Doanh nghiệp nhập cuộc nhanh với thương mại điện tử

Thứ sáu, ngày 28/03/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Với những ưu thế vượt trội so với thương mại truyền thống, thương mại điện tử đang trở thành “kênh” được nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất lựa chọn. Việc nhập cuộc nhanh với thương mại điện tử giúp doanh nghiệp gia tăng doanh số bán hàng, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường.

 Đại diện DN giới thiệu đến đối tác về thiết bị máy móc hiện đang được bán trên các kênh TMĐT

 Tăng phạm vi tiếp cận thị trường

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Công thương, trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, việc tham gia vào hệ thống xuất, nhập khẩu trực tuyến, các kênh thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới là giải pháp hữu hiệu, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) mở rộng khách hàng, tăng phạm vi tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực DN và giá trị chất lượng hàng hóa, qua đó đưa thương hiệu hàng Việt đến người tiêu dùng ở nhiều thị trường trên thế giới.

Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi nỗ lực giới thiệu các nền tảng TMĐT xuyên biên giới như Amazon, Alibaba, Shopee, Lazada… đến với các DN Bình Dương để DN có thể kết nối với nhiều người tiêu dùng trên toàn thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển và các nền kinh tế lớn như thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, châu Âu, ASEAN. Qua đó, các nhà bán hàng có sự hiểu biết hơn khi đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Khi tham gia kinh doanh trên sàn TMĐT quốc tế, DN xuất khẩu của Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận khách hàng trên toàn cầu. Bên cạnh đó, so với việc mở cửa hàng truyền thống, việc bán hàng trên sàn TMĐT có chi phí thấp hơn và DN có thể dễ dàng quản lý, điều chỉnh hoạt động kinh doanh của mình trên sàn”.

Ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc Công ty TNHH Nhật Nam (TP.Bến Cát), khẳng định TMĐT không chỉ giúp giảm chi phí và tăng cường hiệu quả trong hoạt động xuất khẩu mà còn tạo ra cơ hội mở rộng thị trường toàn cầu, giúp DN dễ dàng kết nối với khách hàng quốc tế và cải thiện quy trình xuất khẩu. Đây là một công cụ hiệu quả giúp DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, thâm nhập và phát triển thị trường quốc tế. Đối với ngành gỗ, các sản phẩm nội thất như kệ để giày, khung giường, tủ quần áo, bàn làm việc gấp gọn, kệ nhà bếp, kệ phòng tắm... đang được ưa chuộng trên các sàn TMĐT tại Hoa Kỳ. Đây là cơ hội để các DN khai thác và mở rộng thị trường này.

“Trong xu hướng doanh số TMĐT của hàng nội thất và thủ công mỹ nghệ đang tăng trưởng mạnh hiện nay cho thấy việc tham gia các sàn TMĐT là một hướng đi đúng đắn cho DN ngành gỗ. Một số DN đã thành công khi bán hàng qua các nền tảng xuyên biên giới như Wayfair, Amazon và đạt được kết quả bước đầu khá khả quan”, ông Nguyễn Minh Nhật nói.

Nắm rõ thị trường

Tuy vậy, theo ông Huỳnh Quang Thanh, Giám đốc Công ty TNHH gỗ Hiệp Long (TP.Thuận An), việc bán hàng trên sàn TMĐT xuyên biên giới cũng đối mặt với một số thách thức do thị trường TMĐT rất cạnh tranh, đòi hỏi DN phải có sản phẩm chất lượng, giá cả cạnh tranh và dịch vụ tốt. Vận chuyển hàng hóa đi các nước khác đòi hỏi DN phải có hiểu biết về các quy định hải quan và lựa chọn được đơn vị vận chuyển uy tín. Đặc biệt, việc thanh toán quốc tế cũng là một vấn đề cần được DN quan tâm. Đây chính là những vấn đề mà DN, cá nhân khi tham gia TMĐT xuyên biên giới cần phải lưu ý. Cụ thể, DN cần hiểu biết về thị trường nước nhập khẩu, một sản phẩm có thể bán rất tốt ở thị trường này nhưng sẽ không thể bán được ở thị trường khác do tính chất của sản phẩm và đặc tính tiêu dùng của thị trường.

“Để có thể đưa hàng hóa Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và xuất khẩu thành công trên các kênh TMĐT xuyên biên giới, DN cần hiểu các quy định về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa cũng như các quy định liên quan tới nhập khẩu của thị trường nước nhập khẩu; bảo đảm hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng và các chứng từ, chứng nhận phù hợp với các yêu cầu của thị trường nhập khẩu, quy định pháp lý trước khi đưa sản phẩm vào thị trường đó. Đồng thời, DN cần nắm rõ được quy trình vận hành logistics trong TMĐT xuyên biên giới, cách thức bảo quản hàng hóa hiệu quả và tính toán được phương án logistics tối ưu nhất, chi phí thấp nhất để hàng hóa có giá bán cạnh tranh nhất khi phân phối trên TMĐT tại thị trường quốc gia nhập khẩu”, ông Huỳnh Quang Thanh lưu ý.

Bà Nguyễn Thị Phương Uyên, Giám đốc marketing Công ty TNHH Alibaba.com Việt Nam, cho rằng những thuận lợi của sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam là giá cả cạnh tranh, sản phẩm và mẫu mã phong phú, chất lượng bảo đảm theo yêu cầu. Ngoài ra, lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do cũng giúp DN Việt Nam tự tin đẩy mạnh xuất khẩu qua TMĐT. Tuy nhiên, theo bà Uyên, điểm yếu của DN Việt Nam, trong đó có DN Bình Dương là khó khăn về ngôn ngữ, thiếu kỹ năng marketing và sử dụng các công cụ hỗ trợ, dịch vụ logistics... trên thị trường quốc tế. Do đó, các DN cần sớm khắc phục điểm yếu này.

 Bà Nguyễn Thị Phương Uyên, Giám đốc marketing Công ty TNHH Alibaba.com Việt Nam: Để bán hàng thành công trên các sàn TMĐT quốc tế, các sản phẩm khi đăng bán trên thị trường cần được đóng gói đẹp, nâng cao chất lượng sản phẩm, nên sử dụng vật liệu thân thiện, bền vững với môi trường. Đặc biệt, sản phẩm không được vi phạm trademark (thương hiệu). Do đó, các DN phải sáng tạo ra mẫu hoặc kiểm tra kỹ các mẫu đó có vi phạm bản quyền hay không để tránh rủi ro. Bên cạnh đó, sản phẩm cần thiết kế gọn nhẹ, dễ tháo lắp, dễ vận chuyển.

 TIỂU MY - CẨM TÚ