Doanh nghiệp Bình Dương sẵn sàng chuyển đổi kép

Thứ năm, ngày 18/07/2024

(BDO)  Tiến tới sản xuất xanh, thân thiện với môi trường là điều không đơn giản, rất nhiều những rào cản phải vượt qua, nhưng đây không còn là lựa chọn mà là bắt buộc cho các doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh mới. Lựa chọn chuyển đổi số (CĐS), chuyển đổi xanh cũng chính là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hướng đến phát triển nhanh và bền vững.

 Các chuyên gia thảo luận tại hội nghị “Xu hướng chuyển đổi kép và vai trò của công nghệ trong sứ mệnh phát triển kinh tế số tỉnh Bình Dương”

 Xu hướng tất yếu

UBND tỉnh vừa phối hợp với Cục Phát triển doanh nghiệp (PTDN), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức hội nghị “Xu hướng chuyển đổi kép và vai trò của công nghệ trong sứ mệnh phát triển kinh tế số tỉnh Bình Dương”. Đây là dịp để cộng đồng DN Bình Dương tiếp xúc, trao đổi, tiếp cận thêm thông tin và xu hướng về CĐS, chuyển đổi xanh.

Theo ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục PTDN, xu hướng hiện nay không chỉ dừng ở CĐS mà còn song hành cùng chuyển đổi xanh. Chuyển đổi kép xoay quanh 3 trụ cột chính: Tăng năng suất và hiệu quả kinh tế một cách bền vững; tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; giảm hoặc loại bỏ lượng khí thải nhà kính. Trong bối cảnh đó, nếu các DN Việt chậm chân sẽ bị “bỏ lại”, mất đi khả năng cạnh tranh và càng dễ tổn thương.

Để hỗ trợ cộng đồng DN chuyển đổi kép, Bộ KH&ĐT đã ban hành và triển khai chương trình hỗ trợ DN CĐS, với mong muốn thúc đẩy DN thích ứng với bối cảnh số hóa toàn cầu. Thời gian qua, bộ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội, các tổ chức trong nước và quốc tế triển khai nhiều hoạt động phổ cập, nâng cao nhận thức về CĐS cho các DN. Đến nay, các DN đã có những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về sự cần thiết của CĐS. Nhiều DN đã bước vào giai đoạn số hóa dữ liệu, chuẩn hóa quy trình, ứng dụng công nghệ số và tiến tới CĐS ở phạm vi rộng, đồng bộ hơn.

Bà Phạm Hoài Anh, Giám đốc thương mại Công ty 1C Việt Nam, cho rằng CĐS là phương tiện để hiện thực hóa các mục tiêu chuyển đổi xanh. CĐS mang lại nhiều lợi ích cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, giúp tăng hiệu quả, giảm kinh phí, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm và có thể đưa ra mô hình kinh doanh mới.

 Sản xuất tại Công ty TNHH IGB Automotive Việt Nam (KCN Sóng Thần 3, TP.Dĩ An)

Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết cùng với xu thế CĐS, gắn với cam kết của Việt Nam về sự phát triển bền vững của thế giới, các DN Bình Dương cũng đang quyết tâm thay đổi mô hình tăng trưởng. Thông qua hội nghị này, các DN trên địa bàn tỉnh đặc biệt là DN vừa và nhỏ sẽ có thêm góc nhìn đa chiều và sâu sắc về xu hướng chuyển đổi kép. Đây cũng là cơ hội để DN lắng nghe từ những nhà lãnh đạo và những DN tiên phong đã và đang thành công trong việc thúc đẩy sự bền vững chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức sâu sắc về CĐS trong kinh doanh.

 Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Xác định sự phát triển của DN là sức khỏe của nền kinh tế, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo đẩy nhanh việc CĐS, chuyển đổi xanh trong hệ thống chính quyền từ cấp tỉnh đến cơ sở, đồng thời tăng cường khuyến khích, hỗ trợ DN thực hiện. Ngoài ra, thông qua quy hoạch tỉnh và các chính sách hỗ trợ, Bình Dương đang vận động, khuyến khích các DN nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu, cụm công nghiệp ở phía Bắc của tỉnh. Bình Dương ưu tiên thu hút những ngành công nghiệp công nghệ cao, ít thâm hụt lao động và sở hữu các công nghệ tự động hóa, thông minh hóa cao...

Lựa chọn chiến lược

Trong xu thế tất yếu của việc quản lý và giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, các DN ngành công nghiệp của Bình Dương cũng đã bắt đầu hành động. Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TBS Group, Chủ tịch Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam, cho rằng chuyển đổi xanh để phát triển bền vững không chỉ là xu hướng chung mà còn là yêu cầu bắt buộc đối với cộng đồng DN. Các DN không thể đứng ngoài cuộc cách mạng 4.0, áp dụng dây chuyền sản xuất tự động, trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển xanh nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Trần Quý Cường, Giám đốc nhà máy Công ty TNHH IGB Automotive Việt Nam (KCN Sóng Thần 3, TP.Dĩ An), cũng cho biết trong xu thế tất yếu hướng đến net zero, xanh hóa sản xuất, công ty đang triển khai 2 chương trình trọng điểm. Thứ nhất là sổ tay năng lượng hiệu quả gồm các chương trình audit để hướng tới chỉ số hiệu năng của máy đạt trên 90%; thứ hai là chương trình cải tiến năng lượng nhằm tìm kiếm những dự án giúp giảm tiêu hao năng lượng với mục tiêu giảm ít nhất 3% tổng lượng điện tiêu thu (chỉ số 2 năm liền kề là 12%). Đến năm 2030 toàn bộ nhà máy sẽ sử dụng năng lượng tái tạo và tỷ lệ tái chế trong rác thải trên 90%.

Có thể thấy, hiện nhiều DN tại Bình Dương đã và đang lấy sản xuất xanh là chiến lược và lợi thế cạnh tranh. Trên địa bàn tỉnh có một số mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn trong các ngành, lĩnh vực đã được triển khai như KCN VSIP III, Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đã đầu tư xây dựng Nhà máy trung hòa carbon đầu tiên được phát triển theo hướng xanh, bền vững và thân thiện với môi trường.

 NGỌC THANH