Bình Dương đang nỗ lực phát triển trở thành trung tâm dịch vụ logistics, hỗ trợ đắc lực cho hoạt động sản xuất hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn và trong khu vực.
Xây dựng trung tâm logistics hàng đầu cả nước
Để phát triển các trung tâm logistics hiện đại, thông minh, Bình Dương đã và đang tập trung đầu tư mở rộng hạ tầng logistics, phát triển các dịch vụ hỗ trợ nhằm tăng tính kết nối, tạo mạng lưới logistics xuyên suốt, trải dài và đồng bộ. Ông Nguyễn Quang Sang, Giám đốc Công ty Vận tải hàng hóa Phương Nam, cho biết Bình Dương có hệ thống kho bãi đa dạng và sẵn sàng cho các loại hàng hóa khác nhau từ ngành công nghiệp, thương mại điện tử, có hạ tầng giao thông đa phương tiện kết nối xuyên suốt đến các tỉnh, thành và các cảng hàng không, cảng biển trong khu vực, vận chuyển linh hoạt và nhanh chóng. Trong giai đoạn mới, Bình Dương cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư phát triển đa lĩnh vực logistics, hình thành mạng lưới liên tỉnh và liên quốc gia thông qua các phương thức vận tải đa dạng, dịch vụ logistics chất lượng cao...
Bình Dương đang khuyến khích phát triển kho hàng tân tiến đáp ứng các mặt hàng công nghiệp, nông nghiệp của tỉnh đặt tại các vị trí gần nhà máy, cùng với dịch vụ hậu cần xuyên suốt sẽ hoàn thiện chuỗi sản xuất - phân phối sản phẩm cho các nhóm ngành chủ lực của tỉnh. Theo ông Hoàng Trung Thanh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post), mục tiêu của tổng công ty là tạo ra mạng lưới trung tâm logistics kết nối vùng, miền nhằm rút ngắn thời gian, giảm chi phí lưu thông hàng hóa cho doanh nghiệp (DN). Dự kiến, Viettel Post sẽ thành lập 37 trung tâm logistics lớn trong toàn quốc. Riêng tại Bình Dương, đơn vị đề xuất thành lập trung tâm logistics nông nghiệp quốc tế bao gồm nhiều dịch vụ, như: Gian hàng trưng bày sản phẩm, kho bảo quản nông sản sau thu hoạch, thực hiện thủ tục thông quan, kiểm định bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước ASEAN.
Doanh nghiệp logistics Bình Dương đang có nhiều cơ hội để tăng tốc. Trong ảnh: Kho hàng hóa trung tâm của Công ty TNHH Kolon Industrial Việt Nam (TP.Tân Uyên)
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết trong thời gian tới, Bình Dương và ngành công thương tiếp tục chú trọng phát triển lĩnh vực logistics. Hiện Bình Dương đang quy hoạch, bố trí quỹ đất ở những vị trí thuận lợi về giao thông để hình thành các trung tâm logistics cấp vùng, khu vực. Bên cạnh đó, Bình Dương tích cực hỗ trợ DN nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ, kết nối với DN trong chuỗi cung ứng, xúc tiến thương mại - dịch vụ logistics; hỗ trợ luân chuyển hàng hóa và hoạt động logistics, giảm chi phí cho DN…
Đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh
Bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Bình Dương, cho hay Bình Dương đặt mục tiêu phát triển dựa trên mô hình kinh tế xanh, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn. Hạ tầng giao thông, đô thị và dịch vụ sẽ tiếp tục được đầu tư đồng bộ để không chỉ thu hút nguồn lực đầu tư mà còn nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các khu thương mại tự do, cùng sự tích hợp giữa logistics và khu công nghiệp được coi là cơ hội “vàng” để Bình Dương gia tăng năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
“Chúng tôi đã làm việc với nhiều DN, đặc biệt những thành viên trong Hiệp hội Logistics Bình Dương. Một trong những điểm rất tốt mà hiệp hội nhận thấy chính là công tác chuyển đổi số và chuyển đổi xanh của DN trong thời gian qua diễn ra rất nhanh, đáp ứng nhu cầu của sự phát triển. Đây là bước đệm rất quan trọng để đón làn sóng đầu tư mới, thúc đẩy ngành logistics tăng tốc”, bà Huỳnh Đinh Thái Linh chia sẻ.
Bình Dương xác định logistics là một trong những ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn trong chiến lược phát triển của tỉnh, hướng đến đưa Bình Dương đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, vận chuyển hàng hóa đến các tỉnh, khu vực.
TIỂU MY - CẨM TÚ