Theo ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, với mức lãi suất cho vay và lãi suất huy động đều ở mức tương đương khoảng 20% , đến quý 3-2011, các doanh nghiệp sẽ thực sự gặp khó và chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đặt ra cũng rất khó có thể hoàn thành.
Tại buổi giao ban trực tuyến do Bộ Công Thương tổ chức ngày 6-6, Vụ trưởng Xuất nhập khẩu Phan Văn Chinh cho rằng, hàng loạt các chính sách tiền tệ thắt chặt tiền tệ của Chính phủ nhằm chống lạm phát đã gây những phản ứng phụ trong quý II, khiến nhiều thị trường cả khối sản suất và phi sản xuất trở nên trầm lắng.
“Trong ngày 6-6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố tình hình hoạt động của hệ thống ngân hàng trong tháng 5-2011. Trong đó, lãi suất cho vay của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần 19,7%/năm. Cụ thể, cho vay nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu khoảng 18,7%/năm, cho vay sản xuất kinh doanh khác khoảng 19,2%/năm.
Hiện nay lãi suất cho vay và lãi suất huy động đều ở mức tương đương khoảng 20%. Với mức lãi suất này, đến quý III doanh nghiệp sẽ thực sự gặp khó và chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đặt ra cũng rất khó có thể hoàn thành”, Vụ trưởng nhận định.
Doanh nghiệp sản xuất cầm chừng
Đại diện một số doanh nghiệp cũng thừa nhận, tình hình đang rất khó khăn khi phải trả lãi suất cao. Do đó nhiều doanh nghiệp đang có xu hướng sản xuất cầm chừng, lợi nhuận chỉ đủ trả lãi mà không có sự tăng trưởng.
Ông Lê Phú Hưng , Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam khẳng định, trong hai tháng 4 và 5 mức tiêu thụ và sản xuất thép đều giảm so với cùng kỳ năm 2010 và 6 tháng đầu năm, ngành thép có khả năng không tăng trưởng.
Bà Cao Thị Ngọc Hoa, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) cho biết, lượng gạo tồn kho của tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên hiện còn khoảng 450.000 tấn và hợp đồng phải thực hiện khoảng 300.000 tấn.
“Mức lãi suất đứng ở mức quá cao, với lượng tồn kho tương đối lớn như vậy chúng tôi đang gặp khó khăn.
Các doanh nghiệp đang rất căng thẳng trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Nếu doanh nghiệp nào may mắn vay được cũng phải chịu lãi suất cao. Sắp vào vụ hè thu nhưng đầu tư kho tàng nhà máy xay xát của doanh nghiệp giảm mạnh vì lãi suất quá cao”, bà Hoa cho biết.
Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo thành viên của Vinafood 2 khẳng định, với lãi suất cho vay trên dưới 20%/năm, cứ một 1kg gạo xuất khẩu doanh nghiệp đang chịu lỗ 200 đồng. Với những đơn vị xuất khẩu lớn, trữ 5.000-10.000 tấn gạo thì gánh nặng chi phí rõ ràng rất lớn.
Theo VTC