Doanh nghiệp bàn cách vượt “bão”

Cập nhật: 11-03-2011 | 00:00:00

Ngày 10-3 tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa đã chủ trì hội nghị “Chính sách kinh tế vĩ mô 2011 và giải pháp của doanh nghiệp”. Điểm khác biệt của hội nghị là các DN không “kể khó, than khổ” mà cùng ngồi lại để trao đổi kinh nghiệm, cách làm để cùng nhau vượt “bão”.Tĩnh và hoạch định tốt

Theo nhận định của ông Lê Văn Trí, Phó Tổng giám đốc Công ty Công nghiệp Cao su Miền Nam – Casumina, biến động thị trường cũng như việc thay đổi các chính sách vĩ mô ngay trong đầu năm 2011 về cơ bản không khác so với năm 2008. Nếu so sánh mối tương quan giữa biến động kinh tế thế giới và trong nước thì mức độ thay đổi năm 2011 đã được tính toán kỹ lưỡng hơn. Nói cách khác, khó khăn hiện tại không bị dồn cục như năm 2008. Thế nhưng, năm 2008 chúng ta đã vượt bão thành công, không có sự đổ vỡ, phá sản hàng loạt DN như dự báo, bởi chúng ta có sự đồng lòng, hợp sức từ nhiều phía.

Các sản phẩm bánh kẹo trong nước đã chiếm lĩnh thị trường nội địa

Ông Trần Kim Thành, Tổng Giám đốc Công ty Kinh Đô cho rằng, tình hình này đòi hỏi sự trầm tĩnh và hoạch định tốt. Phải tiên đoán được xu hướng, có dự báo mức ảnh hưởng, có những kế hoạch nhập nguyên liệu, xuất khẩu để đảm bảo hoạt động kinh doanh trong tầm kiểm soát. Thông thường, những biến động trong nội bộ một ngành tương đối dễ kiểm soát, còn nếu ở mức độ vĩ mô thì ảnh hưởng của nó sẽ rất sâu xa. Điều đầu tiên là chuỗi cung ứng của mình với các nhà cung cấp phải luôn có sự chia sẻ để có một sự hỗ trợ lẫn nhau để đầu vào của mình có căn cơ, tránh sản phẩm bị lên giá liên tục. Không bỏ ngỏ thị trường

Là một trong những DN hiếm hoi đang thắng lớn trên sân nhà, ông Bùi Đình Thắng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cân Nhơn Hòa chia sẻ: “Trên thực tế năm 2008 mới là năm khó khăn chứ không phải hiện nay. Sự thay đổi cách tính, cách làm của năm 2008 và 2011 cũng sẽ khác, nếu có sự đồng lòng, cộng với những kinh nghiệm chèo chống từ năm 2008, tôi tin tưởng chúng ta sẽ vượt bão thành công”.

Theo ông Thắng, để kiềm chế hàng hóa, tự thân mỗi DN cần có ý thức trong việc tiết giảm chi tiêu không cần thiết để bù vào phần tăng giá. Từ nhà cung ứng vật liệu đến DN sản xuất, nhà phân phối nếu mỗi nhà tiết giảm một chút để điều chỉnh giá ở mức thấp nhất với sự chia sẻ và đồng cảm của người tiêu dùng, chắc chắn hàng Việt sẽ tiếp tục khẳng định được vị thế trên sân nhà.

Theo kinh nghiệm của ông Thắng, kinh tế càng khó khăn thì các DNVN cần phải có những giải pháp để “bám” thị trường nội địa tốt hơn. Tuyệt đối không được bỏ trống “trận địa” quan trọng này. Với các DN dệt may, cái khó của họ là việc đương đầu với các sản phẩm của Trung Quốc ngày càng khốc liệt. Ông Trần Lâm, Giám đốc Công ty Lâm Hoài Sơn – DN chuyên sản xuất và cung ứng hàng cho các siêu thị cho rằng, với cơ chế cạnh tranh không cân bằng về thuế như hiện nay giữa hàng trong nước và hàng ngoài nước, trong thời gian tới hàng loạt DN trong nước sẽ phải co lại.

Nhưng theo ông Thắng, các DN dệt may cần có chiến lược và chiến thuật để cạnh tranh trực diện với hàng Trung Quốc vì đã đến lúc không thể thụ động được nữa. Nếu chúng ta ngồi chờ cơ chế thì sẽ mất hết cơ hội để phát triển và mở rộng thị trường nội địa. Cách đây vài năm, cân Nhơn Hòa cũng bị cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc. Nhưng nhờ uy tín từ logo HVNCLC nên người tiêu dùng đã nhận ra sự khác biệt về chất lượng, chỉ trong thời gian ngắn hàng Trung Quốc bị đẩy lùi. Tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp phát triển

Theo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, trong 2 tháng đầu năm 2011, thị trường giá cả trên thế giới đã có sự biến động rất lớn. Chỉ số giá các nhóm hàng thiết yếu trên thế giới tháng 1-2011 tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2010 và tăng 4% so với tháng trước; chỉ số giá lương thực trong tháng 2-2011 tăng 34% so với cùng kỳ 2010, tăng 2,2% so với tháng 1-2011 và tăng 6% so với tháng 12-2010... Trong bối cảnh này, Chính phủ buộc phải thay đổi chiến lược điều hành với những mục tiêu và nội dung rất cụ thể là kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Do vậy, các DN cần nắm bắt và nghiên cứu kỹ các nội dung của Nghị quyết 11 của Chính phủ, từ đó có những biện pháp, chiến lược kinh doanh phù hợp. Thứ trưởng cũng cho rằng, trong tình hình kinh tế khó khăn, Chính phủ đã đưa ra các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn lạm phát nhưng đối với các nguồn dành cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu vẫn sẽ được đảm bảo. Chính phủ cũng như Bộ Công thương sẽ tạo mọi điều kiện để hỗ trợ các DN phát triển.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=303
Quay lên trên