Doanh nghiệp bước ra “biển lớn” - Kỳ 1

Cập nhật: 14-03-2016 | 08:04:00

Kỳ 1: Chuẩn bị tốt nhân lực cho hội nhập

 Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Bình Dương hiện đang có cơ cấu dân số vàng. Theo đó, số người trong độ tuổi lao động tăng từ 1,19 triệu người năm 2010 lên 1,4 triệu người vào năm 2015; tỷ lệ lao động đang tham gia làm việc cao hơn cả nước 8% và cao hơn vùng Đông Nam bộ 11,6%. Tuy nhiên, để hội nhập thành công, một trong những vấn đề trọng tâm là tỉnh Bình Dương và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh cần giải quyết tốt vấn đề nguồn nhân lực.

 Để hội nhập thành công với nền kinh tế thế giới, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Nhà nước, doanh nghiệp cần phải làm là chuẩn bị tốt nguồn nhân lực. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu điều Việt Hà (TX.Thuận An). Ảnh: XUÂN THI

 Thuận lợi đan xen thách thức

Chất lượng nguồn nhân lực được hiểu là sức khỏe và trình độ chuyên môn. Hiện nay, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của tỉnh nhà mới chỉ tiệm cận với tỷ lệ cả nước và thấp hơn so với một số địa phương trong vùng Đông Nam bộ. Cụ thể, Bình Dương đứng thứ 3/6 tỉnh, thành trong vùng về tỷ lệ lao động qua đào tạo, xếp sau TP.Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Bá Thịnh, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh, nhận định khi đề cập đến phát triển nguồn nhân lực, Bình Dương cần tính đến di cư trong cộng đồng các nước Đông Nam Á (ASEAN). Năm 2016, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) bắt đầu có hiệu lực, cùng với đó là những cam kết của Việt Nam khi tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)…, nguồn nhân lực sẽ được dịch chuyển trên phạm vi rộng từ quốc gia này sang quốc gia khác.

Theo các chuyên gia, thách thức cho chính sách thu hút nhân lực, lao động có tay nghề chính là những vấn đề liên quan tới an sinh xã hội như giáo dục, y tế… Trong tương lai, Bình Dương sẽ trở thành trung tâm công nghiệp mang tầm quốc gia và khu vực nên việc chăm lo đến an sinh, phúc lợi xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu của người lao động… cần được địa phương tăng cường hơn nữa mới bảo đảm sự phát triển bền vững của tỉnh.

Tại tỉnh Bình Dương, một chính sách hội nhập tốt có thể giúp tăng chất lượng nhân lực thông qua việc thu hút lao động có tay nghề từ các địa phương trong cả nước cũng như từ các nước trong khu vực. Nhưng điều quan trọng cần tính đến là những tác động tiềm tàng của việc một số lượng lao động có tay nghề sẽ rời bỏ Bình Dương để đi tìm những công việc có thu nhập cao hơn ở TP.Hồ Chí Minh, các nước trong khu vực. Hiện tỉnh Bình Dương đang có những thuận lợi, bởi tỉnh đang có tốc độ tăng dân số cơ học khá cao. Nhiều người ngoài tỉnh đến làm việc tại các khu công nghiệp còn trẻ, có trình độ học vấn, tay nghề; cộng thêm chính sách thu hút nguồn nhân lực, nhân tài… của tỉnh hấp dẫn khiến cho Bình Dương trở thành nơi “đất lành chim đậu”.

Hiện nay, tỉnh Bình Dương có 8 trường đại học, 1 trường cao đẳng, 9 trường trung cấp và 59 cơ sở dạy nghề, cơ bản có thể đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực tại khu vực nông thôn trong tỉnh đang thấp hơn rất nhiều so với đô thị; trong khi đó tỷ lệ lao động qua đào tạo vẫn còn thấp... Để giải quyết bài toán này, thu hút nhân lực từ các tỉnh, thành trong cả nước và từ ASEAN là việc làm cần thiết; bên cạnh đó cần tăng cường các chính sách đãi ngộ, lương bổng để giữ chân lao động có trình độ cao.

Ông Trần Công Thạch, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Hồng Kỳ (TX.Dĩ An, chia sẻ công ty của ông là đơn vị chuyên nhập máy móc công nghệ sản xuất, chế biến gỗ phục vụ thị trường Bình Dương. Tuy nhiên, để bán được thiết bị công nghệ cao, doanh nghiệp đã phải mất rất nhiều thời gian đào tạo nhân viên vận hành máy móc cho đơn vị mua thiết bị, máy móc của công ty ông.

Thực trạng nói trên đang khá phổ biến tại tỉnh Bình Dương hiện nay. Thực tế, nhiều doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh tốn kém rất nhiều tiền của để mua sắm thiết bị hiện đại nhằm theo kịp trình độ sản xuất của các nước trong khu vực. Và để vận hành công nghệ mới, doanh nghiệp đã phải thuê chuyên gia nước ngoài về điều khiển và vận hành. Tiền trả cho chuyên gia nước ngoài rất tốn kém và doanh nghiệp cũng mất rất nhiều thời gian để đào tạo nhân lực thay thế khi chuyên gia nước ngoài hết hạn hợp đồng. Điều này không những gây tốn kém vốn đầu tư cho doanh nghiệp mà còn làm chậm quá trình hiện đại hóa quy trình sản xuất của doanh nghiệp.

Cần nguồn nhân lực bền vững

Theo định hướng, đến năm 2020 Bình Dương trở thành trung tâm công nghệ lớn, có trình độ sản xuất ở tầm quốc gia và khu vực, sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới. Để thực hiện thành công định hướng này, tới đây tỉnh sẽ ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng chất xám và công nghệ cao, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm; ưu tiên sử dụng nguyên liệu sạch, thân thiện với môi trường, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; cùng với đó giảm dần các ngành sử dụng nhiều tài nguyên khoáng sản và lao động giản đơn. Điều này không những đặt ra thách thức đối với năng lực sản xuất của mỗi doanh nghiệp, mà còn đặt ra bài toán đào tạo nguồn nhân lực đầy đủ năng lực chuyên môn đáp ứng nhu cầu hội nhập mạnh mẽ của cả nước nói chung và tỉnh nói riêng.

Các chuyên gia khẳng định, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là xu thế tất yếu của sự phát triển nền công nghiệp nước nhà. Muốn làm được điều này, song song việc đào tạo nhân lực trình độ cao, công nghiệp cơ khí, chế tạo máy móc cũng phải đồng hành để tạo ra cơ sở hạ tầng kỹ thuật tốt nhất đưa nền công nghiệp phát triển mạnh mẽ về chất và lượng. Điều quan trọng nữa là đào tạo và chế độ đào tạo cần có bước đột phá nhiều hơn trong giai đoạn 2015-2020.

Dự báo, nhu cầu sử dụng nguồn lao động của tỉnh Bình Dương tới năm 2020 là 1,264 triệu người, đến năm 2025 là 1,9 triệu người. Với cơ cấu dân số “vàng” như hiện tại, vấn đề thiếu hụt nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội là điều tỉnh Bình Dương không đáng lo. Quan trọng nhất chính là tỉnh cần có những bước điều chỉnh thích hợp nhằm nâng cao trình độ tay nghề cho nguồn nhân lực trong giai đoạn tới.

Thạc sĩ Phạm Hồng Kiên, trường Đại học Thủ Dầu Một, nhận định để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tỉnh Bình Dương cần tập trung xây dựng các dự án bảo đảm nguồn nhân lực cho các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung cấp nghề…; cùng với đó thường xuyên đổi mới nội dung và chương trình giảng dạy, cập nhật khiến thức, kỹ năng chương trình đào tạo sát với thực tế. Tỉnh cũng cần đẩy mạnh thu hút lao động ngoài tỉnh để bảo đảm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội; rà soát, bổ sung, sửa đổi các chế độ chính sách về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và phát triển nguồn lực của tỉnh…

Các chuyên gia còn cho rằng, Bình Dương cần khuyến khích người lao động tham gia học nghề, nhất là lao động vùng nông thôn, vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tự đào tạo nguồn nhân lực cho chính lực lượng lao động tại chỗ của mình... Có như thế, Bình Dương mới bảo đảm được nguồn nhân lực bền vững phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cũng như chuẩn bị đầy đủ mọi nguồn lực cho sự hội nhập kinh tế toàn cầu.

Kỳ 2: Doanh nghiệp cần đầu tư dây chuyền sản xuất đồng bộ, phù hợp

 PHÙNG HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=570
Quay lên trên