Doanh nghiệp mong lãi suất cho vay sẽ giảm thêm

Cập nhật: 16-03-2012 | 00:00:00

Những ngày gần đây, các ngân hàng (NH) đã đồng loạt công bố giảm lãi suất cho vay, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn chưa vui bởi mức lãi suất vay 14,5 - 17,5%/năm vẫn còn cao và để tiếp cận được nguồn vốn vay là không đơn giản. Vì vậy thời gian tới, Nhà nước cần triển khai nhiều giải pháp tạo điều kiện cho hệ thống NH hạ thêm lãi suất như kỳ vọng của nhiều DN...  Nhiều DN vẫn kỳ vọng phía NH giảm thêm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty May xuất khẩu 3-2

Chỉ là liệu pháp tinh thần!

Ngay trước khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Chỉ thị 01 và Công văn 674 liên quan đến kế hoạch tín dụng 2012, một số NH đã bắt đầu giảm lãi suất cho vay. Không tính đến tiền lệ NH Đầu tư và Phát triển (BIDV) đã 5 lần giảm lãi suất cho vay từ tháng 9-2011 đến nay, tại Bình Dương lãi suất cho vay của NH này đang ở mức 14,5% - 17,5%/năm (tùy kỳ hạn). Tiếp đến là NH Công Thương (Vietinbank), NH Ngoại thương (Vietcombank), NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank). Khối NH CP có các NH như Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank), Á Châu (ACB)... cũng giảm lãi suất cho vay. Việc giảm lãi suất cho vay đang trở thành một xu hướng tất yếu của các NH.

Hàng loạt NH công bố giảm lãi suất cho vay là tín hiệu mừng với cộng đồng DN. Tuy nhiên, mức giảm lãi suất như vừa qua chưa thật sự mang lại niềm vui cho người sản suất - kinh doanh mà chỉ là liệu pháp tinh thần. Đại diện một DN gốm sứ mỹ nghệ tại phường Bình Chuẩn (TX.Thuận An) cho biết qua tìm hiểu kỹ thông tin các chương trình cho vay ưu đãi của các NH, ông mới biết là NH chỉ ưu tiên cho một nhóm khách hàng nhất định! “Ví dụ như Sacombank, nguồn vốn cho vay là 1.000 tỷ đồng, đối tượng khách hàng ưu tiên cho vay là các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu; lãi suất áp dụng tối thiểu 16,5%/năm với thời hạn vay tối đa 4 tháng. DN chúng tôi chắc chắn không thuộc đối tượng cho vay của NH này”, vị đại diện này cho biết.

Một số DN ngành gỗ cũng cho hay, gần đây họ liên tục đón nhận thông tin các NH giảm lãi suất, nhưng họ hoàn toàn thất vọng vì khó có thể vay được những khoản vốn lãi suất thấp này. “Quả thật, với các gói tín dụng công bố lên tới vài ngàn tỷ đồng cho vay lãi suất ưu đãi tưởng chừng là nhiều, nhưng kỳ thực tỷ trọng cho vay lãi suất thấp trong tổng dư nợ của các NH chiếm tỷ lệ không đáng kể, chưa nói đến đặc thù Bình Dương là tỉnh công nghiệp nên so ra số lượng cho vay lãi suất ưu đãi chỉ chiếm vài phần trăm khiêm tốn trên tổng dư nợ, phần còn lại NH cho vay với lãi suất thông thường thì cũng không có gì là thiệt thòi cho các NH”, một cán bộ khối NHNN thừa nhận.

Sau khi NHNN có chỉ thị giảm lãi suất huy động, các NH TM đã đồng loạt hạ lãi suất huy động xuống còn 13%/năm, các bảng thông báo lãi suất 14%/năm cũng đã được các NH tháo dỡ. Ghi nhận tại các NH cho thấy, khách hàng vẫn đến giao dịch bình thường. Thông tin từ một số cho biết, lượng tiền gửi vẫn dồi dào, nhiều khách hàng đã tranh thủ gửi tiết kiệm từ kỳ hạn ngắn sang kỳ hạn dài từ 3 - 6 tháng do trước đó đã xuất hiện thông tin giảm lãi suất. Đây là một tin tốt đẹp cho NH khi nắm giữ một lượng tiền tương đối ổn định trong tình hình hiện nay.  Hầu hết người gửi tiền đã chuyển từ kỳ hạn ngắn sang kỳ hạn dài khi nhận được thông tin NH giảm lãi suất tiền gửi

Lãi suất vẫn còn cao lắm!

Ghi nhận mức lãi suất trên thị trường hiện nay, ngoại trừ đối tượng cho vay theo chương trình, mục tiêu tín dụng như cho vay ngắn hạn phục vụ nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu với mức 15,8 - 16%/năm, DN xuất khẩu bán ngoại tệ lại cho NH hưởng lãi suất 14%/năm; các lĩnh vực phi sản xuất 19%/năm... Đa số lãi suất mà các DN đang vay đều nằm trong khoảng 15,5 - 19%/năm. Đây vẫn là mức lãi cao so với sức chịu đựng của DN. Đại diện nhiều DN nhận xét, những tháng trước lãi vay NH quá cao bây giờ điều chỉnh giảm bớt là tốt nhưng chỉ giảm một phần ít thì cũng không ăn thua gì so với các chi phí DN đang gánh và DN không thể kinh doanh hiệu quả với mức lãi suất như thế.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương Đỗ Thị Kim Loan, cho biết nhiều thành viên trong hiệp hội đang gặp khó khăn, bởi khi DN có đơn hàng tìm đến NH thì NH không đáp ứng được nhu cầu vay vốn thực tế của DN. Theo bà Loan, ngay cả khi NH công bố tín dụng ưu đãi hướng tới DN xuất nhập khẩu, nhưng khi những DN này trình hồ sơ vay vốn thì NH lại ậm ừ, không trả lời được hay không, dẫn đến việc DN mất đi cơ hội kinh doanh. “Về lâu dài mức lãi suất cho vay hợp lý nhất để DN có thể vay vốn là khoảng dưới 12%/năm. Đây là mức có thể tạo điều kiện để DN thay đổi cơ cấu giá thành nhằm tăng sức cạnh tranh so với các DN trong khu vực và lãi suất vay ở mức này thì may ra DN mới có lợi nhuận”, bà Đỗ Thị Kim Loan nhận xét.

Không chỉ DN ngành gỗ, các DN ngành sơn mài mỹ nghệ cũng trong tình trạng khó khăn tương tự, rất khó tiếp cận nguồn vốn NH vì điều kiện cho vay quá khắt khe, thủ tục rắc rối và tài sản thế chấp của DN được định giá quá thấp... Tuy nhiên, nguyên nhân chính làm chùn bước DN vẫn là lãi suất cao! Ông Lê Bá Linh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn (xã Tương Bình Hiệp, TX.TDM), cho biết thay vì đi vay vốn ở NH thương mại, công ty chọn phương án vay vốn từ NH chính sách hoặc cố gắng xoay xở vốn từ bạn bè, người thân. Mặc dù nguồn vốn lưu động không nhiều nhưng công ty không dám nghĩ đến chuyện vay vốn để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, mà chỉ cố gắng duy trì tốt công việc kinh doanh như hiện tại.

 

Phó Giám đốc BIDV Bình Dương Trần Ngọc Linh: “Lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng tạo tiền đề giảm lãi vay”

Vài ngày gần đây, NH chúng tôi đã điều chỉnh giảm lãi vay khoảng 1% so với trước đối với những hợp đồng tín dụng mới và hợp đồng đến kỳ điều chỉnh lãi suất. Trong những ngày tới, lãi suất cho vay có thể sẽ giảm theo chiều huy động. Tuy nhiên, lãi vay chỉ có thể giảm sâu khi lạm phát phải được kéo xuống. Bên cạnh đó, một khi hệ thống NH được tái cơ cấu mạnh mẽ theo chuẩn mực cùng với sự kiểm tra, thanh tra giám sát quyết liệt, chặt chẽ của ngành chức năng, thì lãi suất mới có thể diễn ra như kỳ vọng.

Phó Giám đốc Vietcombank Bình Dương Nguyễn Thái Minh Quang: “Cần một số giải pháp tổng thể đồng bộ”

Thực tế giảm lãi suất cho vay xuống 14,5% chỉ có thể áp dụng cho nhóm khách hàng ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, của ngành chứ không thể áp dụng cho tất cả khách hàng. Trên cơ sở nguồn vốn nhiều hay ít, huy động ở mức bao nhiêu, NH sẽ cân đối và đưa ra mức lãi vay hợp lý. Trong tình hình hiện nay, giảm lãi suất cho vay là điều cần thiết đối với DN, tuy nhiên cần có lộ trình và một số giải pháp tổng thể, đồng bộ đủ sức tác động thì lãi suất mới có thể giảm.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương Đỗ Thị Kim Loan: “Hạ ngay lãi suất cho vay để cứu doanh nghiệp”

Hiện nay, DN ngành gỗ đang gặp khó khăn rất nhiều, số DN bị phá sản cũng không ít, nếu tình trạng lãi suất cao tiếp tục kéo dài sẽ vô cùng nguy hiểm. Chính phủ, NHNN cần có biện pháp tích cực hơn trong việc kéo giảm lãi vay càng nhanh càng tốt và áp dụng thực thi ngay đối với các DN sản xuất, xuất khẩu. Điển hình dựa trên các LC của khách hàng mua hàng, đó là việc làm thiết thực nhất và hiệu quả cao nhất đối với DN cũng như về phía NH.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Sơn mài Mỹ nghệ Tư Bốn Lê Bá Linh: “Cần tạo điều kiện để DN tiếp cận các gói tín dụng...”

DN tiếp cận vốn đã khó do các thủ tục giấy tờ, nhưng khi tiếp cận được lại gánh lãi suất cao nên kinh doanh không có lãi. Nhà nước, hệ thống NH cần tạo điều kiện để DN tiếp cận các gói tín dụng vừa và nhỏ với lãi suất thấp, hình thức cho vay và trả nợ vay linh hoạt, đa dạng. Mặt khác, cần tuyên truyền, công bố rộng rãi tại các địa phương để DN tận dụng cơ hội tiếp cận các nguồn vốn này.

 T.Hồng

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=452
Quay lên trên