Doanh nghiệp có được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với lý do dịch bệnh Covid-19?

Cập nhật: 28-03-2022 | 08:38:19

Ngay thời điểm này, những ngày cuối cùng của tháng 3-2022, rất nhiều chính sách liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã được thay đổi theo hướng sống chung với dịch, phục hồi nền kinh tế. Nhưng đâu đó cũng còn khá nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn còn gặp khó khăn và buộc phải đưa ra giải pháp chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do dịch bệnh Covid-19, điều này dẫn đến khá nhiều vụ tranh chấp lao động giữa người lao động và DN. Vậy DN có được chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do dịch bệnh Covid-19 hay không?

* Doanh nghiệp được đơn phương chấp dứt hợp đồng lao động với lý do dịch bệnh nguy hiểm

Theo quy định tại Điều 36 Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019:

Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc.

Dịch bệnh Covid-19 là một dịch bệnh nguy hiểm được Việt Nam và cả thế giới công nhận, do đó với lý do dịch bệnh Covid-19 và DN đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc thì DN được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.

Như thế nào là “đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc”?

Cần phải lưu ý rằng không phải chỉ với lý do dịch bệnh Covid-19 gây ra khó khăn thì DN có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động được mà đồng thời phải kèm theo điều kiện “đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc”.

Việc DN “đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc” có thể thể hiện qua các sự kiện hoặc hành động, tài liệu, chứng cứ như:

- Do dịch bệnh Covid-19 mà DN cạn kiệt nguyên liệu sản xuất và đã liên hệ với các đối tác hoặc các nguồn khác để tìm kiếm nguyên liệu sản xuất thay thế nhưng vẫn không tìm được, dẫn đến không thể sản xuất.

- DN đã thông báo các đối tác về lý do bất khả kháng, không thế sản xuất, làm việc, cung cấp hàng hóa để đề nghị gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng.

- DN bịhủy hàng loạt hợp đồng quan trọng vì lý do dịch bệnh Covid-19.

- Các văn bản hoặc yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu DN tạm ngừng kinh doanh để phòng, chống dịch bệnh.

- Báo cáo tài chính, báo cáo thuế, báo cáo tổng hợp chứng minh kết quả sản xuất, kinh doanh giảm sút.

- Quyết định ngừng hoạt động trong nội bộ DN.

- Các tài liệu, chứng cứ khác.

* Thực hiện đúng thời gian báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Theo Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019:

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động như sau:

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ12 tháng đến 36 tháng.

c) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng và đối với trường hợp “Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 6 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục”.

d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, dù cho DN đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc thì tùy từng trường hợp người lao động với loại hợp đồng riêng biệt mà DN phải có thời hạn báo trước đúng quy định của pháp luật. (còn tiếp)

HỘI LUẬT GIA TỈNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1248
Quay lên trên