Cộng đồng ngư dân Bình Định hôm qua bắt đầu xôn xao chuẩn bị ngư cụ, lên đường ra khơi săn cá nhám, vốn được gọi là cá mập, sau khi chính quyền địa phương thông báo treo thưởng 10 triệu đồng cho người bắt được cá dữ.
"Vừa góp phần bảo đảm an toàn cho người tắm biển, vừa có tiền bán cá nếu bắt được, lại có thưởng, nên chúng tôi quyết định tổ chức các chuyến đi săn ngoài khơi", ngư dân Dũng cho biết. Người này khá tự tin sẽ bắt được cá nhám nhờ vào kinh nghiệm, dẫu đã xác định là rất khó vì đại dương rộng lớn, lại chưa xác định có một hay nhiều cá dữ, trong điều kiện thiếu trang thiết bị hiện đại...
Theo các ngư dân có kinh nghiệm trong việc săn bắt cá mập, có nhiều cách vây bắt nhưng thường thì dùng lưới (loại lưới đặc dụng săn bắt cá mập) và câu mồi, câu thẻo (mồi màu sáng, nhiều chất tanh để dễ dụ cá mập). Có người lại đề nghị nên dùng lưới dã cào đôi thì có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, phương án lưới dã cào đôi bị nhiều ngư dân phản đối, vì với loại lưới này thì cá dữ hay cá hiền đều bị bắt cả, không phân biệt con nào.
Ngư dân Phạm Ngọc Dũng cho biết: “Tôi đã làm nghề câu cá mập sáu năm nay rồi. Thường thì đến mùa Nam (tháng 2 đến tháng 8 âm lịch) mới ra quân, vì thời điểm này, cá mập mẹ vào ghành sát bờ để đẻ. Còn năm nay cá mập xuất hiện thời điểm này là khá lạ”.
Còn ngư dân Trần Văn Chạy, người trong nghề thường gọi thân quen là Tư cá mập vì độ sát cá của ông, kể: “Năm 2008, tôi từng bắt được 4 con cá mập, trong đó con nhỏ nhất 25 kg, con to nhất nặng hơn 120 kg”. Theo ông Chạy, cá mập săn được bán có giá chỉ nhờ bộ vi, như con 120 kg ông bắt được bán bộ vi được 2 triệu đồng, còn phần thịt thì chỉ độ 700-800 nghìn đồng.
Chiều 13-1, ông Chạy cùng với Dũng dùng thuyền nhỏ để săn tìm cá nhám ở gần bờ. Vùng biển Quy Nhơn đang có áp thấp nhiệt đới nên sóng to, gió lớn. Ở ngoài biển nhìn vào, bờ vắng bóng người tắm mặc dù là giờ cao điểm tắm biển. Từ dưới hầm nghe, cả hai hì hụi lôi lên hàng trăm lưỡi câu cá mập to gấp chục lần lưỡi câu cá bình thường. Ông Chạy cho biết, vì dùng thuyền đánh cá nhỏ nên chỉ săn được cách bờ vài trăm mét và mang theo khoảng 100 lưỡi câu; nếu thuyền lớn và đi xa phải dùng cả mấy trăm lưỡi câu cá mập.
Lượn chiếc thuyền quanh khu vực vùng biển những ngày qua liên tục xảy ra các vụ cá dữ tấn công người, vừa đi vừa thả lưỡi câu, đến Eo Nín Thở, ông Chạy tấp sát thuyền vào bờ chỉ tay: “Đoạn này trũng đáy vì có doi cát, nên theo kinh nghiệm của tôi cá mập chỉ có thể theo con nước đi vào và trú ẩn lối này”.
Cuộc săn tìm đầu tiên ngày 13-1 kết thúc lúc 20h đêm mà tàu của ông Chạy chưa phát hiện được thủ phạm nên phải thu lưới, hẹn hôm nay ra khơi tiếp tục.
Sau hai ngày tiếp cận các nạn nhân bị cá dữ tấn công, nghiên cứu đặc điểm vùng biển Quy Nhơn, chiều 13/1, Phó Viện trưởng Hải dương học Nha Trang Võ Sĩ Tuấn cho biết: "So sánh, đối chiếu với tài liệu nghiên cứu, chúng tôi nhận định thủ phạm của các vụ tấn công này là cá thuộc liên bộ cá nhám, tên khoa học Euselachii (hoặc Selachomorpha)”.
Làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định chiều 13-1 về các biện pháp xử lý cá cắn người tắm biển, Phó viện trưởng Hải dương học Nha Trang cho biết, theo thống kê thì các vụ cá dữ tấn công người tắm biển đều xảy ra lúc triều lên (sáng sớm và chiều tối). Lúc này, cá nhám sẽ theo con nước vào sát bờ. Do đó, cần cắm thời điểm này để chặn bắt.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng đề nghị, về lâu dài, ngành chức năng thành phố Quy Nhơn cần quy hoạch lại bãi đậu tàu thuyền. Nếu bãi tắm và nơi neo đậu tàu thuyền đánh cá nằm cùng với nhau như hiện nay, việc thải chất tanh xuống biển của các tàu này sẽ lôi kéo một số loại cá dữ vào gần bờ tìm kiếm thức ăn. Ngoài ra, “việc lập trạm cứu hộ đặt tại bãi tắm này để có thể ứng cứu kịp thời người tắm biển là rất cần thiết”, ông Tuấn góp ý.
Hiện Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định đã tổ chức ca nô thường xuyên tuần tra vào các giờ cao điểm tại bãi tắm, đề nghị chính quyền địa phương lập trạm quan sát trực canh và cứu hộ, cứu nạn. Chi cục cũng đề nghị UBND tỉnh Bình Định có khu quy hoạch neo đậu tàu thuyền và các lồng nuôi hoặc bẫy chà cách xa khu bãi tắm.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Tuấn cũng nói rõ: “Với các vết răng để lại trên vết thương nạn nhân, không thể nào phân loại được tên loài cá cụ thể nếu chưa bắt được". Hiện cũng chưa xác định được vùng biển Quy Nhơn có một hay nhiều con cá nhám đang sống.
Theo Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn, cá nhám có ở vùng biển Quy Nhơn là rất bình thường. Tuy nhiên thường thì cá nhám không tấn công người. "Các vụ cắn người vừa qua là những trường hợp rất hy hữu và đột xuất", ông Tuấn khẳng định.
Còn theo ông Võ Văn Quang, Phó phòng động vật có xương sống thuộc Viện Hải dương học, trong liên bộ cá nhám có nhiều bộ khác nhau, dưới mỗi bộ có nhiều họ khác nhau, dưới mỗi họ có nhiều giống loài khác nhau. Ví dụ trong bộ cá nhám thu, có loài cá mập trắng lớn, được mệnh danh là hung thần ở vùng biển Đại Tây Dương.
Hai ngư dân Phạm Ngọc Dũng và Trần Văn Chạy đưa tàu ra khơi săn tìm cá nhám.
Theo các nhà khoa học, trong liên bộ cá nhám ở vùng biển Việt Nam có rất ít loài có khả năng tấn công người. Ông Quang cho biết: "Hiện chưa ghi nhận trường hợp cá nhám ăn thịt người tại Việt Nam".
Chính quyền địa phương đã thông báo treo thưởng 10 triệu đồng cho người nào bắt được con cá dữ. UBND thành phố Quy Nhơn cũng mời một số ngư dân đánh cá lâu năm ở các phường Hải Cảng, Trần Phú, để hiến kế bắt và hạn chế cá dữ tấn công người tắm biển, trước mắt cũng như lâu dài.
Ông Nguyễn Hữu Hào, Chi cục trưởng Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định cho biết, để tránh sự xáo trộn trong việc “bắt cá lãnh thưởng”, chính quyền địa phương và ngành chức năng sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên ngành để có biện pháp thiết thực, chứ không thể mạnh ai nấy làm.
Sau khi chọn lọc và kiểm tra tay nghề sát cá mập của một số ngư dân, các ngư dân Trần Văn Chạy (49 tuổi) và Phạm Ngọc Dũng (36 tuổi), cùng ở Xóm Tiêu, phường Quang Trung, thành phố Quy Nhơn, đã được Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản mời tham gia đội săn cá nhám.
Theo VNE