Doanh nghiệp da giày Việt Nam: Chóng mặt tìm lối thoát

Cập nhật: 05-01-2010 | 00:00:00

Đã ba năm qua, EU áp thuế mức 10% đối với mặt hàng giày da của Việt Nam, đồng thời quyết định loại bỏ ngành giày da Việt Nam khỏi diện được hưởng quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (giai đoạn 2009-2011) đã gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp (DN). Như đổ thêm dầu vào lửa, mới đây, EU lại tiếp tục gia hạn mức thuế 10% với giày da Việt Nam trong vòng 15 tháng nữa, bắt đầu từ 3-1-2010. Trong cơn bĩ cực, các DN ngành giày da Việt Nam đã phải xoay xở đủ bề để duy trì hoạt động và giữ chân lao động...

Thu hẹp sản xuất

Tại cuộc tiếp xúc với Hội Da giày TP.HCM đối với các DN ở Bình Dương (sau khi EU có thông báo về việc gia hạn mức thuế 10% trong 15 tháng nữa), ông Khương Mạnh Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tân Thành (KCN Sóng Thần 2), cho biết 3 năm qua, DN chỉ sản xuất cầm chừng, mong hòa vốn là đạt kế hoạch. Công ty Tân Thành chuyên sản xuất giày mũ da dành cho nữ, xuất khẩu sang thị trường EU nên những khó khăn do Ủy ban châu Âu (EC) gây ra đã làm cho DN này phải hứng trọn. 3 năm qua, Công ty TNHH Tân Thành rất chật vật khi phải chịu khoản thuế 10%. Ông Tân tâm sự, để có thể vượt qua được khó khăn và duy trì đến ngày hôm nay, Tân Thành phải thương thuyết với đối tác để chia sẻ bớt khó khăn. Số lượng đơn hàng của Tân Thành trong thời gian qua giảm đáng kể, nhưng công ty vẫn cố bám trụ để chờ đợi. Công ty phải chấp nhận lãi ít, kéo dài thời gian khấu hao, nếu không làm thế thì khó bề giữ được lao động.

Cũng theo ông Tân, nếu công nhân bỏ đi trong thời điểm này là rất nguy hiểm, bởi khi mức thuế 10% được dỡ bỏ, DN khó mà tuyển được lao động lành nghề. Hiện Công ty Tân Thành có khoảng 1.600 công nhân (CN)  còn thiếu khoảng 200 CN nhưng không thể tuyển được. Đối với các DN tuyển hàng loạt CN có tay nghề thì còn khó hơn. Do đó, DN vẫn phải thắt lưng buột bụng để giữ chân CN, đồng thời giữ những khách hàng truyền thống. Ông Tân tin tưởng rằng, EC không thể cứ kéo dài thời gian áp thuế chống bán phá giá với Việt Nam mãi được. Đối với Tân Thành, do đã từng hoạt động được 10 năm, nên các chi phí khấu hao không còn nặng như những DN mới thành lập.

Không kém phần khó khăn như Tân Thành, bà Trương Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Giày Liên Phát (KCN Bình Đường, Dĩ An), cho biết DN giày da hứng chịu ảnh hưởng của việc EC áp thuế trong 3 năm qua và đã quá mệt mỏi. Hiện nay, EC còn kéo dài thêm 15 tháng có thể khiến không ít DN đuối sức và có khả năng phá sản. Bà Liên cho biết thêm, trong 5 tháng đầu năm 2009, Công ty Liên Phát không hề có đơn hàng nào. Nhưng bắt đầu từ tháng 6-2009 trở lại đây, công ty mới có một số đối tác đặt hàng nhưng chúng tôi cũng không dám ký nhiều hợp đồng vì thiếu lao động. Cho đến thời điểm này, Công ty Liên Phát đã mất khoảng 500 lao động vì không đủ chi phí để giữ chân CN. Chính vì thế mà doanh thu của công ty trong năm 2009 giảm khoảng 40% so với năm ngoái.

Chóng mặt tìm lối thoát

Ngoài việc thu hẹp sản xuất - kinh doanh, các DN giày da cũng phải đau đầu để nghĩ thêm các cách khác nhằm đủ sức duy trì và giữ chân lao động. Với Công ty TNHH Liên Phát, trước đây sản xuất - kinh doanh có lợi nhuận thì DN đã tập trung đầu tư thêm vào trung tâm nguyên phụ liệu dệt may da giày ở xã Tân Bình, Dĩ An. Tuy nhiên, sau khi trung tâm này phá sản đã phải chuyển đổi công năng. Hiện nay, trung tâm này đã được cho thuê mặt bằng để lấy kinh phí trang trải cho cả hoạt động sản xuất của Công ty Giày Liên Phát. Trong lúc khó khăn như thế, lao động lại thiếu nên Liên Phát đang tính đến bước di dời nhà máy về địa phương khác và thu hẹp sản xuất ở Bình Dương.

Còn Công ty TNHH Tân Thành thì phải chọn giải pháp an toàn để chờ bình minh sáng. Công ty này đã thu hẹp sản xuất, dành diện tích kho, xưởng để cho thuê lấy kinh phí duy trì sản xuất và giữ chân công nhân. Bởi, diện tích cho thuê kho không chỉ dành cho ngành giày da mà còn có thể nhiều lĩnh vực khác cũng cần đến. Nhờ có sự năng động đó mà việc EC áp thuế trong thời gian qua cũng đã không thể “khai tử” được Tân Thành. Trước đây, sản xuất da giày nữ là ngành nghề chính của DN này nhưng hiện nay, công suất sản xuất của nhà máy chỉ chiếm 30% trong tổng đầu tư của công ty. Kể từ năm 2006 cho đến nay, mỗi năm Tân Thành giảm khoảng 25% về khối lượng xuất khẩu. Bên cạnh đó, để đối phó với EC, các DN giày da cũng phải thay đổi thị trường. “Thay vì xuất khẩu sang EU, DN có thể đổi sang thị trường Nhật hoặc Mỹ để tiếp tục hoạt động. Nếu vẫn cứ bám vào EU, DN sẽ đối mặt với việc sụt giảm đơn hàng một cách chóng mặt”, bà Liên nói.

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam vào thị trường EU trong thời gian qua đã giảm sút rất lớn. Cụ thể, những năm bị áp thuế chống bán phá giá, kim ngạch của lĩnh vực này xuất khẩu vào EU trung bình giảm trên 20%/năm. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2009, tổng kim ngạch giày dép xuất khẩu đã giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2008. Kéo theo đó là khoảng 650.000 lao động trong ngành này (chủ yếu là nữ) cũng phải chịu ảnh hưởng. Còn ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng Thư ký Hội Da giày TP.HCM cho rằng, từ khi EU áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm giày mũ da của Việt Nam, ngành công nghiệp này bị thiệt hại hơn 200 triệu USD.

TRUNG ĐỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=360
Quay lên trên