Doanh nghiệp da giày nỗ lực vượt khó trong thời điểm dịch bệnh Covid-19

Cập nhật: 06-03-2020 | 09:05:05

Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) da giày đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, hưởng ứng tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, các doanh nghiệp vừa nỗ lực phòng, chống dịch bệnh vừa nỗ lực tìm giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để duy trì sản lượng, năng suất, chung tay vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.


Hoạt động sản xuất tại Công ty Giày Đông Hưng (TP.Dĩ An)

Lo thiếu hụt nguồn nguyên liệu

Dịch bệnh Covid-19 đã, đang và sẽ còn tiếp tục gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội của nước ta. Không ít DN sản xuất, kinh doanh nói chung và lĩnh vực da giày nói riêng đang nỗ lực trong thời điểm dịch bệnh khi nguồn nguyên vật liệu bắt đầu khan hiếm, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Văn Lê, Phó Tổng Giám đốc Công ty Giày Đông Hưng (TP.Dĩ An) cho biết, hiện nay các nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc chiếm khoảng 30% nguyên liệu đầu vào của DN. Nếu dịch bệnh diễn ra qua thời gian của quý 1-2020 thì rất nhiều DN bị ảnh hưởng. Đối với Công ty Đông Hưng, sự ảnh hưởng này có thể không lớn khi từ năm 2012, công ty đã nỗ lực kết nối với các DN cung ứng nguyên liệu trong, ngoài nước để chủ động nguồn cung và đáp ứng đòi hỏi yêu cầu xuất xứ hàng hóa rất gắt gao từ phía đối tác lớn. Thế nên công ty không quá áp lực khi đứng trước tình trạng khan hiếm về nguyên liệu nếu dịch bệnh vẫn kéo dài. Để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc, công ty cũng đã linh hoạt kết nối tìm nguồn nguyên liệu đầu vào từ các nước ASEAN, Ấn Độ, Pakistan để không lệ thuộc vào một thị trường, tránh sự bị động trong sản xuất. Tuy nhiên, một số DN cung ứng nguyên phụ liệu trong nước của công ty do sử dụng nguyên liệu đầu vào có xuất xứ từ Trung Quốc nên hiện cũng đang đứng trước khó khăn rất lớn. Thêm vào đó một số máy móc nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn chưa thể vận hành do các chuyên gia về nước do dịch bệnh vẫn chưa thể trở lại làm việc. Song công ty vẫn tuân thủ quy định của Nhà nước về sử dụng lao động người nước ngoài trong dịch bệnh.

Bà Trương Thị Thúy Liên, Tổng Giám đốc Công ty Giày Liên Phát (Bình Dương), cho biết công ty đã ký được đơn hàng gia công đến tháng 8 năm nay. Nguyên phụ liệu cũng chuẩn bị sẵn trong vòng 2 - 3 tháng nên đến nay công ty vẫn đang nỗ lực làm chủ tình hình. Khó khăn của công ty là một số chuyên gia người Trung Quốc về quê ăn tết, hiện chưa sang Việt Nam được, gây không ít khó khăn cho công ty. Bà Liên cho biết công ty chủ yếu mua nguyên phụ liệu các loại từ Quảng Châu (Trung Quốc). Nếu dịch viêm phổi cấp chủng mới Corona vẫn kéo dài thì việc cung ứng hàng hóa, vận chuyển… sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Hiện tại, DN chưa thể nói gì trước tình hình dịch bệnh lan rộng tại các nước, nhưng phải theo dõi thường xuyên để có giải pháp kịp thời ứng phó, trong trường hợp xấu nhất là tạm ngưng sản xuất hoặc giãn sản xuất.

Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Bình Dương lạc quan cho biết, nếu dịch bệnh Covid-19 chấm dứt vào tháng 4 năm 2020 thì tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu của các DN ngành da giày - túi xách của tỉnh tạm ổn. Trong khó khăn, ngành xác định việc gì làm được thì làm ngay. Cụ thể, đối với các nguyên phụ liệu hay thiết bị sản xuất nào trong nước sản xuất được thì triển khai mua ngay để thay thế sử dụng. Ngay từ bây giờ, để bảo đảm hoạt động sản xuất lâu dài, các DN cần lên kế hoạch tìm nguồn hàng từ DN trong nước thay thế, chủ động liên hệ với các đối tác để xem xét nguyên liệu tương đương có thể thay thế kịp thời để ổn định sản xuất của DN.

Nếu các DN lớn nỗ lực chủ động ứng phó với khó khăn thì nhóm DN sản xuất chủ yếu phục vụ cho thị trường nội địa (gồm các kênh bán lẻ hiện đại và chợ truyền thống) hiện khó khăn hơn khi bị thiếu hụt nguồn nguyên phụ liệu, cả đầu ra sản phẩm vì từ khi thông tin dịch bệnh diễn ra, các cửa hàng, trung tâm mua sắm... rất vắng khách nên không bán được hàng.

Nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Nguyễn Văn Lê đề xuất với các ngành chức năng, trong thời gian tới để xử lý kịp thời những vướng mắc gây ách tắc tới hoạt động xuất nhập khẩu với các nước, các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện thuận lợi về mặt thủ tục hành chính để hàng hóa được xuất nhập nhanh chóng, thuận lợi bên cạnh biện pháp phòng, chống dịch bệnh một cách hợp lý. Ngân hàng Nhà nước cần xem xét giảm lãi suất cơ bản. Các ngân hàng thương mại cần khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay, cơ cấu lại các khoản vay đối với các DN trong các lĩnh vực bị tác động mạnh từ dịch bệnh Covid-19 . Giãn, hoãn, đề xuất miễn, giảm có thời hạn các khoản thuế và phí phải nộp của DN ở những ngành, lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng... Về thị trường cung ứng, ông Lê cho rằng không quá bi quan vì việc quan hệ, hợp tác với các đối tác các nước cũng không phải là thách thức lớn. Tuy vậy, chắc chắn rằng chi phí vận chuyển sẽ cao, ảnh hưởng đến doanh thu của DN.

Về lâu dài, các DN đề xuất Nhà nước nên tạo điều kiện hỗ trợ các DN phụ trợ ngành giày da phát triển để chủ động cung ứng nguồn cung cho các DN trong nước. Trên thực tế, hiện nay các DN sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành giày da đều là các DN có vốn FDI hoặc do người nước ngoài làm chủ. Ngoài ra, ngành da giày vẫn còn nhiều điểm yếu, khó khăn là DN Việt có quy mô nhỏ, thiếu vốn, thiếu trang thiết bị kỹ thuật, thiếu cả bộ phận thiết kế mẫu mã. DN trong nước chủ yếu làm hàng gia công, rất khó chủ động trong mở rộng thị trường, tham gia chuỗi cung ứng thế giới… Các ngành, địa phương cần có chính sách tạo điều kiện thuận lợi để DN da giày vươn lên về công nghệ, tham gia vào chuỗi cung ứng….

Tại buổi làm việc với các DN da giày, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương bày tỏ sự chia sẻ khó khăn về nguồn cung nguyên phụ liệu với các DN sản xuất nói chung, ngành da giày nói riêng. Bà Nguyễn Thanh Hà nhấn mạnh, để hạn chế những tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, các DN cần trao đổi với khách hàng, tập trung khai thác nguồn nguyên liệu, phụ liệu trong nước hoặc từ các nước khác để tránh việc quá lệ thuộc vào một hay vài thị trường, bảo đảm duy trì sản xuất, kinh doanh, ổn định tinh thần và đời sống của người lao động. Trong khó khăn, các DN trong cùng ngành nghề cần phải đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ nhau, chia sẻ nguồn cung nguyên phụ liệu để cùng phát triển.

 Tạo điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trước mắt còn nhiều khó khăn, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các giải pháp đã đề ra nhằm bảo đảm đạt được mục tiêu kép: Vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ thấu hiểu khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nhất là trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang lan rộng tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có những quốc gia là thị trường xuất, nhập khẩu truyền thống và trọng điểm của Việt Nam.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương tiếp thu ý kiến tại cuộc họp để hoàn thiện, trình Thủ tướng ban hành chỉ thị về các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh. Trong đó, bên cạnh các giải pháp bảo đảm cung - cầu nguyên liệu sản xuất, tăng cường tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới thì việc xem xét, hỗ trợ người dân, DN tìm kiếm nguồn vốn, thực hiện các chính sách giãn, hoãn, giảm, khoanh… nợ thuế là cần thiết.

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1374
Quay lên trên