Doanh nghiệp đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ: Tìm lại thị trường nội địa

Cập nhật: 26-12-2009 | 00:00:00

Khách hàng tham quan sản phẩm gỗ tại hội chợ đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ Bình Dương 2009.

Thị trường nội địa (TTNĐ) đang được các doanh nghiệp (DN) chế biến đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ (TCMN) Bình Dương quan tâm phát triển sau nhiều năm chủ yếu chỉ tính đến chuyện xuất khẩu. Hội chợ đồ gỗ và TCMN Bình Dương 2009 và các cuộc hội thảo diễn ra song song từ ngày 25 đến 27-12 tới tại Dĩ An là một minh chứng cho nỗ lực này.

V-Home: Sự trở về “sân nhà” của các DN gỗ

Ông Võ Trường Thành, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), cho biết hiện kênh phân phối ngành hàng đồ gỗ trong nước còn rất yếu. Vì thế, để tìm lại và phát triển TTNĐ thì các DN phải tính đến một kênh phân phối thật tốt. Để chuẩn bị cho một chiến lược phát triển TTNĐ đối với sản phẩm đồ gỗ, Tập đoàn U&I cũng đã có kế hoạch cho ra đời một chuỗi V-Home ở Bình Dương, TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và miền Tây. V-Home, cái tên mới nghe thì thấy “ngoại” nhưng ngẫm nghĩ thì lại rất “nội” và rất gần gũi. Có thể hiểu V-Home là sự trở về với người Việt hoặc cũng có thể hiểu là ngôi nhà chung của người Việt...

Sự ra đời của V-Home Dĩ An nhân sự kiện diễn ra hội chợ đồ gỗ và TCMN Bình Dương 2009 như là một minh chứng cho sự kết nối giữa nhà sản xuất, nhà phân phối để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng. V-Home sẽ lựa chọn những DN chế biến đồ gỗ và TCMN để trưng bày các sản phẩm, trước mắt là các DN trong tỉnh và sau đó là dành cho các DN ngoài tỉnh và phải là những DN có sản phẩm đạt chất lượng cao. Đây là kênh phân phối mới cho ngành đồ gỗ và TCMN phục vụ tiêu dùng nội địa, vừa tạo đầu ra cho nhà sản xuất, vừa tạo thuận lợi cho người tiêu dùng tìm hiểu, lựa chọn những sản phẩm phù hợp và đạt yêu cầu.

Tại hội chợ lần này, V-Home là nơi trưng bày các sản phẩm đồ nội thất, đồ dùng cho căn hộ, phòng khách sạn, đồ dùng theo mùa và các nội thất đơn lẻ, đồ gỗ cổ và giả cổ, các loại đồ dùng trong phòng ăn, phòng ngủ và các sản phẩm mây, tre, lá, gốm sứ... Với chủ đề phát triển TTNĐ diễn ra trong thời điểm cả nước đang tiến hành cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” thì V-Home lại càng có ý nghĩa. Ban tổ chức hội chợ ước tính sẽ có hàng chục ngàn người đến tham quan hội chợ cũng như các nhà đầu tư sẽ có những hợp đồng được ký kết từ đây. Với không khí đó, hy vọng các DN sẽ quay lại TTNĐ thành công với một chất lượng và khí thế mới, góp phần tạo ưu thế cạnh tranh ngay trên sân nhà.

Quy hoạch hạ tầng phát triển TTNĐ

Bà Nguyễn Thị Điền, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết tỉnh Bình Dương đã và đang tiếp tục quy hoạch về cơ sở hạ tầng để phát triển TTNĐ dọc theo tuyến quốc lộ 13. Nơi đây sẽ là chuỗi cửa hàng cho các mặt hàng có thế mạnh của Bình Dương như đồ gỗ, TCMN, gốm sứ, sơn mài... Bên cạnh đó, trên dọc quốc lộ 1K đi qua huyện Dĩ An trong tương lai cũng sẽ hình thành những siêu thị quy mô và chuyên ngành hơn. Về chiến lược phát triển ngành chế biến đồ gỗ, thì Tập đoàn U&I đã đi tiên phong để hình thành hệ thống V-Home, không chỉ ở Dĩ An mà còn phát triển ra các trung tâm lớn khác của cả nước. Việc phối hợp giữa nhà sản xuất và phân phối như thế này sẽ góp phần giảm bớt được các chi phí phát sinh không cần thiết để sản phẩm có được giá thành rẻ hơn mà sản phẩm vẫn đạt chất lượng.

Hiện nay, nhiều mặt hàng nước ngoài tràn vào thị trường Việt Nam với giá rất rẻ và mẫu mã cũng rất bắt mắt, vì thế nếu chúng ta không hành động thì sẽ thất bại ngay trên “sân nhà”. “Chúng tôi cũng đã nỗ lực hết sức để cho ra đời hội chợ triển lãm đồ gỗ và TCMN vào dịp cuối năm, tạo cơ hội cho DN trong nước tìm lại và phát triển bền vững hơn trong TTNĐ. Dù chỉ trong một thời gian rất ngắn nhưng trung tâm xúc tiến thương mại của tỉnh, hiệp hội đồ gỗ và các DN cũng rất nỗ lực hợp tác để hoàn thành chương trình đúng kế hoạch”, bà Điền nói.

TRUNG ĐỒNG

Vụ trưởng phụ trách Văn phòng phía Nam - Bộ Công Thương Phan Thế Hào: “Hội chợ đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ Bình Dương 2009 là một hoạt động xúc tiến thương mại có ý nghĩa...”

Năm 2009 là một năm vô cùng khó khăn đối với các DN xuất khẩu trong nước, trong đó có DN ngành chế biến gỗ. Trước tình hình này, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ nhất định để góp phần cùng DN vượt qua khó khăn. Việc khai trương siêu thị V-Home và triển lãm hội chợ đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ Bình Dương 2009 là một hoạt động xúc tiến thương mại có ý nghĩa quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đây còn là dịp để các DN cùng trao đổi về chiến lược phát triển thị trường nội địa, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đi cùng với hội chợ là các hội thảo bàn về xúc tiến thương mại sản phẩm đồ gỗ và giải pháp thu hút nguồn nhân lực ngành gỗ. Đây là vấn đề rất quan trọng để có hướng lựa chọn và đào tạo lao động, từng bước nâng cao tay nghề có kỹ thuật cao để tạo sản phẩm có giá trị cạnh tranh cao, không chỉ đối với thị trường nội địa mà cả thị trường quốc tế. Hoạt động này càng có ý nghĩa quan trọng hơn trong bối cảnh thực hiện chương trình “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” đang được phát động rộng rãi trong cả nước.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=437
Quay lên trên