Doanh nghiệp lại gặp khó về vốn!

Cập nhật: 24-11-2010 | 00:00:00

Để giảm bớt áp lực tăng giá, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 1875/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện các biện pháp bình ổn giá cả, thị trường những tháng cuối năm 2010. Đáng chú ý, trong chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu để có chính sách, cơ chế phù hợp cho phép các ngân hàng (NH) thương mại có thể rút nhanh tiền ra khỏi lưu thông nhằm giảm bớt áp lực tăng giá dịp cuối năm. Đã có những ý kiến lo ngại từ một số nhà đầu tư và giới chuyên môn rằng việc làm này sẽ khiến nguồn tiền khan bớt và lãi suất sẽ tăng, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) sẽ thêm khó khăn.

Áp lực thanh toán đơn hàng

Ông Lê Phước Vũ, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen, lo ngại: “Dù NHNN áp dụng bất kể biện pháp gì để rút tiền ra khỏi lưu thông cũng đều khiến cung tiền giảm, đồng nghĩa với việc giá vốn (lãi suất huy động) tăng và kéo theo giá bán vốn (lãi suất cho vay) tăng. Điều này ngược với mục tiêu hạ lãi suất mà Chính phủ đang đề ra.

  Xu hướng tăng giá cuối năm thường gắn với việc có một khối lượng tiền lớn tham gia lưu thông vì cuối năm các công trình, dự án được thanh toán với mật độ caoLà đơn vị chuyên sản xuất các loại sản phẩm nội thất, thiết bị xây dựng bằng tôn, nhựa mang thương hiệu Hoa Sen, chúng tôi lo rằng, lãi suất cho vay của các NH sẽ tăng khiến cho các đơn vị chuyên sản xuất - kinh doanh như chúng tôi sẽ gặp không ít khó khăn. Vào dịp cuối năm, chúng tôi thường phải chi trả rất nhiều khoản, từ trả lương cho công nhân đến nguyên vật liệu và thanh toán các hợp đồng bán, giao hàng. Bên cạnh những khoản có thể thanh toán bằng phương thức chuyển khoản thì chúng tôi vẫn còn một số khoản cần phải sử dụng tiền mặt. Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi đang tập trung mọi nguồn lực thúc đẩy sản xuất - kinh doanh hoàn thành kế hoạch năm thì điều này sẽ rất bất lợi cho chúng tôi”.

Ông Bạch Xuân Sơn, Giám đốc Công ty Phát Tin (TP.HCM), băn khoăn: “Đối với những công ty, tập đoàn lớn có nguồn vốn dự trữ nhiều, việc này sẽ không ảnh hưởng gì tới tiến độ sản xuất của họ. Còn đối với DN nhỏ như chúng tôi có nguồn vốn ít, để mở rộng sản xuất, chúng tôi buộc phải vay NH. Vào thời điểm này, chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ sản xuất - kinh doanh và dự trữ nguyên liệu cho thời vụ năm tới nên nhu cầu vay vốn khá lớn. Khi chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về rút nhanh tiền ra khỏi lưu thông được thực thi cũng có nghĩa số lượng tiền trong lưu thông sẽ giảm bớt do NHNN thu về. Số lượng tiền mà DN muốn vay để đầu tư sản xuất sẽ bị hạn chế và lãi suất cho vay có khả năng sẽ tăng. Như vậy, việc thanh toán các hợp đồng của chúng tôi cũng như các đối tác sẽ gặp khó khăn. Thiếu tiền để quay vòng sản xuất, DN khó có thể đạt được kế hoạch đề ra của năm và chuẩn bị cho kế hoạch năm tới”.

Tỷ giá và lãi suất: tác động kép

Ông Trần Xuân Dũng, Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Thực phẩm CJ Vina, chia sẻ với góc nhìn khác: “Với Chỉ thị 1875/CT-TTg của Thủ tướng, chúng tôi sẽ không có trở ngại gì vì việc vay và trả vốn được DN thực hiện nghiêm túc, đúng thời gian. Tuy nhiên, là DN chế biến thức ăn chăn nuôi phải sử dụng phần lớn nguồn nguyên liệu nhập khẩu (giá thành nguyên liệu chiếm 65% giá thành sản phẩm), trong khi thời điểm này, giá nguyên liệu liên tục tăng, cộng thêm tỷ giá đồng USD lên cao đã đẩy chi phí giá thành nguyên liệu tăng theo. Trong tháng 9 và tháng 10, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã tăng trên 10%, trong khi DN mới chỉ tăng giá thức ăn chăn nuôi lên 5%. Nếu tình trạng này kéo dài thì DN chỉ sản xuất cầm chừng để duy trì hoạt động, còn lợi nhuận gần như không có”.

Ông Phạm Hồng Việt, Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Hà Nội, nhìn nhận: “Các NH hiện không khó khăn lắm trong việc cho vay nhưng với một mức lãi suất rất cao (13%/năm) nên các DN chúng tôi đều đang hạn chế vay. Việc hạn chế này là do DN chúng tôi làm cả một năm chưa chắc lợi nhuận đạt được 13%. Nếu vay với lãi suất như vậy sẽ hết lãi thậm chí là lỗ. Do đó hiện nay, các DN lớn phải hạn chế sản xuất vì sản xuất càng nhiều càng lỗ. Ngoài ra, giá cả đầu vào cao và giá USD tăng cũng khiến các DN kiềm chế sản xuất. Vì vậy, nguy cơ DN chúng tôi thiếu hàng giao vào thời điểm này là nguy cơ có thật. Nếu việc rút tiền ra khỏi lưu thông làm cho lãi suất cao quá sẽ khiến các DN không thể vay được vì nguy cơ lỗ trong sản xuất sẽ rất cao”.

NGUYỄN HỒNG PHÚC

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên