Doanh nghiệp “chùn bước” vì lãi suất cao!

Cập nhật: 19-04-2011 | 00:00:00

Quy trình, thủ tục và điều kiện vay khắt khe, cộng với lãi suất cao ngất ngưởng lên đến 22 - 24%/năm đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) có ý định vay vốn để phát triển sản xuất - kinh doanh thời điểm này phải chùn bước.

Khó tiếp cận vốn

Dòng vốn cho bất động sản (BĐS) gần như tắc nghẽn sau hơn một tháng Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị số 01 về việc giảm tỷ trọng cho vay phi sản xuất, trong đó có BĐS, xuống không quá 16% so với tổng dư nợ tối đa đến cuối năm nay. DN BĐS trên cả nước đang đứng ngồi không yên vì chính sách này.  

Tổng Giám đốc Công ty

Lilama SHB Lê Tấn Hòa cho biết ông có 4 dự án đã triển khai tại các quận 9, Tân Phú, Gò Vấp thuộc TP.HCM, đang vay vốn giữa chừng thì bị cắt. Thậm chí lãi suất cho vay lên đến 23 - 24% nhưng không thể tiếp cận được. Trong khi các dự án này cần khoảng 1.500 tỷ đồng. Giải pháp tình thế của ông Hòa là vận động người mua nhà đóng tiền trước thời hạn. “Phần thiếu hụt còn lại phải đi vay từ bạn bè và nhiều nơi để xoay sở”, ông Hòa nói. Dòng sản phẩm mà Lilama SHB đang xây thuộc phân khúc căn hộ trung bình, giá mềm nên vẫn có lượng khách hàng nhất định, nhờ đó có thể huy động vốn tạm thời từ khách hàng để vượt qua cơn khốn khó.

Các chuyên gia tài chính cho rằng, thực tế hoạt động tín dụng của các ngân hàng hiện nay đã cho ra rất nhiều gói sản phẩm nhằm tìm kiếm khách hàng cho vay lãi suất cao để hưởng lợi nhuận cao. Do vậy, khi chính sách tài chính của Nhà nước thắt chặt khâu nào thì vùng hoạt động đó rồi đây cũng sẽ có khả năng phát sinh tiêu cực. Bởi khi mà một bên thì cần vốn, một bên thì cần lợi nhuận cao nên việc “lách” là điều khó tránh khỏi.

Sản xuất cũng... “khó thở”!

Ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, cho biết nhu cầu vốn của các DN chế biến xuất khẩu hạt điều năm nay vào khoảng 25.000 tỷ đồng, trong đó dự kiến vay khoảng 20.000 tỷ đồng. Nhưng quý 1 chỉ mới giải quyết được 10% tổng nhu cầu, chủ yếu là vốn tự có của DN. “Từ tháng 4 - 6 tới, chúng tôi cần vay khoảng 12.000 tỷ đồng nhưng không chỉ vì lãi cao mà tiếp cận vốn cũng quá khó”, ông Học nói. Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến đồ gỗ TP.HCM, ông Trần Quốc Mạnh cũng phản ánh có DN thành viên vì thiếu vốn mua nguyên liệu nên đành nuối tiếc nhìn đơn hàng của mình rơi vào tay một đối thủ khác tại Malaysia. Ông Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê cũng phản ánh, vì thiếu vốn nên các công ty xuất khẩu cà phê của Việt Nam khi thu mua trong dân phải “chạy sau” các công ty có vốn nước ngoài. Đến khi mua được hàng để xuất thì... thị trường rớt giá!

Giám đốc một DN thuộc top 20 DN xuất khẩu điều thừa nhận, nhóm DN lớn với tình hình tài chính minh bạch, làm ăn có lời vẫn được ngân hàng mời gọi vay vốn. Tuy nhiên, với những DN dạng này, lãi suất trở thành rào cản. “Chúng tôi cố tự xoay sở lấy vốn kinh doanh chứ không muốn vay ngân hàng vì lãi suất quá cao”, vị giám đốc kể trên nói. Ai chấp nhận vay vốn lãi suất cao? Lãnh đạo các ngân hàng từng nhiều lần lên tiếng: “Lãi suất cao là những khoản cho vay rủi ro cao”.

Xuất khẩu càng nhiều, càng... lỗ!

Khảo sát thị trường cho thấy, vải kateford hồi cuối năm 2010 khoảng 32.000 đồng/m, hiện nay là 75.000 đồng/m, tăng 134%, vải cotton từ 16.000 đồng lên 40.000 đồng/m, tăng 150%... Tuy nhiên, theo ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), việc tăng giá sản phẩm chỉ được khách hàng chấp nhận ở mức tối đa 15%, trong khi cộng các chi phí đầu vào như lãi suất, điện nước, xăng dầu, chi phí đã tăng hơn 22%, chưa kể lương công nhân phải tăng bình quân từ 3,5 triệu đồng/tháng lên 4 triệu đồng/tháng (14%) nên lợi nhuận giảm, thậm chí âm là không thể tránh khỏi.

Ông Nguyễn Văn Ký, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (Agifish), bi quan hơn: “May lắm là hòa vốn, còn thì thua lỗ nặng nề”. Theo ông Ký, dự đoán tăng các khoản chi phí đầu vào dành cho hợp đồng ký trước cuối năm ngoái thấp hơn nhiều so với mức tăng thực tế. Chẳng hạn, tháng 9-2010, giá nguyên liệu cá tra 15.600 - 16.000 đồng/kg, cộng thêm 30 cent (6.300 đồng) cho mức tăng chi phí dự báo hết quý 1-2011 thì bán 2,8 - 2,9 USD là có lời. Nhưng, ngay từ đầu năm nay, giá cá liên tục tăng, đến nay là 27.000 - 28.000 đồng, tăng 70 - 80%. Nghĩa là giá xuất phải đạt tối đa 3,35 - 3,4 USD/kg mới có lời... Ông Phạm Xuân Hồng cho biết, ở công ty ông vẫn còn lãi khoảng hơn 5%. Nhưng nếu tăng lương để bảo đảm đời sống công nhân và giá nguyên liệu chỉ nhích thêm 5% nữa thì sản xuất huề vốn hoặc lỗ khoảng 1 - 2%.

“Những rào cản lãi suất vay cao, giá thức ăn, xăng dầu đều tăng khiến nông dân không mạo hiểm đầu tư nuôi trồng thủy sản, dẫn đến thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào, sẽ là chuyện đáng lo cho việc thực hiện những đơn hàng xuất khẩu sắp tới”. Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Thủy sản Việt Nam, lo lắng.

NGUYỄN PHÚC - THẢO VY

“Nghe rất nhiều về chính sách ưu tiên vốn của ngân hàng cho khu vực sản xuất”, song, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng bức xúc: “Khó khăn này không phải tạo ra bởi các chính sách mà là vì thực hiện không đến đâu. Và thực tế các DN thủy sản đang đứng thứ hạng bét trong tiếp cận vốn, dù chúng tôi sẵn sàng chấp nhận vay lãi cao”.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=254
Quay lên trên