Sau kỳ nghỉ tết dài ngày, người lao động (NLĐ) đổ về các nhà máy, xí nghiệp trong các khu công nghiệp (KCN) xin việc nhiều hơn. Tuy nhiên, những doanh nghiệp (DN) cần số đông lao động từ vài trăm đến 1.000 lao động đang lo lắng bởi số lượng mà họ tuyển dụng trong những ngày qua rất ít. Lãnh đạo ngành dệt may Bình Dương cho biết hoạt động sản xuất của ngành đang có dấu hiệu phục hồi tốt nhưng cũng đang có nỗi lo về thiếu nhân lực.
NLĐ cần tìm hiểu thông tin tuyển dụng
Ghi nhận của P.V vào sáng 3-2 tại các tuyến đường trong các KCN như Đại Đăng, Sóng Thần 3, Mỹ Phước 2... NLĐ đổ về các nhà máy, xí nghiệp để xin việc hiều hơn. Dù đến gần 11 giờ trưa nhưng những dòng người đi xe gắn máy, mang theo hồ sơ “gõ cửa” các DN để xin việc vẫn còn. Tại Công ty Apro (KCN Đại Đăng, TP.Thủ Dầu Một), Nguyễn Duy Bảo Phương (quê tỉnh An Giang) cùng nhóm bạn đang chờ gửi hồ sơ vào công ty, cho biết: “Trước tết em làm việc tự do ở TP.Hồ Chí Minh, nay theo bạn về Bình Dương tìm việc làm. Làm việc ở công ty tiền lương tuy ít hơn đôi chút nhưng ổn định”.
Các đơn vị cung ứng lao động lập chốt tuyển lao động tại KCN Đại Đăng
Nhu cầu tuyển dụng việc làm càng sôi động hơn khi không ít công ty đưa nhân viên, đặt bàn ghế ra tận cổng để làm nơi tiếp nhận hồ sơ. Trong khi đó, các công ty cung ứng việc làm đưa nhân viên “lập chốt” tại các ngã ba đường trong các KCN để đón NLĐ. Chia sẻ với P.V, anh L.V.X., nhân viên Công ty Cung ứng lao động Đông Á, chia sẻ: “So với những ngày sau tết thì nay số lao động ở các tỉnh miền Tây Nam bộ đổ về xin việc nhiều hơn. Lao động ở các tỉnh phía Bắc còn ít, chắc do kẹt tàu xe nên chưa vào được. Những công ty hợp đồng tuyển dụng với chúng tôi chủ yếu vẫn là ngành may, gỗ, cơ khí. Tôi có cảm nhận năm nay số người đi xin việc không nhiều bằng mọi năm”.
Một điều đáng quan tâm là DN treo biển tuyển dụng lao động khá lớn, các công ty cung ứng lao động tích cực tuyển người nhưng NLĐ loay hoay tìm việc cũng không ít. Tại một công ty sản xuất bao bì ở KCN Đại Đăng, mẹ con chị Nguyễn Thị Thu, quê tỉnh Sóc Trăng cố gắng giải bày tại cổng bảo vệ để xin vào làm việc, nhiều người khác cũng có mong muốn này. Tuy nhiên, đối diện bên kia đường là Công ty Cổ phần Công nghiệp DSVK đang treo biển tuyển dụng 500 lao động lại không có ai đến gửi hồ sơ. Qua tìm hiểu thì chị Thu cho biết do Công ty Cổ phần Công nghiệp DSVK chỉ treo biển tuyển dụng chung chung, không đưa ra mức lương, phụ cấp và các chế độ rõ ràng nên mẹ con chị không dám gửi hồ sơ.
Qua một vài trao đổi trên cho thấy, một số lao động cần việc với sở thích nhưng đang “mù” thông tin tuyển dụng, mặc dù các cấp công đoàn, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tích cực đăng tải rất nhiều thông tin tuyển dụng trên website, Zalo... có cả tên DN, số người cần tuyển, số điện thoại liên hệ. Ở chiều ngược lại, thiết nghĩ khi tuyển dụng trực tiếp tại DN, phía DN cần công bố mức lương, phụ cấp, chế độ rõ ràng hơn; như thế NLĐ sẽ yên tâm gửi hồ sơ, chọn việc.
Ngành dệt may lo thiếu lao động
Bước vào những ngày đầu năm 2023, không ít DN ngành dệt may, gỗ, giày da, cơ khí trên địa bàn tỉnh đăng tải tuyển dụng lao động số lượng lớn. Đặc biệt, rất nhiều DN may cần tuyển từ 500 - 1.000 lao động nhưng chưa tìm được người. Điển hình như Công ty Pungkoos Sài Gòn II (TP.Dĩ An) đăng tuyển dụng 700 lao động từ trước tết nhưng đến nay vẫn chưa tuyển được bao nhiêu. DN này đang ráo riết tuyển gần 600 công nhân để đáp ứng nhu cầu sản xuất, xuất khẩu. Tương tự, Công ty TNHH Esprinta (TP.Dĩ An) cũng đăng tải tuyển dụng 500 lao động từ trước tết và hiện nay số lượng cần tuyển đã tăng lên đến 800 người. Tuy nhiên, theo bà Lưu Trịnh Uyển, cán bộ nhân sự công ty, cho biết: “Do trước tết NLĐ tập trung về quê đón tết, chưa chủ động đi xin việc. Một tuần sau tết, công ty mới tuyển được hơn 70 lao động, chưa bằng 1/10 số cần tuyển. Công ty chúng tôi tiếp tục đăng tải tuyển dụng lao động cũng như phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm, các công ty cung ứng để tuyển được người, nếu không việc sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn.
Trao đổi với P.V, bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, cho biết: “Rất vui khi vừa bước sang năm mới, hầu hết các DN ngành dệt may trên địa bàn đều thông báo có đơn hàng sản xuất từ 3 - 6 tháng. Với đà phát triển này, ngành dệt may hy vọng 6 tháng cuối năm sẽ có đơn hàng ổn định hơn, nhưng đi cùng với đó là nỗi lo. Nếu trước tết DN nào giữ chân được lao động lúc thị trường gặp khó thì nay khá ổn định. Một số DN mở rộng sản xuất, hay bị thất thoát lao động, nay cần tuyển lao động thì khá khó khăn. Bởi khi công việc không ổn định, NLĐ đã tìm công việc mới; một số lao động dạt về các tỉnh, thành chứ không còn tập trung ở Bình Dương nhiều như trước”.
Cùng với đó, ngành da giày Bình Dương cũng có nỗi lo chung về lao động. Bà Trương Thị Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương, chia sẻ: “Ngành da giày đang gặp khó khăn về đơn hàng, xuất khẩu, chưa có tín hiệu vui. Nhiều DN vẫn đang nỗ lực làm việc cầm chừng để giữ chân NLĐ. Đây cũng là vấn đề nan giải, bởi hầu hết các DN đang khó khăn, không thu được lợi nhuận. Nếu không tiếp tục giữ chân NLĐ, một vài tháng nữa khi thị trường phục hồi thì không biết lấy đâu ra lao động để sản xuất. Tôi cũng biết không ít lao động ngành da giày đã chuyển sang tìm việc mới tại các ngành, nghề khác”.
Hiện tại, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, cũng như phối hợp với các sở, ngành liên quan nắm bắt, điều tiết, tuyển dụng lao động một cách hợp lý để ổn định sản xuất, thúc đẩy kinh tế phát triển
QUANG TÁM