THAM GIA CUỘC TIẾN CÔNG MÙA XUÂN KỶ DẬU (1969)
Trung đoàn Đặc công B29 - đứa con ưu tú của miền Đông gian lao mà anh dũng - gắn liền với những chiến công oanh liệt gây kinh hoàng cho quân Mỹ, ngụy và chư hầu; hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia. Nhân kỷ niệm 41 năm thành lập Đoàn B29, mời bạn đọc cùng nhìn lại hành trình từ khai sinh, cho đến trưởng thành, vững mạnh như ngày nay của Đoàn Đặc công anh hùng, hiện đang đứng chân trên địa bàn miền Đông Nam bộ.
Chủ tịch nước Trần Đức Lương gắn huy hiệu Anh hùng lên Quân kỳ Quyết thắng của Đoàn Đặc công B29, ngày 28-8-19999 (ảnh: MẠNH HÙNG)
Cuối năm 1968 Thường vụ Trung ương Cục ra Chỉ thị T/1/TV-TƯC về việc thực hiện cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Kỷ Dậu 1969. Trung đoàn B29 được lệnh đánh các căn cứ Đồng Dù, Dầu Tiếng, Phước Vĩnh của Sư đoàn 25 Bộ binh Cơ giới và Sư đoàn 1 “Anh cả đỏ” của Mỹ.Trung đoàn Đặc công B29 thành lập ngày 4-2-1969 tại miền Đông Nam bộ trên cơ sở các đơn vị của Phòng Đặc công Cơ giới Miền (J16) và lực lượng từ Binh chủng Đặc công tăng cường tháng 7-1969 thành Đoàn B29; đến tháng 11-1969 thành Lữ đoàn Đặc công B29 và đến năm 1972 thu gọn lại thành Trung đoàn Đặc công cơ động, trực thuộc Bộ Chỉ huy Miền, tác chiến trong đội hình Đoàn Đặc công 27.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Trung đoàn trực thuộc Quân khu 7, sau đó trực thuộc Sư đoàn Bộ binh 302 và từ cuối năm 1996 đến nay thành Đoàn Đặc công B29 thuộc Binh chủng Đặc công.
Giòn giã chiến thắng Dầu Tiếng
Đêm 22-2-1969, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn B29 nhận nhiệm vụ tiến công căn cứ Dầu Tiếng trong điều kiện cơ động từ xa đến, thời gian chuẩn bị gấp, lại phải đánh đúng ngày, giờ quy định. Tham gia trận đánh có 156 cán bộ, chiến sĩ. Theo phương án chiến đấu, đơn vị sẽ tiến công trên 3 hướng, 8 mũi; thực hiện cách đánh tập kích bí mật, kết hợp luồn sâu, thọc sâu, đánh “nở hoa trong lòng địch”, đánh nhanh diệt gọn và rút lui nhanh. Theo hiệp đồng với các lực lượng phối hợp, sau khi đặc công rút ra thì pháo lớn của Miền sẽ đánh bồi vào căn cứ của địch.
21 giờ ngày 22-2, các mũi bắt đầu tiếp cận căn cứ, tiến hành cắt rào. 22 giờ 50 phút, cơ bản các mũi đã hoàn thành mở cửa, còn 2 mũi gặp khó khăn vì cắt rào chưa xong. 22 giờ 55 phút, các tổ thọc sâu, các mũi luồn sâu lần lượt vượt tường tiếp cận mục tiêu. 23 giờ 15 phút, bộc phá lệnh của hướng chủ yếu đánh vào sở chỉ huy lữ đoàn, nhà tên đại tá lữ đoàn trưởng, khu trung tâm thông tin, sân bay, trận địa pháo, khu nhà lính, kho hàng, bãi xe... Riêng mũi 5 và mũi 6 của Đại đội 46 đảm nhiệm tiến công trên hướng đông, khi bộc phá lệnh nổ, đã nhanh chóng thọc sâu lao vào đánh phá. Chỉ sau 15 phút, ta đã diệt gọn các mục tiêu như khu đại đội bảo vệ, sở chỉ huy lữ đoàn, nhà tên đại tá lữ trưởng, khu thông tin, trận địa pháo...
Sau những phút tiến công đồng loạt của ta, địch đã phát hiện các hướng tiến công và dùng hỏa lực bắn chặn và phóng chất độc CS vào đội hình của ta và khu vực xung quanh. Lúc này bộ đội bị nhiễm độc, mắt bị cay, ngạt mũi, sức chiến đấu giảm. Đồng thời, địch dùng bộ binh cơ giới từ 2 hướng nam và bắc phản kích quyết liệt ra khu vực cửa mở. Các tổ đánh “bóc vỏ” của ta tổ chức đánh phản kích tiêu diệt được một số xe và bộ binh địch. Nguyễn Văn Luận, chiến sĩ của Tiểu đoàn 5 bị thương vào bụng, lòi ruột. Trong lúc hỏa lực địch không ngớt bắn về phía ta, Luận đã lấy một tay ấn ruột vào bụng, một tay cầm thủ pháo xông lên dập tắt hỏa điểm của địch. Đến 5 giờ 30 phút sáng ngày 23-2, đại bộ phận các mũi rời khỏi trận địa, riêng 2 tổ thọc sâu của mũi 5 không ra được vì bị ngấm chất độc CS.
Kết quả, hai phần ba căn cứ địch bị phá hủy, bao gồm: toàn bộ khu chỉ huy lữ đoàn, khu sĩ quan, khu kho, trận địa pháo, trung tâm thông tin. Ta loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 1.000 tên Mỹ, phá 100 xe quân sự, 11 máy bay, 7 pháo 175mm và 105mm, đốt cháy 4 kho xăng, phá 2 kho đạn, 17 kho lương thực, đánh sập 4 nhà từ 2 đến 3 tầng, phá 127 nhà ngủ, 79 hầm ngầm, 56 lô cốt.
Sau trận đánh, nhân dân vô cùng phấn khởi, nhiều người tình nguyện mang lương thực, quà bánh ra tiếp tế cho bộ đội; có người tình nguyện đi theo đơn vị để vận chuyển đạn dược, vũ khí.
Đây là trận đánh lớn, thắng lợi giòn giã, thực hiện được những yêu cầu cơ bản của Bộ Chỉ huy Miền giao cho là mở đầu đợt tiến công của các đơn vị Đặc công cơ động đánh vào các cơ quan đầu não, các căn cứ chỉ huy của địch. Đây là trận ra quân đầu tiên của Trung đoàn B29 từ sau ngày thành lập đã giành thắng lợi vang dội, mở đầu cho truyền thống anh hùng của đơn vị. Chiến thắng Dầu Tiếng đã khích lệ tinh thần cán bộ chiến sĩ Trung đoàn B29 bước vào trận chiến đấu mới.
Lính đặc công B29 luyện tập và chiến đấu (ảnh: MẠNH HÙNG)Vang dội chiến công Đồng Dù
Sau trận Dầu Tiếng 4 ngày, Trung đoàn B29 tổ chức tiến công vào căn cứ Đồng Dù, tiếp tục giáng đòn đau vào kế hoạch phòng thủ mới của địch.
Do quy mô và tính chất căn cứ quá lớn, nhiều khu vực mục tiêu, nên ta phải sử dụng một lực lượng lớn gồm Tiểu đoàn 3 Trung đoàn B29, Tiểu đoàn 28 (của Sư bộ binh 7) và 1 Tiểu đoàn pháo hỗn hợp phối thuộc. Trong khi chờ đợi lệnh tiến công của Bộ Chỉ huy Miền, các đơn vị tham gia trận đánh được lệnh ém quân sát căn cứ Đồng Dù. Khi ém quân, một tình huống bất ngờ đã xảy ra. Một trung đội trưởng du kích, người dẫn đường cho đơn vị đến ém quân ở các hầm địa đạo đã bị địch bắt, chúng đánh đập dã man và đã moi được tin: “có đặc công từ R về”. Chỉ một giờ sau, địch huy động bộ binh, máy bay, pháo binh càn quét bao vây khu vực địa đạo mà các đơn vị ta ở. Địch đã đánh sập một số hầm của ta. Tuy vậy, ta vẫn chủ trương né tránh, tìm mọi cách giữ bí mật, bảo toàn lực lượng, không để bất cứ dấu vết gì cho địch nghi ngờ là ở đây có “Việt cộng” ém quân. Kế hoạch giấu, ém quân đã được thực hiện tốt, địch tưởng ta chỉ có một bộ phận nhỏ, lẻ.
Bộ phận đi nghiên cứu trinh sát lần cuối trên đường trở về địa điểm ém quân bị địch săn lùng, phải nằm lại ở khu vực sình lầy suốt một ngày, vùi mình dưới bùn che mắt địch. Gần đến ngày tiến công, địch càng vây, càn quét dữ dội, dùng bộ binh, trực thăng và cả chó béc-giê săn tìm hầm. Bộ đội ta sống trong tình trạng căng thẳng và cực kỳ gian khổ. Nằm ở dưới hầm địa đạo hẹp lại đông người, thiếu dưỡng khí, tức thở. Sau một ngày, khi ngoi lên, nhiều người bị ngất. Những ngày nằm hầm địa đạo phải ăn mì sống, uống nước lã cầm hơi, chờ ngày tiến công vào căn cứ địch. Khó khăn gian khổ rất nhiều, song quyết tâm của đơn vị vẫn được giữ vững; địa đạo Củ Chi đã che chở cho bộ đội đặc công tránh địch và làm bàn đạp tiến công vào căn cứ địch, giành thắng lợi.
Đêm 25 rạng ngày 26-2, 7 mũi tiến công bí mật tiếp cận hàng rào dưới ánh sáng của đèn pha, đèn dù, đèn soi. Lúc 1 giờ 10 phút, ở hướng mũi 7, sau khi cắt xong lớp rào thứ 11 thì 2 quả mìn sáng bật nổ. Nghe tiếng nổ khác thường, địch tập trung hỏa lực bắn dữ dội vào nơi vừa phát ra tiếng nổ. Vì thế mũi này phải rút ra. Nhưng 6 mũi kia vẫn giữ được bí mật, tiếp tục khắc phục mìn, cắt rào. Cuối cùng cả 7 lớp rào kẽm gai bị cắt. Cả 6 mũi đều đưa hết lực lượng vào lót sát mục tiêu.
2 giờ 45 phút, các mũi 1, 5, 6 nổ súng. Đến 2 giờ 47 phút, mũi chủ yếu (mũi 2 đánh sở chỉ huy Sư đoàn 25) nổ súng; 3 giờ 10 phút, mũi 4 nổ súng. Trong lúc đó, các mũi còn lại tiếp tục luồn sâu, nổ súng sau. Các mũi theo tiếng nổ của hiệu lệnh, tiến công ào ạt nhanh chóng. Những tiếng nổ giòn và đanh của bộc phá, thủ pháo vang lên khắp nơi. Do rút kinh nghiệm từ các trận đánh trước, trận này ta không dùng súng AK để tiêu diệt địch mà chỉ dùng thủ pháo, bộc phá (vì dùng AK bắn ít tác dụng và dễ bộc lộ lực lượng. Mặt khác, dùng AK trong đêm tối ta dễ bắn nhầm vào nhau). Các mũi tiến công của ta đều phát triển thuận lợi. Quân địch hầu như bị tê liệt, chúng tưởng ta pháo kích, tranh nhau lẩn trốn, không dám đối phó. Chính vì thế nên trận chiến đấu phát triển thuận lợi, ta diệt được nhiều địch, phá hủy được nhiều phương tiện chiến tranh của chúng, ta ít thương vong.
