Không chỉ vào mùa khô mới tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Với một số doanh nghiệp gỗ, nguy cơ cháy nổ có thể phát sinh ở bất cứ công đoạn nào trong quá trình sản xuất, chế biến gỗ. Do đó, việc chủ động phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại nơi sản xuất, đặc biệt là nâng cao nhận thức cho người lao động về công tác PCCC cũng như kiến thức pháp luật nói chung là rất cần thiết…
Phòng cháy hơn chữa cháy
Các nhà máy chế biến gỗ thường có số lượng người lao động đông, từ đó dẫn đến việc phải mở rộng quy mô các xưởng sản xuất và đa dạng hóa các khâu, công đoạn sản xuất tập trung thành một dây chuyền liên hoàn thống nhất. Các khâu trong quá trình sản xuất, thành phẩm đều tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn. Đám cháy có thể bắt đầu từ bất cứ khâu nào trong quy trình sản xuất như khu vực cắt xẻ, gia công, chế tác, phòng sơn, phòng chứa nguyên liệu, kho chứa dăm bào, mùn cưa, bụi gỗ… Đám cháy không chỉ bởi tàn thuốc lá mà có thể xuất hiện trong quá trình chà nhám, nhiệt phát sinh do ma sát, đường điện bị chập cháy do quá tải...
Nhiều doanh nghiệp sản xuất gỗ chủ động trang bị hệ thống PCCC để hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có sự cố hỏa hoạn
Ngoài nguyên liệu gỗ, phôi gỗ thì các sản phẩm phụ từ gỗ dễ cháy hơn như dăm bào, mùn cưa, củi thường tập trung trong xưởng. Khi cháy thì bắt cháy nhanh hơn và dễ dàng cháy lan. Dầu mỡ của máy sản xuất rớt xuống nền trộn lẫn vào mùn cưa, bụi gỗ tạo nên hỗn hợp có khả năng bắt cháy và tự bốc cháy. Ngoài ra, một số xưởng sản xuất còn bố trí nơi đun nấu trong khu vực có nhiều chất cháy hoặc thắp nhang, đốt vàng mã cũng góp phần gây ra cháy, nổ. Với đặc thù của ngành nghề sản xuất, nguy cơ cháy, nổ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gỗ rất cao, thiệt hại thường rất nặng nề nếu không có biện pháp hiệu quả.
Theo ông Lê Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Chế biến gỗ Tường Văn, xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên thì có khoảng 80% nguyên nhân cháy ở các công ty gỗ bắt nguồn từ khu vực phun sơn với sơn và các loại hóa chất làm dung môi. Các loại hóa chất này dễ bay hơi, khuếch tán trong không khí tạo thành hỗn hợp nguy hiểm cháy nổ, dễ bắt cháy và khả năng cháy lan lớn. Khi xảy ra cháy thì rất khó để cứu chữa và dập tắt, cũng như gây nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng của con người.
Công ty Tường Văn hiện có 300 công nhân, ngành nghề chủ yếu tập trung gia công, sản xuất gỗ thành phẩm xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc, Canada... Đã từng xảy ra hỏa hoạn với nhiều nguyên nhân, do đó, vấn đề PCCC luôn được công ty quan tâm và đầu tư hệ thống, thiết bị PCCC một cách bài bản. Ngoài việc bố trí khu vực riêng cho công nhân hút thuốc, tại khu vực phòng sơn của công ty luôn được bố trí những thùng cát để phòng khi hỏa hoạn bất ngờ ập đến. “Bản chất rủi ro luôn tiềm ảnh ở bất cứ khâu nào trong quá trình sản xuất. Do đó, doanh nghiệp khi sản xuất cần phải quan tâm đến những rủi ro; chú ý bảo trì, vệ sinh định kỳ hệ thống máy móc, nhà xưởng cũng như trang bị đầy đủ thiết bị PCCC để hạn chế tối đa nguy cơ cháy nổ”, ông Lê Văn Minh, Giám đốc Công ty Tường Văn chia sẻ.
Cùng kinh doanh trong lĩnh vực gia công chế biến gỗ, ông Trần Anh Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Liên Thanh, phường Hòa Lợi, TX.Bến Cát, cho biết do nhà xưởng công ty đã từng xảy ra hỏa hoạn nên công tác PCCC luôn được phía công ty quan tâm. Trước tình hình cháy nổ hết sức phức tạp hiện nay, công ty đã chủ động trang bị hệ thống PCCC và chấp hành đúng các quy định phòng chống cháy nổ. Không chỉ bố trí khu vực riêng cho công nhân hút thuốc, phía công ty còn phòng ngừa hỏa hoạn bằng cách thường xuyên bảo trì, vệ sinh máy móc, xây dựng và sơn phết hệ thống nền tại kho chứa vật liệu và phòng sơn một cách bài bản để hạn chế thấp nhất rủi ro cháy nổ. Từ quản lý cho đến công nhân đều ý thức được PCCC là bảo vệ tính mạng, tài sản của chính mình và công ty.
Nâng cao ý thức PCCC cho công nhân
Mỗi năm Hiệp hội Chế biên gỗ Bình Dương (BIFA) đều tổ chức những buổi tập huấn cho các hội viên để cập nhật, hướng dẫn và nâng cao nhận thức cho chủ các doanh nghiệp gỗ về công tác PCCC trong sản xuất, kinh doanh. Sau mỗi đợt tập huấn, đại diện các doanh nghiệp sẽ về tuyên truyền, phổ biến cho công nhân về công tác PCCC của doanh nghiệp mình.
Hàng năm, Công ty Gỗ Liên Thanh đều tổ chức các buổi tập huấn để nâng cao kiến thức pháp luật cho công nhân với những nội dung thiết thực, gần gũi với người lao động. Trước giờ vào ca, công nhân Công ty Tường Văn sẽ được nghe tổ trưởng thông báo, nhắc nhở một số nội dung liên quan đến vấn đề giữ gìn an ninh trật tự, PCCC vì vậy nên tình hình an ninh trật tự an tại doanh nghiệp trong thời gian qua luôn ổn định. Ngoài việc ứng dụng hệ thống intercom, việc trao đổi, thảo luận thông tin pháp luật còn được thực hiện trên mạng xã hội. Nội dung thảo luận chủ yếu liên quan đến các văn bản pháp luật, được chia theo chủ đề và thảo luận sôi nổi…
Theo ông Lê Văn Minh, Giám đốc công ty thì việc nâng cao nhận thức cho công nhân về PCCC luôn được công ty quan tâm. “Hàng tuần, hệ thống intercom phát thông báo, cập nhật thông tin về pháp luật cho công nhân. Trong giờ giải lao hoặc lúc tan ca, anh chị em công nhân có thể vừa nghỉ ngơi vừa nghe loa truyền thanh thông tin về kiến thức pháp luật. Công nhân công ty cũng sẽ được nhắc nhở về ý thức an toàn lao động, ý thức PCCC. Mới đây, công ty chúng tôi đã tổ chức diễn tập PCCC với sự tham gia của đội ngũ quản lý và công nhân trong nhà máy dưới sự hướng dẫn của đội trưởng Đội PCCC của công ty”.
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ cháy tại các cơ sở sản xuất, gia công chế biến gỗ. Các vụ cháy đã gây thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 14 tỷ 450 triệu đồng.
TÂM TRANG