Doanh nghiệp Bình Dương: Đẩy mạnh xuất khẩu để hội nhập

Cập nhật: 16-11-2016 | 07:46:27

Hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Bình Dương 9 tháng đầu năm 2016 tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, kim ngạch xuất khẩu đạt 16,3 tỷ USD, tăng 16,2%. Kim ngạch nhập khẩu đạt 12,9 tỷ USD, tăng 16,1%.

Doanh nghiệp Mỹ Hân ở Bến Cát sản xuất ghế đan nhựa xuất khẩu

 Tình hình xuất khẩu tăng trưởng vượt bậc so các năm trước

Theo báo cáo của UBND tỉnh tại hội nghị lãnh đạo tỉnh tiếp xúc các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp (DN) đầu tư trong nước trên địa bàn tỉnh năm 2016, hoạt động công nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua ổn định và duy trì mức tăng trưởng khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,92%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 105.000 tỷ đồng, tăng 23%. Giá cả hàng hóa ổn định, giá các mặt hàng thiết yếu được kiểm soát tốt. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2016, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực, kết quả đạt được khá toàn diện trên các lĩnh vực. Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế đều tăng cao so với cùng kỳ, trong đó một số chỉ tiêu đã hoàn thành kế hoạch cả năm. Chỉ số phát triển công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng khá, đặc biệt kim ngạch xuất khẩu duy trì mức tăng trưởng cao, tiếp tục xuất siêu. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ kết hợp với việc triển khai hiệu quả Nghị quyết 35/NQ-CP đã tạo kết quả tích cực trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và đăng ký kinh doanh trong nước.

Các thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, ASEAN… được duy trì và phát triển, đơn hàng xuất khẩu tăng trung bình 10 đến 15% so với năm 2015. Đa số các nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu (18/19 nhóm hàng) đều có mức tăng trưởng so với cùng kỳ, trong đó có 16/18 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trên 10%, tập trung một số mặt hàng chính như tiêu, hạt điều nhân, sắt thép, máy vi tính, sản phẩm điện tử, giày dép, sản phẩm bằng gỗ, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, điện thoại và linh kiện, túi xách, ví, va li các loại, dây điện và cáp điện. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực truyền thống như sản phẩm gỗ, dệt may, da giày tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Đặc biệt, các mặt hàng khác như điện tử, máy tính, điện thoại và linh kiện, tăng nhanh, vươn lên chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Cũng tại hội nghị này, đại diện các hiệp hội ngành hàng và các DN đã bày tỏ vui mừng trước những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua, đồng thời cảm ơn sự quan tâm, đồng hành của lãnh đạo tỉnh cũng như các sở, ban, ngành đối với hoạt động của DN, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN phát triển. Các DN cũng kiến nghị một số khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ: Chính sách miễn, giảm thuế xuất, nhập khẩu một số hàng hóa, hỗ trợ DN xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các cụm DN, kế hoạch điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng, tạo điều kiện để DN tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp, xem xét điều chỉnh quy định tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội cho phù hợp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Các kiến nghị của DN thuộc thẩm quyền của các sở, ngành cũng đã được các sở, ban, ngành chức năng hồi đáp.

Nhà nước tiếp tục đồng hành cùng DN

Phát biểu kết luận Hội nghị tiếp xúc với các Hiệp hội ngành hàng và DN, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của các DN. Đối với một số vướng mắc của DN chưa được giải đáp thỏa đáng, Chủ tịch đề nghị các sở, ngành liên quan có văn bản trả lời chính thức cho DN trong thời gian sớm nhất. Đối với các kiến nghị vượt thẩm quyền, các sở, ngành khẩn trương tham mưu, đề xuất UBND tỉnh hoặc báo cáo cơ quan Trung ương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, góp phần bảo đảm cho việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn tỉnh được thuận lợi, hiệu quả.

Chủ tịch đề nghị, các DN cần chủ động hội nhập, tìm hiểu mở rộng thị trường, đẩy mạnh đầu tư, sản xuất, kinh doanh cũng như chấp hành tốt chính sách pháp luật, tích cực tham gia bảo vệ môi trường và thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chăm lo hiệu quả đời sống của công nhân lao động. Các ngành, các cấp tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch, đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN đầu tư. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh hỗ trợ cho sự phát triển của DN đầu tư trên địa bàn.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn các hiệp hội ngành hàng, các DN đã đóng góp hết sức thiết thực vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh trong thời gian qua. Chủ tịch hy vọng rằng, trong thời gian tới, các hiệp hội ngành hàng, DN sẽ tiếp tục đồng hành và chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh với lãnh đạo tỉnh. Sự thành công của cộng đồng DN cũng chính là sự thành công của tỉnh Bình Dương.

Giải pháp tăng trưởng xuất khẩu để hội nhập

Từ cấp vĩ mô, ngành công thương cũng đã đề ra giải pháp thúc đẩy xuất khẩu: “Để năm 2016 và thời gian tới đạt được mục tiêu Quốc hội đã giao cho ngành Công thương là tăng trưởng xuất khẩu ít nhất 10%, cả nước cần thực hiện các giải pháp sau. Đầu tiên là phải thực thi tốt các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và tận dụng được những ưu đãi mà hiệp định này mang lại cho xuất khẩu của Việt Nam. Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi hơn cho DN trong xuất khẩu. Các thủ tục về hải quan, các thủ tục về cấp phép phải được thông thoáng hơn, phải được dễ dàng hơn. Qua đó, DN xuất khẩu sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí, từ đó làm cho hàng hóa Việt Nam có tính cạnh tranh hơn. Giải pháp thứ ba là chúng ta phải tìm kiếm thêm những thị trường mới bên cạnh thị trường truyền thống. Lâu nay chúng ta vẫn tập trung vào châu Âu, Hoa Kỳ, các nước Đông Bắc Á… nhưng thị trường châu Phi hay thị trường Liên bang Nga, thị trường các nước thuộc khối SNG là những thị trường chúng ta cần phải coi trọng.

Thứ tư là, nếu như chúng ta thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các bộ, ngành có liên quan đến kinh tế, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu thì chắc chắn hiệu quả của công tác xuất nhập khẩu sẽ tốt hơn. Ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN xuất khẩu tiếp cận với các nguồn tín dụng thuận lợi, tỷ giá sao cho linh hoạt phù hợp, khuyến khích được việc xuất khẩu. Các thủ tục liên quan đến hải quan, thuế, liên quan đến cấp phép cần được thông thoáng hơn theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Và cuối cùng là thực thi một cách nghiêm túc những cam kết của chúng ta khi Cộng đồng ASEAN đi vào hoạt động vào ngày 31-12-2015, thì chắc chắn năm 2016 xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn các năm trước!”.

Rõ ràng nhờ thực hiện một cách sáng tạo và quyết liệt các giải pháp do Bộ Công thương đề ra mà tỉnh Bình Dương, đặc biệt là các DN Bình Dương đã đạt kết quả cao về tăng trưởng kinh tế, cũng như xuất khẩu. Hiện toàn tỉnh Bình Dương đang cùng cộng đồng DN tiếp tục cố gắng “chạy nước rút” đưa Bình Dương về đích hoàn thành nhiệm vụ kinh tế và xuất khẩu năm 2016, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh và chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế một cách ngoạn mục.

BẢO ANH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=376
Quay lên trên