thị, dịch vụ mới tại Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, tạo dư địa để từng bước tái phát triển khu vực đô thị hiện hữu, dịch chuyển các hoạt động logistics vùng lên khu vực dọc Vành đai 4 - vùng TP.Hồ Chí Minh; phát triển đô thị, khu phức hợp và khu công nghiệp mới ở các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất công nghiệp phía Nam dịch chuyển lên phía Bắc của tỉnh. 

Phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo của tỉnh tại Thủ Dầu Một, Dĩ An, Tân Uyên, Bàu Bàng, Bến Cát để tạo không gian động lực về khoa học công nghệ, dịch vụ và văn hóa sáng tạo.

Phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại

Theo Quy hoạch tỉnh, Bình Dương phát triển hệ thống giao thông vận tải phải bảo đảm tính thống nhất, hợp lý, đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường và phù hợp với định hướng phát triển của quốc gia, Vùng Đông Nam Bộ và của tỉnh; ưu tiên đầu tư trước để tạo tiền đề, làm động lực phát triển kinh tế - xã hội, phát triển bền vững.

Về đường bộ, tỉnh sẽ phát triển các tuyến giao thông quốc gia trên địa bàn tỉnh (gồm: Cao tốc Bắc - Nam phía Tây, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành - Hoa Lư, Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 56B, Quốc lộ 13B, Quốc lộ 13C) thực hiện theo Quy hoạch tỉnh mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.



Tỉnh phát triển hệ thống cảng cạn, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu. Trong ảnh: Cảng Thạnh Phước và Cảng ICD Sóng Thần

Tỉnh phát triển hệ thống giao thông kết nối liên tỉnh: Hướng Bình Dương – TP.Hồ Chí Minh với các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Quốc lộ 1K, đường ĐT.741, ĐT.743B, ĐT.745, ĐT.746, đường ven sông Sài Gòn,…

Hướng Bình Dương - Đồng Nai với các tuyến Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1K, Quốc lộ 56B, ĐT.742C, ĐT.743, ĐT.746E, ĐT.746G, ĐT.747;…

Hướng Bình Dương - Bình Phước với các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành - Hoa Lư, Quốc lộ 13, Quốc lộ 13B, Quốc lộ 13C, đường Hồ Chí Minh, ĐT.741C, Đ T.744B, ĐT.748;…

Hướng Bình Dương - Tây Ninh với cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 56B, ĐT749B, ĐT.749E, ĐT.749F;…

Đến năm 2030, Bình Dương có 43 tuyến đường tỉnh, gồm 16 tuyến hiện hữu và 27 tuyến bổ sung mới.

Về đường sắt, tỉnh thực hiện theo Quy hoạch tỉnh mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nghiên cứu xây dựng bổ sung tuyến đường sắt Bàu Bàng - Mộc Bài kết nối đường sắt Hồ Chí Minh - Lộc Ninh và tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên với tuyến đường sắt TP.Hồ Chí Minh - Tây Ninh.

Đối với đường sắt đô thị, tỉnh nghiên cứu đầu tư xây dựng 12 tuyến, như: Tuyến số 1 từ thành phố mới Bình Dương đến Suối Tiên; Tuyến số 1B từ Tân Đông Hiệp qua Ga An Bình đến Ngã tư Gò Dưa;…

Bình Dương sẽ phát triển các tuyến vận tải đường thủy nội địa trên các sông Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Tính. Hệ thống cảng, bến thủy nội địa gồm 18 cảng.

Nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu, tỉnh phát triển hệ thống cảng cạn, tăng năng lực thông qua hàng hóa của hệ thống cảng biển khu vực Đông Nam Bộ (gồm: cảng cạn An Sơn, cảng cạn Bình Hòa (Tân Cảng Sóng Thần), cảng cạn TBS Tân Vạn Dĩ An, cảng cạn Thạnh Phước, cảng cạn Tân Uyên, cụm cảng cạn Bến Cát (cảng cạn An Điền, cảng cạn An Tây, cảng cạn Rạch Bắp), cảng cạn Thanh An...

Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng: 

Quy hoạch tỉnh thể hiện quan điểm, mục tiêu và tầm nhìn phát triển toàn diện, rõ ràng. Quy hoạch tỉnh là cơ sở pháp lý rất quan trọng để Bình Dương phê duyệt các cấp độ quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng; Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh và các đô thị trực thuộc tỉnh; là cơ sở để xác định những dự án trọng tâm, trọng điểm, liên kết vùng, để tập trung mọi nguồn lực để đầu tư, tạo động lực thúc đẩy đô thị Bình Dương phát triển hài hòa và bền vững.

Phương Lê-Hoàng Phong