Công nghiệp phục hồi, xuất khẩu trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Bình Dương năm 2024, song để giữ vững, mở rộng thị phần ở những thị trường lớn trên chặng đường phát triển mới đòi hỏi doanh nghiệp phải coi chuyển đổi công nghệ, môi trường sản xuất là động lực, là cơ hội để hoàn thiện, nâng tầm chất lượng sản phẩm.
Hoạt động sản xuất tại Công ty May Panko Vina (Khu công nghiệp Mỹ Phước II)
Không ngừng xanh hóa chuỗi sản xuất
Theo ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc Công ty Cơ khí ván ép Nhật Nam (TP.Bến Cát), hiện nay công ty đã có đơn hàng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái nhưng cũng đang đối mặt với không ít thách thức khi xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Hoa Kỳ. Công ty đang kiên định mục tiêu xanh hóa chuỗi sản xuất, quản trị chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhận diện và phòng ngừa tốt rủi ro, không để xảy ra bất kỳ tình huống bất ngờ nào ảnh hướng đến sự phát triển của công ty.
“Ngoài việc bị ràng buộc bởi các quy định của pháp luật và khách hàng, chúng tôi nhận thức rõ sự cần thiết và trách nhiệm của sự phát triển bền vững, xem đây như là điều kiện “sống còn” để giành được lợi thế cạnh tranh trong thời gian tới. Trong giai đoạn hiện nay, nếu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu thì doanh nghiệp (DN) Việt Nam có thể có vị thế mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu về ngành gỗ. DN ngành gỗ đang đón nhận những tín hiệu mới từ thị trường Hoa Kỳ nhưng cũng phải đề phòng các rủi ro về phòng vệ thương mại liên quan đến xuất xứ hàng hóa”, ông Nguyễn Minh Nhật nói.
Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, cho biết các DN hiện nay phải vừa làm vừa cập nhật thông tin thị trường xuất khẩu, các biến động, xu hướng mới để giảm thiểu rủi ro. Việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất ngắn hạn sẽ giúp DN bám sát thị trường, giảm tối đa lượng hàng hóa tồn kho. Các DN thành viên Hiệp hội Dệt may đều biết rõ muốn hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định phải có sự chuẩn bị dài hơi, chuẩn bị nguồn nguyên phụ liệu để có thể tập trung tăng công suất ngay, đón đầu và đáp ứng các đơn hàng lớn hơn. Hiện nay, đơn hàng của các DN dệt may Bình Dương khá dồi dào, nhiều DN có đơn hàng đến hết quý I-2025 nhưng các đơn hàng này được ký trong năm 2024. DN phải chuẩn bị tốt để bảo đảm năng lực sản xuất ổn định, dự lường những diễn biến bất lợi của thị trường xuất khẩu trong năm 2025. Đặc biệt, DN phải thực hiện chuyển đổi xanh, nếu không trong khoảng 3-5 năm nữa, sản phẩm của DN rất khó xuất khẩu vào những thị trường lớn như Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ.
Trong giai đoạn phát triển mới, DN phải chứng minh được năng lực sản xuất bằng việc đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị hiện đại, tuyển dụng đội ngũ lao động có tay nghề cao. Không chỉ vậy, các DN sản xuất phải bảo đảm phù hợp với các tiêu chuẩn sản xuất xanh mà nhiều thị trường đang yêu cầu. Bà Nguyễn Ngọc Anh, Trưởng bộ phận hành chính nhân sự Công ty Pungcook Sài Gòn 3 (TP. Thuận An), cho biết hiện nay đơn hàng của công ty tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Công ty đang tuyển dụng trên 2.000 công nhân lao động để đáp ứng kịp thời đơn hàng cho khách hàng. “Kinh nghiệm của chúng tôi là chuyển đổi xanh, phát triển hệ sinh thái tuần hoàn, gắn sản xuất với các nguyên liệu tái chế để đáp ứng tiêu chuẩn của các đối tác lớn”, bà Nguyễn Ngọc Anh cho hay.
Cần sự nỗ lực chung
Ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương, cho rằng để xuất khẩu ổn định, bền vững đòi hỏi DN phải đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm. Do đó, việc duy trì, nâng cao chất lượng, tuân thủ nghiêm quy định về chất lượng, truy xuất nguồn gốc... đòi hỏi DN phải chú trọng hơn. Các DN cần tiếp tục đầu tư cho công nghệ bảo quản, kho bãi, vận tải theo hướng xanh hóa. Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ DN phát huy hết tiềm năng cũng như tận dụng mọi cơ hội để tăng trưởng, các cơ quan quản lý cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kênh phân phối hiện đại, sàn thương mại điện tử; tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển thương hiệu; đồng thời tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến giao thương, xuất nhập khẩu...
Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, DN chủ động thích ứng phát triển xanh và bền vững sẽ tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển trong bối cảnh Việt Nam đang thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh, mở ra cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu. Ngành công thương đang tích cực kết nối tìm kiếm khách hàng quốc tế, khai thác mạnh thị trường sản phẩm xanh, qua đó các hàng hóa thế mạnh của địa phương sẽ tìm được đường đến những thị trường cao cấp, hoàn thiện những khâu trong chuỗi cung ứng sản phẩm.
Điều đáng mừng, hiện nay nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng thích ứng với xu thế phát triển bền vững, áp dụng các tiêu chuẩn quản lý hiện đại và công nghệ tiên tiến. Sự đổi mới, sáng tạo trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ cũng giúp các DN cạnh tranh tốt hơn, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và dịch vụ của mình.
TIỂU MY - CẨM TÚ