Nghiên cứu mới cho thấy có thể dự đoán một người sống lâu đến đâu bằng cách đo đạc gien khi còn bé.
Trong nghiên cứu vừa được công bố trên chuyên san Proceedings of the National Academy of Sciences của Mỹ, các nhà khoa học thuộc Đại học Glasgow (Scotland) nói rằng tuổi thọ được ghi rõ trong ADN của chúng ta và có thể nhìn thấy từ ngày chúng ta chào đời. Tất cả phụ thuộc vào độ dài của telomere, vốn được mô tả là “có hoạt động giống như các đầu nhựa trên dây giày” để bảo vệ nhiễm sắc thể khỏi bị hao mòn.
Telomere đang được nghiên cứu rộng rãi và được cho là có vai trò then chốt đối với quá trình lão hóa. Telomere của bạn càng dài thì bạn càng sống lâu, dĩ nhiên với điều kiện bạn không chết bất đắc kỳ tử, chết do bệnh tật hoặc các yếu tố liên quan đến lối sống. Người ta biết telomere có thể bị rút ngắn do lối sống, chẳng hạn như hút thuốc và stress. Nhưng đây cũng là dấu hiệu đầu tiên cho thấy tuổi thọ của chúng ta đã được định đoạt từ lúc được sinh ra.
ADN có thể là công cụ đoán tuổi thọ hiệu quả Giáo sư Pat Monaghan, người chủ trì cuộc nghiên cứu của Đại học Glasgow, nhận định: “Kết quả của nghiên cứu cho thấy những gì xảy ra trong cơ thể chúng ta trong giai đoạn đầu của cuộc sống có vai trò rất quan trọng. Người ta không hiểu được lý do tại sao có nhiều biến thể trong chiều dài telomere nhưng nếu có sự lựa chọn thì dĩ nhiên, bạn sẽ muốn được sinh ra với telomere có chiều dài đáng kể hơn”.
Cuộc nghiên cứu được tiến hành trên chim sẻ vằn, một trong những loài chim phổ biến nhất ở Úc. Đây là cuộc nghiên cứu đầu tiên đo chiều dài telomere ở những khoảng cách thời gian đều đặn trong suốt một cuộc đời. Các mẫu tế bào máu được lấy từ 99 con chim sẻ, bắt đầu từ khi chúng được 25 ngày tuổi. Kết quả thu được vượt quá mong đợi của nhóm nghiên cứu. Những con chim có các telomere ngắn nhất có xu hướng chết đầu tiên, chỉ mới 7 tháng sau khi bắt đầu cuộc thử nghiệm. Tuy nhiên, 1 con chim trong nhóm có telomere dài nhất sống sót đến gần 9 tuổi.
Những phát hiện của Monaghan và các cộng sự có nhiều ý nghĩa to lớn đối với con người, vốn có các telomere hoạt động theo cách tương tự. Trong tương lai, có thể con người sẽ được thử nghiệm để xem xét độ dài telomere và tuổi thọ tương quan.
Các telomere là “vệ sĩ” quan trọng của ADN, nhưng chúng bắt đầu ngắn đi từ lúc chúng ta được thai nghén. Khi quá ngắn, chúng ngừng hoạt động. ADN khi đó không còn được bảo vệ, và các sai sót bắt đầu xuất hiện khi các tế bào phân chia. Khi điều này xảy ra, thường ở độ tuổi trung niên, da bắt đầu giãn ra và hệ miễn dịch trở nên kém hiệu quả hơn. Các tế bào khiếm khuyết cũng có thể làm tăng rủi ro bị các chứng bệnh như tiểu đường và bệnh tim.
Trong giai đoạn tiếp theo của cuộc nghiên cứu, các chuyên gia Đại học Glasgow sẽ xem xét những tác nhân làm cho các telomere ngắn đi, bao gồm các yếu tố môi trường và thừa kế, nhằm có thể dự đoán tuổi thọ một cách chính xác hơn.
Theo TNO