Doanh nghiệp loay hoay với bài toán vốn - giá

Cập nhật: 14-04-2010 | 00:00:00

Để kềm giá sản phẩm bán ra doanh nghiệp (DN) cần nhiều vốn, trong khi nguồn vốn của nhiều DN phải đi vay từ ngân hàng (NH). Lãi suất huy động cao, NH cho vay lại với lãi suất cao hơn mới mong có lãi... Vốn - giá đang là bài toán khó giải với nhiều DN và cả NH trong bối cảnh hiện nay.

Các NH phải giữ chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay ở mức 3 - 4% mới bảo đảm có lợi nhuậnKhó kềm cương giá cả!

Ông Lê Văn Trí, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina), cho biết nguyên vật liệu và chi phí sản xuất hiện đã tăng rất cao, khoảng 15 - 17% so với năm 2009. Công ty đã tính đủ mọi cách để ổn định giá bán nhưng vẫn không chống chọi nổi với chi phí đầu vào tăng quá cao. Để bảo đảm sản xuất, Casumina vừa tăng giá bán thêm 5% so với tháng 2-2010. Mặt khác, tăng giá là vấn đề hết sức nhạy cảm trong thời điểm sức mua đang ở mức thấp điểm, đặc biệt là Chính phủ vừa có chủ trương phải kiềm chế lạm phát. “Đây là việc chẳng đặng đừng, mong người tiêu dùng chia sẻ để chúng tôi có thể vượt qua cơn bĩ cực này”, ông Trí cho biết.

Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, chia sẻ: “Chi phí đầu vào của sản xuất tăng là do các yếu tố khách quan và mọi người đều có thể quan sát được. Nhà phân phối muốn “ép” các nhà cung cấp không tăng giá cũng không xong. Chỉ có một vấn đề, khi nhà cung cấp yêu cầu tăng giá, Saigon Co.op sẽ làm việc trực tiếp và đề nghị giải trình mức tăng thêm ở mức hợp lý nhất. Đối với một số nhóm hàng thiết yếu (trừ sữa ngoại nhập khẩu), Saigon Co.op phải tự thiết lập thang giá để từ đó chủ động hơn trong việc tính toán về mức giá theo hướng có lợi nhất cho người tiêu dùng. Trong trường hợp đối tác không đưa ra các phương án hợp lý, Saigon Co.op có quyền từ chối đề nghị tăng giá”.

Ghi nhận hiện tại để gỡ khó cho các DN sản xuất đồng thời có được mức giá tốt nhất nhằm bảo đảm doanh thu, hầu hết siêu thị đã và đang thực hiện biện pháp ứng vốn để đặt một lượng hàng lớn. Thế nhưng, để làm được việc này, buộc các nhà phân phối phải đi vay vốn ngân hàng. Trong tình hình lãi suất đang ở mức cao, DN và nhà phân phối đang lừng khừng là nên chọn doanh thu hay theo đuổi lợi nhuận, vì để có doanh thu thì lợi nhuận phải giảm.

Cả DN và NH đều khó!

Trả lời câu hỏi liệu có khả năng hạ mặt bằng chi phí vốn, một giám đốc NH nói gọn: “Điều này phụ thuộc vào thị trường!”. Sự thận trọng ở đây là dễ hiểu, bởi dù NH Nhà nước quy định lãi suất huy động không được vượt 10,5%, nhưng thực tế các NH đã đẩy lãi suất huy động lên tới 11 - 12%. Theo tính toán của các chuyên gia tài chính, các NH phải giữ chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay ở mức 3 - 4% mới bảo đảm lợi nhuận, bởi NH cũng là DN nên kinh doanh phải tính chuyện lời lãi.

Theo các chuyên gia, đưa dòng chảy tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trở lại mức bình thường, bình quân khoảng 2%/tháng, tương đương 24%/năm (so với tăng trưởng tín dụng cả nước năm 2010 được ấn định là 25%) đang là đòi hỏi bức thiết. Dư địa cho tăng trưởng tín dụng 3 quý còn lại của năm đang quá rộng. Vấn đề là tăng trưởng tín dụng phải ở tốc độ hợp lý, nếu không tình trạng đang “thắt” chặt lại được “cởi” gấp có thể lặp lại. Chạy từ thái cực này sang thái cực khác sẽ không chỉ làm DN, ngân hàng “mệt mỏi”, mà còn có thể gây ra những biến động mà hậu quả là phải tốn kém công sức, tiền bạc để điều chỉnh.Thông tin từ một số hệ thống siêu thị cho thấy, hiện đã có hơn 30% nhà cung cấp yêu cầu tăng giá bán bình quân 7 - 10%. “Trong những tháng tới, giá tiêu dùng có thể sẽ còn tiếp tục chịu tác động của hệ luỵ của chính sách nới lỏng tài chính áp dụng trong năm 2009; tác động dây chuyền của việc tăng giá điện, than, xăng dầu, sắt thép...”, Tiến sĩ Trần Du Lịch, một chuyên gia kinh tế, nhận định. Ông cho biết thêm, điều quan trọng hơn cả là Nhà nước cần ổn định giá các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, xăng dầu... để các DN có thể yên tâm sản xuất. Bằng không sẽ khó có thể thực hiện thành công cùng một lúc 2 nhiệm vụ vừa kiềm chế lạm phát, vừa bảo đảm phát triển kinh tế.

Trước mắt, các NH quốc doanh cũng đã cam kết sẽ kéo lãi suất cho vay về quanh mức 14%/năm. Mức này cao hơn trần lãi suất cho vay hiện hành là 12%/năm, nhưng lại thấp hơn 2 - 4%/năm so với lãi suất thực (cộng thêm phí) mà người vay đang phải trả. Có thể lãi suất 14 - 15%/năm vẫn còn cao so với sức chịu đựng của DN, nhưng ít nhất nó phản ánh đúng cung cầu vốn trong thực tế và quan trọng là dòng chảy vốn lại lưu thông và DN có cơ hội để không đẩy giá lên cao hơn.T.VY - N.PHÚC

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên