Doanh nghiệp FDI tăng vốn: Thước đo của sự hài lòng

Cập nhật: 19-08-2013 | 00:00:00

Đối với nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi đầu tư vào sản xuất thường phân kỳ giai đoạn, hoặc đầu thư thăm dò; nếu môi trường thuận lợi và hiệu quả thì doanh nghiệp (DN) tăng vốn để mở rộng sản xuất. Trong nguồn vốn FDI vào Bình Dương, hàng năm nguồn vốn tăng thêm chiếm khá cao. Dưới góc nhìn của cơ quan chức năng, nguồn vốn tăng thêm là vô cùng quan trọng vì điều này cho thấy mức độ hài lòng của DN.

 Qua thời gian đầu tư vào Bình Dương, nhiều DN đạt hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chính môi trường đầu tư thuận lợi, nhiều DN yên tâm đầu tư lâu dài. Với Công ty TNHH Giấy Kraft Vina (KCN Mỹ Phước 3, huyện Bến Cát) là minh chứng thuyết phục cho điều này. Tháng 1-2010, Công ty TNHH Giấy Kraft Vina, liên doanh giữa Tập đoàn SCG Paper của Thái Lan (70%) và Rengo, nhà sản xuất giấy và bao bì Nhật Bản (30%) đưa nhà máy đi vào hoạt động. Nhà máy được đầu tư 180 triệu USD với công suất sản xuất 225.000 tấn/năm. Sau hơn 30 tháng đi vào hoạt động, nhà máy đạt hiệu quả sản xuất, kinh doanh rất cao và hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thuận lợi hơn nữa, sản phẩm của công ty tiêu thụ 97% tại thị trường Việt Nam và 3% còn lại xuất khẩu sang Nhật Bản; trong khi đó tỷ lệ này của Tập đoàn SCG Paper tại Thái Lan là 50-50. Trước những thuận lợi khi đầu tư vào Bình Dương, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh mới đây, ông Chalokeporn Phalajivin, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giấy Kraft Vina cho biết, để đáp ứng nhu cầu thị trường công ty đã xây dựng kế hoạch nâng công xuất sản xuất lên 250.000 tấn/năm với dây chuyền sản xuất mới có tổng vốn đầu tư 150 triệu USD.  

Sản xuất găng tay xuất khẩu tại Công ty TNHH Showa Gloves Việt Nam, doanh nghiệp vừa tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất

Cũng như Công ty TNHH Giấy Kraft Vina, Công ty Cổ phần Maruichi Sun Steel (Nhật Bản) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thép tại Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An từ năm 1996 với nhà máy được xây dựng trên diện tích 30 ha, công suất 2,25 triệu tấn/năm. Sau thời gian hoạt động hiệu quả, năm 2012 công ty tăng vốn thêm 120 triệu USD xây dựng nhà máy mới để mở rộng thêm 2 dây chuyền mạ kẽm và mạ màu nhằm đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước. Ông Nishino Tetsuya, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Maruichi Sun Steel cho rằng, Bình Dương đã tạo điều kiện tốt để DN hoạt động hiệu quả. Công ty quyết định tăng vốn từ 300 triệu USD lên 420 triệu USD, hiện tại quá trình xây dựng nhà máy mới đã hoàn thành và dự kiến sẽ hoạt động từ tháng 12-2013.

Công ty TNHH Sài Gòn Stec (vốn Nhật Bản, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghệ cao tại Bình Dương) đã tăng vốn thêm 175 triệu USD để mở rộng sản xuất. Trước đó công ty này đã hoạt động ổn định trong sản xuất bản mạch điện tử, camera với vốn đầu tư 340 triệu USD. Việc tăng vốn sẽ giúp công ty tăng thêm năng lực sản xuất lên 225 triệu sản phẩm/năm. Lãnh đạo Công ty TNHH Sài Gòn Stec cho biết, quá trình hoạt động tại Bình Dương, bên cạnh vấn đề cơ sơ hạ tầng đồng bộ và thuận lợi, sự quan tâm hỗ trợ tích cực của tỉnh trong thời gian qua đã tạo niềm tin để DN quyết định tăng vốn.

Nói về lý do tăng vốn, nhiều DN cho biết rất tin tưởng vào môi trường đầu tư của Bình Dương. Về phía địa phương, trong công tác tiếp thị mời gọi đầu tư, Bình Dương luôn đánh giá cao nguồn lực FDI, là nguồn đầu tư khá mạnh và ổn định. Đồng thời Bình Dương luôn xem những DN đã đầu tư tại tỉnh nhà là người bạn thâm niên và thông qua các nhà đầu tư này, họ gần gũi, am hiểu môi trường kinh doanh để từ đó giới thiệu, giúp mời gọi những nhà đầu tư tiềm năng ở các nước, mời những người bạn của họ đến đầu tư tại Bình Dương.

Môi trường đầu tư tốt, tạo sự hài lòng và DN quyết định tăng vốn là lẽ đương nhiên. Nói như ông Mitsuhiro Mori, nguyên Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh trong lần làm việc tại Bình Dương: “Việt Nam là một quốc gia được DN nước ngoài quan tâm, chúng tôi tin tưởng rằng trong tương lai sẽ còn gia tăng đầu tư nhiều hơn nữa. Đối với DN, đầu tư vào một nơi nào đó thì cân nhắc rất kỹ, nhưng một khi đã chọn rồi thì chúng tôi quyết định đầu tư lâu dài và sẽ mở rộng thêm. Chúng tôi mong muốn trong tương lai, các địa phương không chỉ kêu gọi các nhà đầu tư mới mà còn tạo điều kiện cho các nhà DN đã đầu tư có cơ hội phát triển, mở rộng và bám trụ lâu dài, có vậy DN mới an tâm tăng vốn”.

Năm 2010 thu hút FDI của tỉnh đạt 1,05 tỷ USD; trong đó DN tăng vốn thêm 536 triệu USD. Năm 2011 thu hút FDI đạt hơn 900 triệu USD; trong đó DN tăng vốn thêm gần 490 triệu USD. Năm 2012 thu hút FDI đạt 2,6 tỷ USD; trong đó DN tăng vốn hơn 1 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2013, thu hút FDI đạt 925 triệu USD; trong đó DN tăng vốn thêm 331,5 triệu USD. Tính chung từ năm 2010 đến nay, vốn đầu tư tăng thêm chiếm hơn 43% tổng nguồn vốn FDI đã đầu tư vào Bình Dương.

V.GIANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên