Doanh nghiệp cần tránh tâm lý ỷ lại

Thứ hai, ngày 15/11/2010

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đi được một chặng đường tuy chưa dài nhưng cũng đủ để các doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng (NTD) tìm thấy và hiểu nhau. Hiệu quả của chương trình trong thời gian qua là rất rõ, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại, hạn chế nếu không kịp thời khắc phục sẽ dẫn đến tác dụng ngược.

 Không thể có gì bán nấy

Trong các chương trình hàng Việt về với nông thôn, nhiều DN đã tiêu thụ được một lượng sản phẩm lớn và xem đó là thành công bước đầu. Tuy nhiên, khi DN dốc hết công suất để kịp thời cho ra đời sản phẩm để cung ứng cho NTD mà chỉ chú trọng số lượng, xem nhẹ chất lượng là một nguy cơ. NTD có quyền lựa chọn những sản phẩm mình tin cậy, yêu thích vì thế không thể “ăn xổi ở thì”. Chẳng hạn, NTD không thể mặc một chiếc áo hay chiếc quần suốt đời nên họ có thể mua sắm trở lại ngay sau một thời gian ngắn. Nếu sản phẩm nào đó dù đã bán được lần đầu nhưng liệu lần sau có chắc là bán được? Điều này DN đều hiểu rõ nhưng không ai lường được liệu có những DN vì lý do nào đó đã lỡ cho ra đời một lô hàng sản phẩm bị lỗi hay kém chất lượng và cố tình trà trộn để đẩy về vùng nông thôn, nơi NTD còn thiếu kinh nghiệm trong mua sắm. Hay một sản phẩm nào đó được bán cho NTD với sự sai lệch trong đo lường cũng làm cho NTD cảm thấy bị xúc phạm và sẽ tẩy chay mỗi khi được phát hiện. Chị Nguyễn Thị Hải Hà, nhân viên PR của một DN ở Thuận An sau khi mua nhầm một bộ trang phục được quảng cáo là hàng “chất lượng cao” nhưng thực tế là “chất lượng dỏm” nên quyết tâm không bao giờ mua hàng của thương hiệu đó nữa.

  NTD tại hội chợ hàng Việt về với nông thônTrước đây, khi trình bày trước Quốc  hội về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng từng nhận định rằng: NTD Việt Nam hiện phải sống trong môi trường mà mức độ không an toàn ngày càng gia tăng, quyền và lợi ích hợp pháp bị vi phạm ngày càng nhiều. Đó là một thực tế. Gần đây hơn, Quốc hội  khóa XII họp phiên thứ 8, khóa XII cũng đã sôi nổi thảo luận về vấn đề liên quan đến NTD. Theo như Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) thì thực tế hiện nay việc quảng cáo sai sự thật về sản phẩm hàng hóa đang diễn ra khá phổ biến khiến NTD tin tưởng vào quảng cáo mà “tiền mất tật mang”. Đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh) cũng cho rằng, NTD thường tin vào quảng cáo trong khi nhiều sản phẩm quảng cáo thổi phồng về chất lượng. Ví dụ, nhiều DN đang quảng cáo sữa tươi thanh trùng, tiệt trùng, sữa hoàn nguyên... nhưng NTD không được biết rõ thực hư thế nào?!

Ỷ lại là tự sát

Phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại các địa phương trên cả nước đang được vận động khá rầm rộ với nhiều hình thức đưa hàng tận nơi, khuyến mãi, giảm giá, tổ chức hội chợ... Đây là cơ hội lớn cho những DN có sản phẩm hướng đến thị trường nội địa. Thực tế, thời gian qua nhiều DN đã đầy “hầu bao” hơn sau khi tham gia thực hiện các chương trình này. Tuy nhiên, ở đâu đó cũng không hẳn là không có tâm lý ỷ lại vào chương trình này nên chậm đổi mới, chậm khắc phục những điểm yếu của mình để mất dần năng lực cạnh tranh. DN lo nhất là vốn và thị trường đầu ra, mỗi khi thị trường đầu ra được hỗ trợ thì sự chủ quan thường được tăng lên trong ý thức.

Trong nhiều cuộc gặp trao đổi giữa các chuyên gia và DN diễn ra ở TP.HCM, nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh rằng “ỷ lại là tự sát”. Năng lực cạnh tranh của DN dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có cả yếu tố liên tục đổi mới mẫu mã sản phẩm và chất lượng sản phẩm cho dù DN đó đang có thương hiệu trên thị trường trong thời điểm hiện tại.

Bên cạnh đó, hiện nay tình trạng hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng, hàng lậu tràn lan, nhất là hàng vi phạm bản quyền đang gây mất lòng tin đối với NTD. Trong khi đó, một số DN sản xuất vẫn còn cho ra đời những mẫu mã sản phẩm xấu, đơn điệu cộng với khâu phân phối bán hàng kém, hoạt động thiếu liên tục, chưa có chế độ hậu mãi... nên chưa duy trì được phong độ thường xuyên. Nếu DN chậm khắc phục những hạn chế nói trên thì việc khai thác lợi thế “sân nhà” sẽ dần dần trở nên khó khăn. Mỗi một khi cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt không còn rầm rộ, Luật Bảo vệ NTD được bổ sung chặt chẽ hơn, NTD có kinh nghiệm hơn, khôn ngoan hơn và thị trường thương mại tự do hơn thì sản phẩm của DN trong nước chỉ có thể đứng vững trên chính đôi chân của mình.

Theo nhận định của Bộ Công Thương, mặc dù cuộc vận động đã đạt được những kết quả đáng mừng, song chương trình đẩy mạnh bán hàng, triển khai phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại các địa phương vẫn chưa thu hút được nhiều thương hiệu mạnh tham gia. Nguyên nhân vì sao thì có nhiều nhưng đáng quan tâm lo lắng là khi các thương hiệu mạnh ít tham gia mà số lượng DN và hàng hóa về nông thôn, vùng xa vẫn khá nhiều thì chẳng lẽ đa phần những DN này là thương hiệu yếu!? Ai có thể đảm bảo rằng NTD không bị xúc phạm khi mua sắm trúng hàng kém chất lượng? Đó là một nguy cơ!

KỲ TÂN