Đô thị phát triển, kinh tế tăng tốc - Kỳ 1

Cập nhật: 05-08-2024 | 08:22:38

Kỳ 1: Bệ phóng từ hạ tầng

Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, đô thị Bình Dương được đầu tư phát triển theo hướng xanh, văn minh, hiện đại, thông minh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đã tạo “bệ phóng”, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng bền vững.

 Đô thị Bình Dương được đầu tư phát triển theo hướng xanh, văn minh, hiện đại. Trong ảnh: Một góc thành phố mới Bình Dương

 Xây dựng hạ tầng đồng bộ, kết nối

Những năm qua, công tác quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng đã được Bình Dương tiếp tục quan tâm chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Đến nay, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 84% (tương đương các quốc gia công nghiệp phát triển), diện tích nhà ở bình quân đầu người ước đến hết năm 2023 đạt 31m2/ người. Việc phát triển đô thị gắn với phát triển công nghiệp, hình thành các khu công nghiệp “xanh, sạch”, các khu dân cư cho người lao động có đầy đủ điều kiện về hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội và các thiết chế văn hóa đang được Bình Dương quan tâm đầu tư.

Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch cục bộ, điều chỉnh tầng cao xây dựng một số vị trí để thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, bảo đảm các quy định của pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu an cư lạc nghiệp cho công nhân lao động và người có hoàn cảnh khó khăn. Hiện tỉnh đang triển khai lập quy hoạch tỉnh, điều chỉnh quy hoạch chung các huyện, thành phố. Ngoài ra, tỉnh đang quy hoạch phân khu khu vực phát triển đô thị phục vụ cho đầu tư các tuyến đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh và tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành với 27 khu vực phát triển đô thị (tổng diện tích 18.077 ha).

Song song đó, Bình Dương đã chú trọng đầu tư nâng cấp, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên nguồn lực thích hợp cho các lĩnh vực giao thông, chỉnh trang đô thị, cấp thoát nước công cộng. Xác định, đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, Bình Dương quyết liệt cơ cấu lại lĩnh vực đầu tư công. Tỉnh phân bổ vốn đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, các dự án liên kết, kết nối vùng tạo ra không gian phát triển mới, khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của địa phương, tránh tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải.

 Các khu công nghiệp ở Bình Dương có hạ tầng đồng bộ, kết nối, xanh sạch

Bình Dương đã đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, kết nối giao thông liên vùng với các tỉnh, thành; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, chủ động phối hợp với các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam bộ đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng và khởi công một số dự án công trình giao thông trọng điểm kết nối vùng. Lãnh đạo tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng trọng điểm, như: Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành, mở rộng Quốc lộ 13, cầu Bạch Đằng 2…

Thúc đẩy kinh tế tăng trưởng

Cùng với việc đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, kết nối và triển khai các chính sách khuyến khích đầu tư, tỉnh đã khai thác tiềm năng, lợi thế, tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giai đoạn 2020-2023, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng bình quân 8,3%/năm, chiếm 33% tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (Nghị quyết 33 - 34% GRDP). Công nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và giữ vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) duy trì tăng trưởng ở mức độ khá, bình quân giai đoạn 2020- 2023 tăng 6,1%/năm, dự báo cuối nhiệm kỳ đạt 8,5%.

Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành dịch vụ giai đoạn 2021-2023 đạt 6,89%/năm. Thu hút đầu tư của tỉnh tiếp tục đạt nhiều kết quả khả quan, giai đoạn 2020-2023 thu hút đầu tư nước ngoài đạt 9,56 tỷ đô la Mỹ, ước đến hết nhiệm kỳ đạt 13,2 tỷ đô la Mỹ (Nghị quyết trên 9 tỷ đô la Mỹ), thu hút đầu tư trong nước được 248.040 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn bình quân giai đoạn 2020- 2023 là 66.481 tỷ đồng, tăng 2,1%/năm, ước thực hiện bình quân đến hết nhiệm kỳ 69.760 tỷ đồng, tăng 4,4%/năm (Nghị quyết 8%/năm). Tổng chi ngân sách Nhà nước thực hiện bình quân giai đoạn 2020-2023 ước đạt 37.348 tỷ đồng, ước thực hiện bình quân đến hết nhiệm kỳ 33.244 tỷ đồng. (còn tiếp)

 Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, lĩnh vực nông nghiệp phát triển ổn định. Trong điều kiện khó khăn, tỉnh vẫn thu hút được vốn đầu tư nước ngoài và duy trì hoạt động xuất khẩu. Thu nhập bình quân đầu người của Bình Dương năm sau cao hơn năm trước, tổng thu ngân sách bảo đảm kế hoạch, chỉ tiêu được giao và tăng hàng năm theo tỷ lệ tương ứng để tạo nguồn lực chi cho đầu tư phát triển.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=812
Quay lên trên