Đoàn kết để nâng cao hiệu quả cho ngành gỗ

Cập nhật: 09-03-2015 | 08:45:17

Với lợi thế về năng lực lao động tốt, chất lượng sản phẩm vượt trội và giá thành cạnh tranh, thời gian qua lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu gỗ của Việt Nam đã khẳng định vị thế ở thị trường thế giới. Đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) cả nước, để năm 2015 và những năm tiếp theo ngành đồ gỗ tiếp tục gặt hái thành công lớn, các nhà sản xuất đồ gỗ tại Bình Dương đã có sự liên kết, xích lại gần nhau nhằm tận dụng cơ hội và chia sẻ những khó khăn để cùng nhau phát triển trong quá trính hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

 Sản xuất gỗ xuất khẩu tại Công ty Tiến Triển, TX.Tân Uyên Ảnh: D.CHÍ

Tín hiệu lạc quan từ thị trường

Ông Phạm Văn Xô, Chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà xuất nhập khẩu tỉnh, cho biết năm 2014 tuy còn nhiều dư âm của tình hình suy thoái nhưng nhiều DN đã phát huy tinh thần vượt khó để đạt được kết quả khả quan trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tinh thần đó được thấy rõ qua hình ảnh các DN và người lao động đã đồng lòng cùng nhau làm việc đến hết những ngày cuối năm. Chuẩn bị tâm thế, tư thế sẵn sàng cho năm 2015 sản xuất, kinh doanh thắng lợi, bước vào năm mới DN và người lao động phấn khởi ra quân và hứa hẹn sẽ thành công cao hơn năm trước. “Nhìn chung các DN đã có sự đổi mới, hướng tới việc làm chủ công nghệ theo hướng tập trung vào thiết kế mẫu mã để hoàn thiện sản phẩm thay vì làm theo đơn đặt hàng của khách để đạt giá trị gia tăng cao hơn”, ông Phạm Văn Xô lạc quan khi nói về sự chuẩn bị của DN.

Lạc quan nhưng không chủ quan, ông Võ Hồng Khanh, phụ trách Công đoàn Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV (3-2) có phần thận trọng: “Kinh tế thế giới tuy có bước khởi sắc nhưng đi vào cụ thể thì châu Âu cũng chỉ qua giai đoạn căng thẳng; kinh tế Mỹ có khởi sắc nhưng chưa đồng bộ; Nhật Bản đã phục hồi nhưng chưa mạnh… Vì vậy ngoài sự chủ động thâm nhập thị trường DN cũng cần thận trọng trong vấn đề quản trị, chọn lựa đối tác, khách hàng để bảo toàn nguồn năng lượng tham gia đường đua mới. Tốt nhất trong thời gian này là tập trung cơ cấu lại tổ chức sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất”.

Cơ hội và thách thức

Ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (Bifa) phân tích: Cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu gỗ Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng là tình hình điều chỉnh tăng trưởng cùng với sự tăng lương khiến chi phí sản xuất của một vài nước xuất khẩu gỗ mạnh trong khu vực tăng lên, trong khi mặt bằng sản xuất tại Việt Nam vẫn ổn định. Từ đó nhiều đơn hàng lớn của những khách hàng lớn đã dịch chuyển mạnh sang Việt Nam. Đây là cơ hội thuận lợi cho các nhà sản xuất và xuất khẩu nói chung, trong đó có ngành gỗ.

Chỉ ra những thuận lợi tiếp theo, ông Huỳnh Quang Thanh cho biết: “Nhờ những giải pháp của Trung ương đã tạo điều kiện cho cộng đồng DN tiếp cận và mở rộng nhiều thị trường mới như Nam Mỹ, Nam Phi, Trung Đông… Lợi thế nữa mà DN xuất khẩu Việt Nam có được là quá trình tham gia thị trường quốc tế, chúng ta đã khẳng định được vị trí và thương hiệu Việt Nam với khách hàng bằng cách giữ vững ổn định chất lượng theo hướng ngày một cao hơn. Bên cạnh đó, sự quan tâm sâu sát của người đứng đầu DN; lòng yêu nghề, tính cần cù say mê lao động sáng tạo của đội ngũ lao động Việt Nam đã giúp sản phẩm của chúng ta ngày một bước lên vị trí cao hơn. Đồng thời, từ sự suy thoái kéo dài thời gian qua đã giúp các nhà sản xuất, chế biến gỗ rút ra được nhiều bài học có giá trị như không đầu tư dàn trải, nâng cao tính chủ động cả về vốn lẫn sản xuất để tránh tồn kho nhiều và thiếu vắng khách hàng…”.

Ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Bifa: “Phát huy tinh thần đoàn kết và để phát triển bền vững cần hình thành một cụm công nghiệp chế biến gỗ nhằm thuận tiện trong quản lý, vận hành và cả công tác marketing. Khi đã tập trung vào cụm công nghiệp sẽ giúp chi phí quản lý, sản xuất tiết kiệm hơn; đồng thời công tác bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ sẽ chuyên nghiệp hơn và chi phí quảng bá, giới thiệu về ngành gỗ ở Bình Dương cũng tiết kiệm và hiệu quả hơn. Hiện tại đã có 24 DN trong tỉnh đồng ý tham gia với diện tích khoảng 170 ha và chờ xin chủ trương và sự chấp thuận của UBND tỉnh”.

Bên cạnh cơ hội và những thuận lợi đang có, DN chế biến gỗ cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Nêu cụ thể ông Huỳnh Quang Thanh cho rằng, nếu chúng ta chủ quan thì trong tương lai không xa sẽ gặp nhiều rắc rối vì nhiều DN cùng ngành từ nước ngoài tìm cách thành lập mới DN tại Việt Nam để được hưởng lợi thế cạnh tranh, trong đó có lợi thế về xuất xứ hàng hóa (C/O). Điều này cần có sự quan tâm xem xét của Nhà nước trên tinh thần khuyến khích sản xuất thực thụ, còn lợi dụng nguồn gốc DN để trục lợi nhất thời và cạnh tranh thiếu lành mạnh thì nên hạn chế, loại trừ.

Đoàn kết để nâng tầm

Để tận dụng cơ hội và lợi thế đưa ngành gỗ trong nước phát triển căn cơ, bền vững là vấn đề quan trọng mà ngành gỗ Bình Dương đang phát huy. Chia sẻ vấn đề này, bà Đỗ Thị Kim Loan, Tổng Giám đốc Công ty Ván sàn Sao Nam tại KCN Nam Tân Uyên cho biết: “Năm 2015 tốc độ xây dựng tại Mỹ tăng rất mạnh. Xu hướng xây dựng tại nước này đang chuyển từ vật liệu truyền thống sang vật liệu mới đa chức năng - bền vững, tiết kiệm và thân thiện môi trường. Đây là cơ hội của đồ gỗ nội thất và cả đồ gỗ trang trí của DN Việt Nam. Phát huy sự đoàn kết, là thành viên của Hiệp hội Ván sàn Hoa Kỳ, chúng tôi đã có điều kiện nhận đơn hàng để chia sẻ lại cho khoảng 10 DN tại Việt Nam sản xuất. Qua đó bước đầu đã có thành công rất tốt”.

Nói về sự đoàn kết để phát triển, Chủ tịch Bifa Huỳnh Quang Thanh khẳng định, những năm qua nhờ sự quan tâm của các sở, ngành trong tỉnh cũng như sự tâm huyết nỗ lực của Ban Chấp hành hiệp hội, hoạt động của Bifa ngày càng mang lại hiệu quả từ sự đồng thuận và đoàn kết của các thành viên. Dẫn chứng cụ thể ông Huỳnh Quang Thanh cho biết, triển khai thực hiện dự án Scord do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tài trợ với thời gian đến hết năm 2015 này, đến nay kết quả dự án mang lại rất khả quan khi chỉ trong phân đoạn đầu mà DN đã tiết kiệm được từ 10 - 15% chi phí. Hiệu quả này đã giúp DN đồng lòng xích lại gần nhau để chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác sản xuất. Đoàn kết và chia sẻ, hàng năm Bifa cũng tổ chức hướng dẫn cho khoảng 10 DN mới tham gia các hội chợ quốc tế lớn tại Đức, Mỹ. Điều này không chỉ giúp DN tự tin hơn mà còn thiết thực đóng góp vào sự phát triển chung của ngành gỗ. “Nhờ dự án Scord mà hội viên hiểu biết nhau và thấy rõ con đường phía trước là phải đoàn kết với chiến lược phát triển lâu dài, bền vững”, Chủ tịch Bifa Huỳnh Quang Thanh nhấn mạnh vai trò về tinh thần đoàn kết để đạt hiệu quả cao trong chiến lược tái cơ cấu nâng tầm mà hiệp hội đặt ra cho ngành gỗ.

 DUY CHÍ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=831
Quay lên trên