Doanh nghiệp hướng đến sản xuất sạch

Cập nhật: 14-10-2020 | 10:45:13

Hưởng ứng chủ trương phát triển bền vững, giảm chi phí đầu vào, giá thành sản xuất, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã và đang chủ động cải tiến trang thiết bị, sử dụng nguyên vật liệu, nhân lực theo hướng tiết kiệm.


Sản xuất tại Công ty DS VINA (KCN KSB), huyện Bắc Tân Uyên

Thay đổi công nghệ

Với sự tiến bộ của kỹ thuật sản xuất chính xác CNC, kết hợp các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, robot... công nghệ chế biến gỗ đang phát triển đáng ngạc nhiên, mang lại cho DN gỗ rất nhiều cơ hội cải tiến chất lượng, kiểm soát tốt tiến độ, giảm sự lệ thuộc vào lao động, bùng nổ sản xuất… Nếu định hướng phát triển tốt, hoạch định đầu tư hiệu quả, DN gỗ trên địa bàn sẽ khai thác được các giá trị công nghệ mang lại, hướng đến phát triển bền vững.

Theo ông Lê Phước Vân, chuyên gia của dự án DN phát triển bền vững khẳng định trong xu hướng phát triển như hiện nay, các DN gỗ cần phải tìm giải pháp để phát triển bền vững. Thời gian qua, để tìm lợi nhuận, các DN thường tập trung vào việc tìm kiếm đơn hàng để tăng doanh thu mà quên tập trung quản lý sản xuất. Trong xu thế hiện nay, ngành gỗ tiếp tục có những hành động quyết liệt nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, có đổi mới dây chuyền và công nghệ để tiết kiệm nhiên liệu, hợp tác phát triển rừng, chủ động nguồn nguyên liệu gắn với bảo vệ môi trường.

Ông Lê Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty Phát triển công nghiệp KSB (KCN KSB), cho rằng hiện nay thu hút đầu tư các dự án vào KCN phải có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Những dự án ô nhiễm, có nguy cơ gây ô nhiễm cao đều bị từ chối. Hiện các DN hoạt động lâu năm trong KCN chú trọng đổi mới dây chuyền, công nghệ sản xuất nhằm hạn chế tác động môi trường nước, không khí. KCN cũng ưu tiên thu hút phát triển công nghiệp phụ trợ, DN sử dụng công nghệ cao, có lịch sử chấp hành tốt quy định về môi trường.

Theo lãnh đạo Công ty DS VINA (KCN KSB), sản phẩm chủ yếu của công ty là sợi dẻo dùng trong ngành dệt may. Để thực hiện chiến lược phát triển lâu dài, công ty chú trọng đầu tư công nghệ tiên tiến song song với việc bảo đảm kỹ thuật về môi trường, nhằm phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của khách hàng đặt ra.

Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền

Là đơn vị kinh doanh hạ tầng công nghiệp, ông Lê Hoài Nam cho biết: “Công ty Phát triển công nghiệp KSB đang nỗ lực rất lớn để phát huy sức mạnh nội tại, đem đến những lợi ích, tiện nghi để nhà đầu tư yên tâm sản xuất với mục tiêu xây dựng KCN KSB thành nơi đầu tư thân thiện và phát triển bền vững. Chúng tôi đã đầu tư xây dựng hạ tầng KCN hoàn chỉnh, đúng quy hoạch chi tiết được duyệt với hệ thống giao thông, cấp thoát nước, cấp điện, năng lượng, cây xanh, phòng cháy chữa cháy, thông tin liên lạc… Thời gian qua công ty luôn phối hợp với các cơ quan quản lý, tích cực hỗ trợ, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc mà các DN gặp phải, giúp nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận thông tin, yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh lâu dài tại KCN KSB”.

Hướng tới mục tiêu sản xuất sạch hơn (SXSH), thời gian qua, Sở Công thương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ DN đổi mới và ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Theo đánh giá của lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Phát triển công nghiệp, việc hỗ trợ DN áp dụng SXSH, tiết kiệm năng lượng đã được triển khai nhiều năm nay và đem lại hiệu quả tích cực trong sản xuất. Bên cạnh việc tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, Sở Công thương còn khuyến khích các DN lắp đặt, sử dụng năng lượng tái tạo cho sản xuất công nghiệp và bán lại cho ngành điện. Việc hỗ trợ các DN ngành dệt may ứng dụng công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường vào sản xuất, nâng cấp các hệ thống xử lý nước thải... góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Hàng năm, ngành có kế hoạch hỗ trợ từ 6-10 DN thay đổi công nghệ sản xuất và áp dụng quy trình SXSH. Việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất không chỉ nâng cao chất lượng cho sản phẩm, tiết giảm tối đa lao động, chi phí về mặt bằng, nhà xưởng, mà còn bố trí quản lý một cách khoa học, đặc biệt giải quyết được điểm yếu của ngành dệt nhuộm về môi trường nhờ triệt tiêu được lượng lớn khí thải, nước thải và chất thải rắn. Ngoài ra, công nghệ mới còn giúp DN rút ngắn phần lớn thời gian sản xuất, nhờ đó bắt kịp với xu hướng của thị trường, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm...

Nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, vừa qua Tỉnh ủy đã ban hành “Chương trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11- 2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 trên địa bàn tỉnh Bình Dương”. Theo đó, phấn đấu đến năm 2030 giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% và đến năm 2045 là 20%; xây dựng được hệ thống lưới điện thông minh, hiệu quả có khả năng kết nối khu vực… Đến năm 2045, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; hình thành đồng bộ các yếu tố thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch; hệ thống hạ tầng năng lượng phát triển đồng bộ, hiện đại, khả năng kết nối khu vực và quốc tế được nâng cao...

Việc thay đổi máy móc, tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ để tiết giảm các chi phí là tất yếu và DN nào cũng muốn thực hiện. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Thời gian, kinh phí, nguồn nhân lực và hạ tầng cho sản xuất sạch. Do vậy, nhiều DN mong muốn có quy chuẩn về sản xuất sạch, hoàn thiện hạ tầng về kỹ thuật, pháp lý để yên tâm đầu tư sản xuất sạch.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=598
Quay lên trên