Sau một giờ chiến đấu quyết liệt, dũng mãnh, các mũi đã hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, được lệnh rút quân theo đường cũ. Pháo binh của ta được lệnh đánh bồi, bắn cấp tập vào căn cứ nhằm gây thêm thiệt hại cho địch. Kết quả, ta đã đánh thiệt hại nặng sở chỉ huy Sư đoàn 25 Mỹ, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.000 tên Mỹ, phá hủy 50 máy bay, 176 xe quân sự (có 3 xe tăng, xe thiết giáp), 12 khẩu pháo; phá hủy 82 dãy nhà, 4 kho đạn và xăng dầu, 100 lô cốt, 29 hầm ngầm...
VẺ VANG LÀM NHIỆM VỤ QUỐC TẾ
Sau những thất bại năm 1969, bước vào năm 1970 đế quốc Mỹ tập trung mọi cố gắng đẩy mạnh “Việt Nam hóa chiến tranh”, đồng thời mở rộng chiến tranh sang Campuchia và đẩy mạnh chiến tranh sang Lào. Đó cũng là thời kỳ ghi dấu những chiến công xuất sắc của Đoàn B29 trên đất bạn Campuchia.
Đồng chí Lê Văn Dũng - Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN (nay là Bí thư Trung ưng Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đoàn Đặc công B29, tháng 12-1998 (ảnh : MẠNH HÙNG) Giúp bạn xây dựng chính quyền cách mạng
Đầu năm 1970, đế quốc Mỹ làm cuộc đảo chính phản động ở Campuchia. Thực hiện tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao 3 nước Đông Dương, tháng 4-1970 theo yêu cầu, một số đơn vị của Việt Nam được cử sang làm nghĩa vụ quốc tế phối hợp chiến đấu với bạn. Trong đó có một bộ phận của Lữ đoàn B29.
Tháng 4-1970, Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 8 lên đường làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Lực lượng này tăng cường cho mặt trận 40 ở các tỉnh Công-pông-chàm và Công-pông-thom. Các đơn vị đã hành quân cấp tốc, tham gia chiến dịch giải phóng thị xã Công-pông-chàm, loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch. Thừa thắng, các đơn vị tiến công quân địch ở Công-pông-thom, Xi-cang-đan, Prết-vi-hia, giúp bạn xây dựng chính quyền cách mạng.
Tháng 5-1970, Bộ Chỉ huy Miền điều các tiểu đoàn 3, 4, 5 của Lữ đoàn B29 sang núi Xôm (Campuchia) để củng cố và sau đó tham gia chiến dịch giải phóng vùng Tây Nam Campuchia. Các tiểu đoàn 3, 4, 5 được bạn dẫn đường đã tiến công giải phóng các khu vực từ cầu Ton-hon đến Tào-nơ, Tức-mia, Công-pông-trạch, Công-pông-chàm, cảng Xi-ha-núc Vin, nhà máy lọc dầu, cảng Công-pông-thom, Bát-tăm-boong. Trong những ngày tháng làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, vừa làm nhiệm vụ chiến đấu, vừa giúp bạn xây dựng chính quyền, huấn luyện cách đánh và xây dựng đơn vị đặc công, Tiểu đoàn 7 là đơn vị lập nhiều chiến công xuất sắc. Đêm 16-5-1970, tiểu đoàn đảm nhận một mũi tiến công vào thị xã Công-pông-chàm, đã nhanh chóng đánh chiếm dinh tỉnh trưởng, ty cảnh sát, nhà tên quan năm, giải phóng 1.500 đồng bào Việt kiều đang bị địch giam giữ, thu 21 súng, diệt 20 tên, bắt 32 tên, chiếm giữ thị xã 3 ngày. Ngoài ra, tiểu đoàn tham gia giải phóng hoàn toàn huyện Stưng- treng thuộc tỉnh Công-pông-chàm, loại khỏi vòng chiến đấu 27 tên ngoan cố, bắt 300 tên, thu 500 vũ khí các loại, giải thoát cho trên 300 Việt kiều bị địch bắt.
Ngày 31-5-1970, Tiểu đoàn 7 được lệnh tách 1 đại đội để thành lập Tiểu đoàn 78. Tiểu đoàn đi bắt liên lạc với Trung ương bạn ở Đông Nam núi Kim-ria thuộc tỉnh Công-pông-xư-năng, đưa đoàn cán bộ bạn sang Việt Nam. Sau đó tiểu đoàn tiếp tục xây dựng chính quyền giúp bạn ở Công-pông-xư-năng, đưa thanh niên bạn vào huấn luyện đặc công, chọn bổ sung vào đơn vị được 80 chiến sĩ, huấn luyện cho vùng 23 (Đặc khu Phnôm-pênh) được 2 đại đội đặc công.
11 giờ ngày 28-7-1970, lực lượng ta xuất kích, vận động đánh vào quân địch đang tạm dừng tại Ke-na-tốp khi chúng trên đường rút chạy từ phân khu Thôm-mo-keo về Công-pông-xa-pư. Đơn vị tổ chức 3 mũi phục kích. Sau 20 phút chiến đấu, ta tiêu diệt hơn 350 tên, bắt sống 150, thu toàn bộ vũ khí, lương thực, thực phẩm của địch; ta an toàn. Với chiến công xuất sắc này Tiểu đoàn 7 đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.
Lính Đặc công B29 trong giời luyện vượt vật cản (Ảnh: BĂNG PHƯƠNG)
Chiến công nối tiếp chiến côngTháng 1-1971, Mỹ, ngụy Sài Gòn cùng quân ngụy Phnôm-pênh mở cuộc hành quân “Toàn thắng 1-1971” đánh vào vùng Đông Bắc Campuchia nhằm phá kho tàng và căn cứ cách mạng của bạn. Trong đội hình chiến dịch, các đơn vị của Lữ đoàn B29 phối thuộc cho Lữ đoàn B67 tham gia đánh địch ở cả phía trước và phía sau. 2 trận xuất sắc của đặc công là trận đánh sân bay Po-chen-tông và nhà máy lọc dầu cảng Công-pông-xom.
Đêm 21 rạng ngày 22-1-1971, Tiểu đoàn 7 mang phiên hiệu Z45 và Tiểu đoàn 25 mang phiên hiệu Z25 nằm trong đội hình của Lữ đoàn B67 tổ chức thành 6 mũi và một bộ phận hỏa lực, tập kích sân bay lúc 2 giờ. Sau 1 tiếng 30 phút chiến đấu, ta loại khỏi vòng chiến đấu 300 tên địch, trong đó có nhiều giặc lái, nhân viên kỹ thuật, phá hủy 105 máy bay, gần 100 xe ô tô và toàn bộ thiết bị chỉ huy sân bay.
Trận sân bay Pô-chen-tông là một trận đánh lớn, đạt hiệu suất chiến đấu rất cao. Hơn 95% máy bay và giặc lái của quân ngụy Campuchia bị tiêu diệt. Sân bay phải ngừng hoạt động 10 ngày. Toàn bộ kế hoạch chi viện bằng đường không cho cuộc hành quân “Toàn thắng 1- 1971” của địch bị phá sản. Tiểu đoàn 7, Tiểu đoàn 25 - những đơn vị sinh ra từ Lữ đoàn B29 nằm trong đội hình chiến đấu của Lữ đoàn B67 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba.
Trong 2 năm hoạt động ở chiến trường Campuchia, các đơn vị của Lữ đoàn B29 đã phá hủy được nhiều phương tiện chiến tranh có giá trị, tiêu diệt nhiều sinh lực của địch. Trong các chiến dịch giải phóng đất đai năm 1970, các chiến dịch đánh bại cuộc hành quân “Toàn thắng 1-1971”, sau đó là “Chen La” của địch, các đơn vị đặc công đã đánh vào tận hang ổ, sào huyệt của địch, đánh vào các căn cứ, hậu cứ ở vùng sau lưng, đồng thời tham gia bao vây, tiến công địch ở phía trước, đánh vào các căn cứ xuất phát hành quân của địch. Những đóng góp quan trọng của Lữ đoàn B29 đã góp phần kiềm chế địch, thu hồi và mở rộng vùng giải phóng của cách mạng Campuchia. (Còn tiếp)
BĂNG PHƯƠNG (tổng hợp)