Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lại đòi tăng giá

Cập nhật: 24-03-2010 | 00:00:00

Xăng dầu lại đòi tăng giá

 

Sau tròn một tháng kể từ khi tăng giá xăng tới 590 đồng/lít hôm 21-2, hiện nay các DN kinh doanh xăng dầu lại tiếp tục đòi tăng giá. Một “điệp khúc” luôn được các DN lặp đi lặp lại là các DN đang chịu lỗ.

 

Doanh nghiệp gia tăng sức ép

 

Ngày 21-2, các DN kinh doanh xăng dầu tạo cú sốc tăng giá xăng tới 590 đồng/lít. Ngay sau đó, khi người tiêu dùng (NTD) phản ứng mạnh mẽ, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng sự tăng giá này là bất hợp lý và mức tăng chỉ khoảng 400 đồng/lít là vừa... Như để xoa dịu dư luận, các DN đã thực hiện giảm giá các mặt hàng dầu, trong khi đó giá xăng vẫn giữ nguyên.

     Ảnh minh họa (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà những ngày qua, các DN kinh doanh xăng dầu lại đòi tăng giá. Điều đáng lưu ý là “yêu sách” này được đưa ra trong lúc NTD vẫn phản ứng, các chuyên gia chưa đồng thuận; thậm chí Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các DN phải giải trình cơ chế tăng giá, đặc biệt tại cuộc họp của UB Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cũng không đồng ý với những giải trình.

 

Để làm rõ nhận định đây là “yêu sách” của các DN, phóng viên cùng các chuyên gia đưa ra tính toán cơ bản: Tại thời điểm các DN kinh doanh xăng dầu tăng giá hôm 21-2, mặt hàng xăng dầu tại thị trường Singapore có mức giá: Xăng A92 giá 86,21USD/thùng, dầu diesel giá 88,87USD/thùng, dầu hỏa giá 90,7USD/thùng và madút có giá là 515,7USD/tấn.

 

Trong khi đó, theo bảng báo giá ngày 23-3 của Petrolimex thì giá các mặt hàng này có giá như sau: Xăng A92 88,06USD/thùng, diesel 0,05S 87,83USD/thùng, dầu hoả 87,91USD/thùng, madút 462,15USD/tấn. Như vậy, chỉ có giá xăng A92 là tăng chưa đến 2USD/thùng. Còn các mặt hàng dầu thì giảm giá mạnh. Vậy đâu là lý do để các DN đòi tăng giá?

 

Một điều... lấy làm lạ khác là vào thời điểm cú sốc tăng giá xăng lên 19.000 đồng/lít hồi tháng 7-2008, giá dầu thô thế giới cực đỉnh hơn 140USD/thùng. Khi đó, lập luận của các DN là đưa giá xăng dầu tiệm cận mức giá thế giới và theo cơ chế thị trường. Trong khi đó hiện nay, giá dầu thô chỉ hơn 81USD/thùng, nhưng giá xăng A92 đã là 16.990 đồng/lít - tức là chỉ kém 2.100đ/lít so với thời điểm dầu thô cực đỉnh hơn 140 đồng/lít. Vậy cơn cớ nào để các DN tiếp tục đòi tăng giá “tiệm cận” mức giá quá cao như trên?

 

Không tăng và hạn chế quyền tự quyết

 

Trong thông báo số 3500/BTC-QLG ngày 22-3, có 2 yêu cầu được Bộ Tài chính “chốt” đối với DN. Yêu cầu thứ nhất là trước mắt, các DN kinh doanh xăng dầu chưa tăng giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu. Đồng thời, bộ này cũng đề nghị yêu cầu các DN xăng dầu tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá mặt hàng xăng dầu trên thị trường thế giới; áp dụng các biện pháp tiết giảm chi phí lưu thông, bảo đảm đủ lực lượng hàng hoá đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

 

Yêu cầu thứ hai là nếu giá mặt hàng xăng dầu trên thị trường thế giới tiếp tục tăng, việc kéo dài thời gian giữa 2 lần điều chỉnh tăng giá xăng làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN thì các DN cần có báo cáo đề xuất phương án xử lý gửi liên bộ: Tài chính - Công Thương để xem xét, có ý kiến trước khi thực hiện. Đây cũng là biện pháp mà bộ này cho rằng để kiềm chế lạm phát năm 2010.

 

Trước đó, một yêu cầu khác được Bộ Tài chính đưa ra là các DN xăng dầu phải dãn các đợt tăng giá và tần suất các lần tăng hay giảm kéo dài tới 20 ngày chứ không phải là 10 ngày. Nếu căn cứ vào quy định hiện hành, có thể coi đây là một động thái “ghìm cương giá” thông qua phương thức hạn chế quyền tự quyết của DN.

 

Tuy nhiên, có một vòng luẩn quẩn mâu thuẫn bao lâu nay không thể hoá giải là: NTD luôn phải chịu mức giá xăng dầu cao. Các DN chưa áp dụng hiệu quả biện pháp tiết giảm chi phí lưu thông, luôn kêu phải chịu lỗ và đòi tăng giá.

 

Bên cạnh đó, trong khi thị trường phản ứng mạnh, các chuyên gia kinh tế cho rằng việc tăng giá là bất hợp lý thì... các bộ: Tài chính, Công thương luôn đứng ra giải trình và cho rằng việc tăng giá như vậy luôn được cân nhắc kỹ và hợp lý.

 

Các chuyên gia cho rằng, một khi Petrolimex nắm độc quyền với gần 70% thị phần - tức là mặt này chưa có cơ chế thị trường cạnh tranh thì các cơ quan quản lý không thể “thả” quyền cho DN, càng không thể “thả” giá theo cơ chế thị trường. Mặt khác, khi mâu thuẫn trên chưa được các cơ quan quản lý hoá giải, thì việc “bất hợp lý” của cơ chế giá xăng dầu luôn là một hệ quả.

 

(Theo Lao Động)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên