Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Kiến nghị nhiều giải pháp về cải cách hành chính, chuyển đổi số

Cập nhật: 29-09-2022 | 08:10:34

 Trong tháng 8 và tháng 9-2022, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiến hành khảo sát, làm việc với các địa phương trong tỉnh, UBND tỉnh để bảo đảm đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính (CCHC) và chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn một cách khách quan, toàn diện. Qua khảo sát, làm việc, đoàn đã kiến nghị thêm nhiều giải pháp về thực hiện CCHC và CĐS trong thời gian tới.

 Đoàn khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát tại phường Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An

 Vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ

Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cho biết qua khảo sát, giám sát tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, đoàn đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của UBND tỉnh, các ngành, các cấp trong thực hiện CCHC và CĐS. Theo bà Xuân, thời gian qua với tinh thần “lấy người dân và doanh nghiệp (DN) làm trung tâm”, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 từ giữa năm 2021, khối lượng công việc trên các lĩnh vực nhiều nhưng số lượng biên chế của tỉnh thấp, đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) ở các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp rất áp lực. Nhiều nơi thiếu, không có CBCC chuyên ngành công nghệ thông tin (CNTT), tạo áp lực lớn trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thời 4.0. Nhiều nhiệm vụ mới được đặt ra liên quan đến công tác CCHC và CĐS trong khi các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm đối với vấn đề trên của một số CBCC chưa được cập nhật, tập huấn kịp thời.

Mặc khác, thói quen về thực hiện TTHC theo phương thức trực tiếp của người dân, trình độ, kiến thức về CNTT của người dân chưa đồng đều. Những khó khăn khách quan và chủ quan trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả chung trong tổ chức thực hiện CCHC và CĐS của tỉnh.

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác chỉ đạo, điều hành hiệu quả của UBND tỉnh, CBCC các cấp, các ngành đã nỗ lực khắc phục những khó khăn, hoàn thành khối lượng lớn công việc với nhiều mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng đạt được trong CCHC và CĐS. Các chỉ số PAPI, PCI… của tỉnh được cải thiện nhiều và được xếp vào nhóm “tốt” trong cả nước. Đồng thời, qua khảo sát trực tuyến của đoàn giám sát, 61,3% người dân tham gia khảo sát đã đánh giá ở mức độ “tốt” và “rất tốt” đối với câu hỏi “đánh giá về tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ của CBCC khi tiếp xúc, giải quyết TTHC”.

Qua đó cho thấy, mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế, tuy nhiên đội ngũ CBCC của các ngành, các cấp đã nỗ lực khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh trong tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về CCHC và CĐS phục vụ người dân và DN.

Cần có thêm giải pháp

Đoàn giám sát thống nhất với những tồn tại và hạn chế mà UBND tỉnh cũng như các đơn vị khảo sát đã nêu trong báo cáo khảo sát. Qua quá trình làm việc, trao đổi thực tế, đoàn nhận thấy nổi lên các tồn tại, hạn chế lớn, như: Hiện đại hóa nền hành chính công và CĐS đòi hỏi phải tập huấn, nâng cao kiến thức và khả năng sử dụng CNTT của CBCC. Tại các phường, xã có nơi không có cán bộ CNTT, ảnh hưởng rất lớn đến công tác thực hiện CCHC và CĐS. Trang thiết bị tại bộ phận “một cửa”, Trung tâm phục vụ Hành chính công cấp huyện, Trung tâm Hành chính công tỉnh còn chưa bảo đảm đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT); cơ sở dữ liệu về TTHC chưa thống nhất; tốc độ đường truyền internet còn chậm, thường xuyên xảy ra tình trạng tắc nghẽn mạng gây khó khăn cho người dân, DN trong việc tra cứu cũng như xử lý hồ sơ trực tuyến của CBCC…

Trước những hạn chế trên, đoàn kiến nghị Trung ương tăng biên chế cho Bình Dương, sớm xem xét tăng lương cho đội ngũ CBCC theo vị trí việc làm, bảo đảm cuộc sống cho phần lớn CBCC. Về phía tỉnh, đoàn đề nghị tiếp tục chỉ đạo, điều hành công tác rà soát các nội dung theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy và các kế hoạch đã ban hành để đề ra giải pháp thực hiện hiệu quả. UBND tỉnh cần rà soát chỉ đạo có lộ trình và thực hiện giải pháp cụ thể nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét trong CĐS 8 lĩnh vực trọng điểm: Tài nguyên - môi trường, giáo dục, giao thông, quy hoạch và quản lý đô thị, sản xuất công nghiệp, logistics, nông nghiệp, văn hóa và du lịch.

Cùng với đó là thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn, khảo sát, đánh giá cụ thể một cách khoa học, khách quan và thực chất các chỉ tiêu, mục tiêu về chính quyền số, hạ tầng số, kinh tế số, xã hội số. Về hạ tầng kỹ thuật CNTT và cơ sở dữ liệu cần đánh giá toàn diện hạ tầng, thiết bị; việc triển khai DVCTT và CĐS theo từng ngành, lĩnh vực, địa bàn, đối tượng; chủ động làm việc với bộ, ngành Trung ương để kết nối đồng bộ, chia sẻ dữ liệu, hệ thống thông tin báo cáo, sớm hợp nhất Cổng dịch vụ công của tỉnh với hệ thống thông tin “một cửa” điện tử thống nhất đến cấp xã…

 Ngoài các đề xuất về cơ chế, chính sách, đoàn cũng đề xuất HĐND tỉnh xây dựng các chính sách cho các đối tượng: Tình nguyện viên phục vụ công tác CCHC; cán bộ, công chức tham mưu CCHC và CĐS; CBCC bộ phận “một cửa”, “một cửa” liên thông và CĐS; tổ công nghệ số cộng đồng và xem xét xây dựng chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng DVCTT. Đoàn cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chủ động có kế hoạch phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến từng đối tượng, từng bộ TTHC đến người dân và DN. Nội dung tuyên truyền cần có chọn lọc, đồng loạt thực hiện sâu rộng và có đánh giá kết quả thực hiện đến từng đối tượng…

 HỒ VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=447
Quay lên trên