Nhiều doanh nghiệp (DN) do không chú trọng quan tâm đến công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đã phải ân hận khi xảy ra sự cố cháy nổ trong đơn vị của mình, thiệt hại lớn về người và tài sản. Bài học này đã được một số DN từng chứng kiến sự cố đau thương vì cháy nổ chia sẻ.
Diễn tập PCCC là công tác cần quan tâm thường xuyên
Thiệt hại lớn
Ông Phạm Ngọc Khoa, Trưởng phòng an toàn Công ty TNHH Quốc tế công nghiệp Yang Cheng (KCN Đồng An 1) chia sẻ, từ khi thành lập công ty đến nay đã xảy ra 2 vụ cháy, đây là một nỗi buồn lớn. Vụ cháy thứ nhất xảy ra vào năm 2005 dù không thiệt hại về người nhưng về tài sản thì gần 4 triệu đô la Mỹ đã “đội nón ra đi” sau vụ cháy. Sau 2 năm (2007), công ty lại xảy ra một vụ cháy nữa gây thiệt hại cho cả người lẫn tài sản. Trong vụ cháy này, ngọn lửa đã cướp đi một sinh mạng và gây bỏng nặng cho 6 người trong đơn vị, thiệt hại tài sản gần 500 triệu đồng. Nguyên nhân cháy được cơ quan chức năng xác định là do chập điện. Hậu quả của vụ cháy để lại là phải mất một thời gian dài công ty mới khắc phục được việc sản xuất - kinh doanh trở lại. Nếu tính cả những thiệt hại trong thời gian DN ngừng hoạt động thì rất lớn.
Một số vụ cháy điển hình khác đã xảy ra trong thời gian qua như: năm 2010 tại Công ty TNHH Yen Yue (KCN Sóng Thần II) cũng xảy ra một vụ cháy lớn gây thiệt hại 5 tỷ đồng; đầu năm 2011, một vụ cháy cũng đã xảy ra tại xưởng sản xuất của Công ty TNHH Long Huei (KCN Sóng Thần II) gây thiệt hại 5 tỷ đồng... Nguyên nhân cháy trong các vụ nói trên đều do chập điện, cơ quan chức năng cũng đã xác định nguyên nhân sâu xa là do sự thiếu quan tâm trong công tác PCCC, kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị điện, máy móc của những người đứng đầu DN. Một số công ty xảy ra cháy nổ đề cập trên đều ở trong các KCN, còn ở ngoài KCN còn nhiều vụ cháy nổ khác hết sức nghiêm trọng cũng đã diễn ra trong thời gian qua, thiệt hại lớn cho người và tài sản như: vụ cháy thương tâm xảy ra tại Cơ sở nệm mút của DNTN Siêu Vĩnh Lợi (TX.Thuận An) làm 7 người thiệt mạng; vụ hỏa hoạn xảy ra vào đêm 11-4-2011 tại xưởng sản xuất giấy vàng mã của Công ty TNHH Đại Phúc (TX.Thuận An) gây thiệt hại ước tính hàng chục tỷ đồng; vụ cháy lớn trên hàng ngàn m2 của Công ty Sản xuất đồ gỗ H Sin Ya, vốn đầu tư nước ngoài, tại khu phố Hòa Lân 2, phường Thuận Giao, TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương vào ngày 27-3 vừa qua... tất cả đều gây ra những thiệt hại vô cùng lớn cho DN.
