Doanh nghiệp cần có thiện chí khắc phục hậu quả

Cập nhật: 21-01-2010 | 00:00:00

Đất đai bị sạt lở vì doanh nghiệp khai thác xâm hại

Thời gian qua, khu vục xã Đất Quốc, Tân Mỹ, huyện Tân Uyên có một số doanh nghiệp (DN) khai thác đất cao lanh. Việc khai thác tuy được Nhà nước cấp phép, song trong quá trình hoạt động có DN đã gây thiệt hại cho người dân. Cụ thể trong năm qua, DN tư nhân T.T.T. trong khi khai thác đất cao lanh đã xâm hại luôn cả phần đất ở của gia đình ông Nguyễn Hồng Sơn (ngụ xã Tân Mỹ). Hậu quả, lô đất của ông Sơn bị xâm hại chiều dài 30m, bề rộng mỗi bên gần 9m, chiều sâu xuống lòng đất 10m. Sau nhiều lần hòa giải tại địa phương không đạt kết quả nên vụ việc đã được chuyển giao cho TAND huyện Tân Uyên thụ lý. Mới đây, tòa án tổ chức hòa giải, phía DN công nhận: đã gây ra thiệt hại cho ông Sơn và chấp nhận bồi thường, nhưng DN chỉ đồng ý “bồi thường tính theo diện tích mét vuông chứ không tính theo thể tích mét khối”! Vậy là hòa giải không thành. Ông Sơn cho rằng: DN “khai thác” vào đất của ông sâu xuống lòng đất 10m; mà nay chỉ bồi thường theo mét vuông, tức là chỉ bồi thường phần diện tích trên bề mặt còn phần đất sâu phía dưới lại không tính là rất vô lý! Mặt khác, ông Sơn cho rằng, đất của ông là loại đất cao lanh, DN lấy đất này của ông nhằm mục đích kinh doanh, cho nên DN phải nghiêm túc xem xét vấn đề này. Tại buổi hòa giải, phía DN cho biết, về diện tích đất bị xâm hại phải đo đạc cụ thể rồi tính sau; riêng vấn đề loại đất cao lanh thì DN cho rằng “không biết vì DN không phải là đơn vị khai thác khoáng sản”?! Dư luận cho rằng, cách trả lời của DN như vậy là không thuyết phục, chưa thực sự có thiện chí khắc phục hậu quả do mình gây ra. Vì, căn cứ theo Giấy phép kinh doanh số 4601000302 do Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp cho DN T.T.T. vào ngày 10-9-2001 có ghi rõ ngành, nghề kinh doanh là: khai thác, chế biến cao lanh... Ngoài ra, trong các hóa đơn giao dịch mua, bán đất cao lanh của DN T.T.T. đều thể hiện: giá của đất cao lanh gần 300.000 đồng/tấn. Vậy thử hỏi, một đơn vị đang hoạt động khai thác đất cao lanh lại “lấy” đất cao lanh của ông Sơn thì để làm gì? Ông Sơn cho rằng: “Một mét khối đất cao lanh có trọng lượng tương đương bằng 1 tấn; tính sơ bộ DN đã xâm hại của ông hơn 1.000 mét khối; chỉ cần làm một phép tính đơn giản cũng thấy rõ DN này đã thu lợi nhuận rất nhiều. Vậy mà, khi hòa giải họ chỉ chấp nhận bồi thường cho tôi theo diện tích mét vuông, tính thành tiền khoảng 60 triệu đồng là không thể chấp nhận. Gia đình tôi làm nông cơ cực lắm mới có được mảnh đất, nay vì DN “khai thác” gây thiệt hại nên đất này không làm gì được, ngày càng sạt lở thêm nghiêm trọng...”. Trao đổi với phóng viên xung quanh sự việc này, một vị lãnh đạo TAND huyện Tân Uyên cho biết: “Sắp tới tòa sẽ tổ chức hòa giải lần nữa, nếu như DN không có trách nhiệm bồi thường xứng đáng... thì tòa sẽ tổ chức đo đạc cụ thể, cho trưng cầu giám định đất cao lanh sau đó sẽ đưa ra xét xử”. Mong rằng, để giảm thiểu thiệt hại của người dân, tránh kéo dài kiện tụng, giữ gìn uy tín làm ăn, thiết nghĩ DN T.T.T. nên có thiện chí khắc phục hậu quả đáng tiếc đã gây ra.

KIẾN GIANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=416
Quay lên trên