Doanh nghiệp các ngành hàng nỗ lực vượt khó, duy trì sản xuất

Cập nhật: 08-04-2020 | 08:54:46

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp (DN) sản xuất, xuất khẩu đều gặp khó khăn như thiếu nguyên liệu sản xuất, đơn hàng xuất khẩu bị gián đoạn, thanh toán tiền hàng chậm trễ song vẫn nỗ lực duy trì sản xuất, tuyên truyền để công nhân chấp hành nghiêm việc phòng chống dịch, bảo đảm sức khỏe.


Các doanh nghiệp may mặc trong tỉnh vẫn nỗ lực duy trì sản xuất

Nỗ lực trong dịch bệnh

Theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, đến nay tình hình sản xuất, xuất khẩu của ngành gỗ ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn, tuy nhiên nhiều DN vẫn cố gắng duy trì sản xuất bằng cách cắt giảm 30 - 50% quy mô sản xuất, giảm còn 4 ngày làm việc trong tuần để bảo đảm việc làm và thu nhập của người lao động. Theo các DN thì các đơn hàng đã xuất khẩu trước đó bị chậm thanh toán gây khó khăn về vấn đề tài chính. Mặt khác, các DN đang gặp khó khăn trong việc ký kết các đơn hàng xuất khẩu trong quý II-2020 do thị trường tiêu thụ tại các thị trường truyền thống giảm mạnh. Dự báo, nếu dịch bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm thì đến hết tháng 4-2020 sẽ có 30% DN ngừng sản xuất, đến tháng 5 sẽ có 50 - 60% DN ngừng sản xuất. Hiện nguồn nguyên liệu đến nay vẫn còn đủ để các DN gỗ duy trì sản xuất đến tháng 5-2020. Trong khó khăn, nhiều DN trong hiệp hội nỗ lực tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước để thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu, đồng thời thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền hỗ trợ người lao động nhằm bảo đảm an toàn trong dịch bệnh.

Đối với ngành dệt may, một tín hiệu sáng là khi thị trường Trung Quốc đã có chuyển biến tích cực, một số DN cung cấp nguyên liệu tại Trung Quốc đã bắt đầu trở lại làm việc. Tuy nhiên, các DN trong ngành dệt may và da giày cũng gặp khó khăn trong xuất khẩu các đơn hàng đã ký kết trước đó và ký kết đơn hàng xuất khẩu mới tại các thị trường truyền thống: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu. Việc đàm phán ký kết đơn hàng mới cũng đang gặp khó khăn do thị trường bán lẻ tại các thị trường chính suy giảm. Để giải quyết tình trạng này, một số DN đang chuyển hướng sản xuất một số sản phẩm để tiêu thụ ở thị trường nội địa. Đồng thời, nhiều DN đã chuyển hướng sản xuất khẩu trang vải để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Gốm sứ, sơn mài điêu khắc, thời gian qua nguồn nguyên liệu chính để sản xuất chủ yếu trong nước, một số nguyên liệu phụ như hóa chất, men, màu nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng số lượng không đáng kể, DN linh động sử dụng từ các nguồn khác. Trong tình hình tiêu thụ trong nước, cũng như xuất khẩu mặt hàng gốm sứ và thủ công mỹ nghệ đang ngày càng suy giảm, thêm vào đó nhiều khách hàng chậm thanh toán tiền hàng và lượng hàng tồn kho của DN ngày càng nhiều dẫn đến nhiều DN không đủ vốn để tái đầu tư sản xuất nên hiện nay chỉ duy trì cầm chừng để bảo đảm nguồn thu nhập cho người lao động.

Theo ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện, các DN trong hiệp hội vẫn đang nỗ lực từng ngày để duy trì sản xuất, vượt qua khó khăn chờ ngày dịch bệnh được kiểm soát. DN trong hiệp hội tùy vào loại hình hoạt động mà mức độ khó khăn có khác nhau. Các DN sản xuất, gia công cơ khí chính xác sử dụng công nghệ cao nguồn nguyên liệu chủ yếu từ các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... dù đã có hợp đồng sản xuất cố định nhưng tình hình xuất khẩu cũng đang bị trì trệ do dịch bệnh. Đối với các DN sản xuất sản phẩm cơ khí phục vụ nhu cầu dân sinh (máy phát điện, quạt, thiết bị chiếu sáng...) nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc 20 - 50%, có DN nhập khẩu đến 80% nên sự hồi phục của thị trường Trung Quốc là tín hiệu rất tốt. Thêm vào đó, các nguồn nguyên liệu này nhập khẩu từ các tỉnh ngoài tâm dịch nên vẫn duy trì sự liên lạc và cung ứng. Mặt khác có sự chuẩn bị từ quý IV-2019 nên hiện tại DN vẫn nỗ lực duy trì sản xuất đến tháng 5-2020.

Trong khi đó, các DN sản xuất hàng điện tử gia dụng, điện lạnh, đa số đều sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc (từ 70 - 80%), Hàn Quốc, Nhật Bản. Bên cạnh đó, do đặc thù ngành điện tử nhập khẩu đủ một lượng hàng hóa nhất định vừa đủ để sản xuất cho từng hợp đồng (đối với từng sản phẩm cụ thể như máy lạnh, màn hình tivi, màn hình Led…), nên các DN không dự trữ hàng hóa nhiều. Hiện nay, các DN cũng sản xuất cầm chừng nhằm tạo điều kiện việc làm cho người lao động.

Chủ động hỗ trợ DN

Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định trong quý II-2020, Bình Dương tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Các cấp, các ngành chủ động nắm tình hình sản xuất, kinh doanh, lao động của DN để có giải pháp hỗ trợ kịp thời; đặc biệt, theo dõi tình hình lao động là việc làm tại các DN, có phương án tìm nguồn lao động thay thế trong trường hợp thiếu hụt lao động, chuyên gia nước ngoài.

Theo Sở Công thương, hiện Bộ Tài chính đang trình Chính phủ chính sách giãn, hoãn nộp thuế và tiền thuê đất nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, trong nhóm đối tượng đề xuất được hưởng chính sách không có ngành sản xuất gốm sứ, ngành sản xuất hàng tiêu dùng và chế biến sản phẩm nông nghiệp. Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị Chính phủ và Bộ Tài chính bổ sung lĩnh vực sản xuất nói trên vào đối tượng được hưởng chính sách trên vì các ngành sản xuất ở Bình Dương đang chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh Covid-19. Tỉnh cũng đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại tăng cường việc hướng dẫn công khai, chi tiết để DN có thể tiếp cận chính sách hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Để bảo đảm nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất cho ngành vật tư y tế, tỉnh cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Ngoại giao làm việc với các DN phía Trung Quốc hỗ trợ cung cấp nguồn nguyên phụ liệu này.

Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, việc trả lương cho người lao động là một khó khăn lớn mà các DN đang gặp phải. Trong bối cảnh tình hình sản xuất, kinh doanh của DN bị đình trệ, các đơn hàng không xuất khẩu được dẫn đến tồn kho lớn, DN gặp rất nhiều khó khăn về nguồn tài chính để duy trì hoạt động và tái đầu tư. Tỉnh cũng đề nghị Chính phủ và Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội hướng dẫn cụ thể văn bản trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong tình huống dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trong trường hợp DN vẫn tồn tại không phải tuyên bố phá sản do dịch bệnh. Đây là một trong những chính sách nhằm bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ cho DN cơ cấu lại nguồn nhân lực, giữ việc làm người lao động trong bối cảnh tình hình sản xuất, kinh doanh đình trệ.

Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định trong quý II-2020, Bình Dương tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Các cấp, các ngành chủ động nắm tình hình sản xuất, kinh doanh, lao động của DN để có giải pháp hỗ trợ kịp thời; đặc biệt là theo dõi tình hình lao động, việc làm tại các DN, có phương án tìm nguồn lao động thay thế trong trường hợp thiếu hụt lao động, chuyên gia nước ngoài.

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết
Tags
covid 19

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1596
Quay lên trên