Hiện nay, hoạt động mua bán hàng trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) tăng nhanh. Nắm bắt xu hướng này, các sàn TMĐT liên tục đầu tư đổi mới hoạt động bán hàng, tạo nên môi trường kinh doanh hấp dẫn. Tại Bình Dương, năm 2023, trong tổng giá trị xuất khẩu đạt gần 33 tỷ USD, doanh số từ TMĐT chiếm 12%. Nhiều doanh nghiệp (DN) khẳng định sàn TMĐT chính là “lối thoát” giúp duy trì doanh thu sau đại dịch Covid-19, do vậy DN ngày càng quan tâm hơn đến TMĐT.
Tuy vậy, hiện vẫn có những DN chưa mặn mà với TMĐT. Lý do được đưa ra là DN không muốn thay đổi phương thức kinh doanh truyền thống; cùng với đó là sự phức tạp trong tính thuế lĩnh vực này; khó khăn, thách thức mới phát sinh; chi phí tiếp thị tăng…
Thực tế cho thấy, tham gia bán hàng trên sàn TMĐT đòi hỏi DN cần có tư duy đầu tư dài hạn, tư duy cộng sinh, đồng hành cùng với sàn và xây dựng chiến lược marketing phù hợp với các sàn TMĐT. DN cần có sự nỗ lực về mọi mặt. Tham gia sớm TMĐT DN càng có cơ hội chiếm lĩnh thị trường…
TMĐT là một hình thức thương mại đem lại rất nhiều lợi ích cho DN, nhất là cho DN vừa và nhỏ. Thông điệp mà Chính phủ, lãnh đạo tỉnh, các nhà quản lý sàn TMĐT mong muốn là trong “dòng chảy” chung đó, từng DN không thể đứng ngoài, mà sẽ phải nhận diện ra vị trí, vai trò, nhận diện cơ hội và thách thức cho ngành nghề, lĩnh vực mình đang theo đuổi là gì để tận dụng tối đa nguồn lực thì mới có thể tồn tại, phát triển và lan tỏa thương hiệu.
TRÚC HUỲNH