Tăng cường công tác PCCC
Trước những thiệt hại to lớn, khó lường do cháy nổ xảy ra, trong thời gian qua nhiều DN, chủ đầu tư khu công nghiệp đã phải tăng cường đầu tư trang thiết bị, tập huấn cho công nhân viên về PCCC nhằm chữa cháy tại chỗ, trước khi có sự ứng cứu của lực lượng PCCC chuyên nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Đô, Đội trưởng Đội Bảo vệ và PCCC KCN Mỹ Phước cho biết, từ khi thành lập đến nay, đơn vị luôn có ý thức và quan tâm đến công tác PCCC và đã thành lập đội PCCC với 12 người được trang bị đầy đủ về phương tiện, nghiệp vụ, trang bị 2 xe chữa cháy... Theo ông Đô, lãnh đạo đơn vị luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, hàng tuần tổ chức diễn tập cho cán bộ, công nhân viên, phối hợp chính quyền địa phương, cơ quan PCCC tổ chức các hoạt động PCCC, làm chuyển biến tích cực trong công nhân viên và người dân trên địa bàn. Lực lượng tại chỗ của KCN đã đóng vai trò quan trọng, kịp thời phát hiện và chữa cháy, từng bước xây dựng đội ngũ ngày càng chính quy. Trên các tuyến đường trong KCN đều được chủ đầu tư Becamex IDC lắp các trụ nước, các công ty trong KCN cũng bắt buộc phải trang bị thiết bị PCCC. Phương châm trước mắt phải sử dụng lực lượng tại chỗ. Qua 10 năm, KCN Mỹ Phước và khu lân cận đã có nhiều vụ cháy xảy ra nhưng đã được dập tắt kịp thời, bảo đảm tính mạng và tài sản cho DN, người dân.
KCN Nam Tân Uyên hiện cũng đã xây dựng phương án PCCC và hồ sơ PCCC. Các đường trong KCN đều có trụ nước, trang bị xe PCCC. Nơi đây còn dành 2 ha để xây nhà ở cho lực lượng PCCC KCN nhằm kịp thời xử lý khi có sự cố. KCN còn được hỗ trợ 12 chiến sĩ, 2 xe chữa cháy của PCCC nhằm đáp ứng kịp thời cho KCN. Bên cạnh đó, đơn vị còn thường xuyên diễn tập, phòng ngừa nên không có sự cố cháy lớn xảy ra trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Lê Thành, Trưởng ban an toàn Công ty Scancom Việt Nam (KCN Sóng Thần I) cho biết, từ năm 2005-2010 công ty đã có 4 vụ cháy xảy ra, gây thiệt hại lớn về tài sản cho DN, riêng trong năm 2010 cũng đã có 2 vụ cháy. Hiện nay công ty đã trang bị 568 bình chữa cháy, có 140 đội viên PCCC, mua thêm xe chữa cháy mini, lắp hệ thống hút bụi, thi công bồn nước, lắp hệ thống tự động báo cháy... để phòng chống “bà hỏa”. Tuy nhiên, theo ông Thành, công ty cũng đang rất cần đến sự hỗ trợ của Cảnh sát PCCC để đội PCCC của công ty ngày càng trở thành chuyên nghiệp hơn, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy nổ gây ra. Hay như Công ty TNHH Toung Loong (KCN Việt Hương) ngoài công tác tuyên truyền, giáo dục và tập huấn PCCC trong cán bộ công nhân viên hiện còn tăng cường đầu tư trang thiết bị như: trạm bơm chữa cháy, hệ thống chống cháy vách tường, hệ thống báo cháy tự động, bình chữa cháy, lăng vòi các loại, mặt nạ chống độc, hồ dự trữ nước... Công ty Yang Cheng sau các vụ cháy xảy ra nay cũng đã tăng cường đầu tư trang thiết bị và xây dựng đội ngũ PCCC. Hiện công ty này cũng đã thành lập được một đội PCCC với 120 người, xây 3 bể nước, 4 máy bơm, lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, thường xuyên tổ chức giáo dục, tuyên truyền trong DN và tập huấn PCCC để có thể ứng phó kịp thời khi có hỏa hoạn.
Với ý thức phòng cháy hơn chữa cháy, một số DN trên địa bàn tỉnh đã tăng cường đầu tư trang thiết bị, phổ biến giáo dục và tuyên truyền để nâng cao ý thức của cán bộ công nhân viên, phối hợp với Cảnh sát PCCC để tập huấn, xây dựng đội PCCC tại chổ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế trong công tác PCCC của các DN như vai trò quản lý, ý thức chấp hành, huấn luyện chưa thường xuyên, một số chủ DN chưa quan tâm đúng mức... Những tồn tại đó là nguy cơ tiềm ẩn gây nên thiệt hại lớn khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra.
K.Tân