Doanh nghiệp cung ứng hàng hóa sẵn sàng cho mùa cao điểm

Cập nhật: 18-01-2022 | 08:46:36

Thị trường bán lẻ đã bắt đầu sôi động, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Bình Dương tăng trưởng tích cực. Các doanh nghiệp (DN) đều phấn khởi khi được tất bật chuẩn bị cho thị trường tết, chủ động thích ứng linh hoạt với các phương án an toàn dịch bệnh.

Hàng hóa đầy đủ, giá cả ổn định

Niềm vui của DN là thị trường hồi phục tích cực, tạo động lực để chuẩn bị nguồn hàng hóa đưa ra thị trường. “Đây là niềm hạnh phúc lớn của DN, không dám nghĩ trước điều gì khi Bình Dương bị ảnh hưởng dịch bệnh rất nặng nề. Dịch bệnh được kiểm soát tốt, tạo điều kiện để các hoạt động kinh tế - xã hội hồi phục nhanh, người dân yên tâm hơn sau khi trở lại cuộc sống bình thường, vui xuân, đón năm mới”, ông Võ Nhất Vũ, Giám đốc Siêu thị Big C Bình Dương, cho biết.

Người dân bắt đầu mua sắm tết tại các siêu thị trên địa bàn

heo ông Vũ, tại Siêu thị Big C Bình Dương, không khí tất bật chuẩn bị tết đang được tiến hành rất tốt, đầy khí thế. Bên cạnh đó, siêu thị cũng đang làm việc với nhà cung cấp, chia sẻ lợi nhuận để đẩy mạnh các chương trình khuyến mại. Thông qua các chương trình này, DN kỳ vọng có thể chia sẻ được với người tiêu dùng những khó khăn sau dịch bệnh, đồng thời hỗ trợ người tiêu dùng có thể mua những sản phẩm vừa với túi tiền của mình.

Đại diện các DN bán lẻ đều khẳng định đã chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm đầy đủ với giá cả tốt nhất để phục vụ khách hàng. Ông Võ Nhất Vũ cho biết năm 2022, Big C Bình Dương tăng khoảng 20% hàng hóa so với năm 2021. Riêng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần, siêu thị tăng lượng hàng hóa lên đến 110% so với thời điểm bình thường. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên xu hướng của người tiêu dùng là thắt chặt chi tiêu, vì vậy mà việc tìm mua các sản phẩm “Made in Vietnam” cũng được nhiều khách hàng lựa chọn. Theo ghi nhận, sản phẩm trong nước chiếm khoảng 90% tại các siêu thị, phù hợp với tiêu chí của phần lớn người tiêu dùng là lựa chọn mặt hàng có mẫu mã đẹp, vừa túi tiền và an toàn khi sử dụng.

Trong khi đó, ông Hoàng Long, Giám đốc Sài Gòn Co.op, khẳng định tổng giá trị lượng hàng hóa Sài Gòn Co.op đang chuẩn bị trước, trong và sau tết là khoảng 6.000 tỷ đồng, hàng hóa rất dồi dào, giá cả ổn định. “Bà con không lo hàng tăng giá vào dịp tết, mặc dù trong bối cảnh cuối năm vừa qua, thị trường cũng có tăng giá nhưng với sự điều chỉnh, chuẩn bị trước về nguồn hàng, Sài Gòn Co.op sẽ bảo đảm hàng hóa bán với giá bình ổn”, ông Long cho biết.

Đối với các DN lương thực, thực phẩm vẫn đăng ký cam kết cung ứng đủ hàng và không tăng giá vào dịp tết. Bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Ba Huân, cho hay tính đến thời điểm này, dự trữ lượng trứng của Công ty Ba Huân đạt gần 100%. Chi phí sản xuất tăng gấp đôi, dù gặp khó khăn dịch bệnh nhưng DN này đưa hàng ra thị trường vẫn không tăng giá.

Theo ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan, thời gian qua DN chế biến thực phẩm đã trải qua giai đoạn rất nhiều khó khăn. Hiện nay, vẫn tiếp tục khó khăn khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào từ trong nước đến nhập khẩu đều tăng từ 20 - 40%. Công ty Vissan chuẩn bị nguồn hàng 2.800 tấn thực phẩm tươi sống, tăng khoảng 4% so cùng kỳ, 4.200 tấn hàng thực phẩm chế biến, tăng khoảng 6% so cùng kỳ. Để bảo đảm quyền lợi cho DN, ông Phan Văn Dũng đề nghị các ngành chức năng quản lý chặt hơn những điểm bán tự phát, vừa không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa ảnh hưởng đến giá cả, thị trường.

Bảo đảm an toàn thực phẩm

Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, để sẵn sàng phục vụ mùa cao điểm dịp tết, ngành công thương đã làm việc với các DN tham gia bình ổn, DN chủ lực sản xuất chuẩn bị hàng tết với giá trị hàng hóa dự trữ khoảng 5.671 tỷ đồng. Trong đó giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 khoảng 2.077 tỷ đồng. Ngành công thương cũng yêu cầu 14 đơn vị tham gia bình ổn, các địa phương kiểm soát, giữ vững mặt bằng giá các mặt hàng thiết yếu, giảm chi phí trung gian, hạ giá thành sản phẩm của DN trên nguyên tắc không bị lỗ, bảo đảm giá cả luôn giảm từ 5 - 10% so với giá thị trường theo từng thời điểm.

Ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết ngành phối hợp cùng các DN tham gia bình ổn, các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, trứng, rau củ quả trên địa bàn tỉnh bảo đảm cung ứng đủ lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và cả năm, đồng thời, phối hợp các ngành chức năng kiểm tra về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm tươi sống, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Sở Công thương phối hợp các sở, ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động kinh doanh của các DN, hợp tác xã sản xuất, chế biến, phân phối các mặt hàng nông sản trên địa bàn; hỗ trợ, hướng dẫn mở thêm các điểm bán hàng cố định và lưu động tại các khu công nghiệp, khu đông dân cư để mở rộng thị trường tiêu thụ, đồng thời phục vụ tối đa nhu cầu của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

“Hàng hóa dự trữ để bình ổn thị trường phải bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm cân đối cung cầu đối với một số mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Kinh nghiệm cung ứng hàng hóa trong quá trình phòng, chống dịch bệnh giúp chúng tôi tự tin hơn. Ngành công thương sẽ cùng với các ngành liên quan bảo đảm chuỗi cung ứng một cách liên tục, đáp ứng nhu cầu mua sắm, không để tình trạng khan hàng, tăng giá tại địa phương, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới”.
(Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương)

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên