Trong dịch bệnh, hầu hết các doanh nghiệp (DN) đã và đang gặp khó khăn khi thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa sản xuất, vừa phòng, chống dịch bệnh, vẫn có những DN đã đưa guồng sản xuất đi vào hoạt động hiệu quả, đáp ứng các đơn hàng lớn mà phía các đối tác yêu cầu.
Ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long bên lò nung 213m3 mới hoàn thành trong thời điểm dịch bệnh
Đơn hàng nhiều
Nhờ sự chủ động trong tình hình dịch bệnh, đến nay sau 2 tuần ở tại Công ty Hưng Hải Thịnh, người lao động rất phấn khởi, năng suất làm việc tăng khoảng 10%, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu sản xuất của công ty. Ông Phạm Minh Hà, Giám đốc Công ty Hưng Hải Thịnh, công ty lo cho công nhân đủ ngày 3 bữa và chỗ ngủ nghỉ, bảo đảm sức khỏe để người lao động yên tâm sản xuất, tăng hiệu quả trong công việc. Hiện nay, công ty sản xuất được 70.000 lốp/tháng nhưng vẫn là con số khiêm tốn so với nhu cầu thị trường Hoa Kỳ mà công ty đang có. Nếu so với diện tích và tiềm năng thì công ty có thể đầu tư tăng thêm công suất song hiện nay không đủ điện. Công ty cũng đang tính toán phương án hoàn thiện về công trình điện, tăng công suất nhà máy, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long cho biết, với lượng đơn hàng lớn công ty vẫn nỗ lực duy trì sản xuất “3 tại chỗ”. Điều đáng mừng là đơn hàng xuất khẩu dù chậm so với tiến độ ký kết song công ty vẫn nhận được sự thông cảm, chia sẻ từ phía khách hàng. Hiện nay, với 250 công nhân thực hiện “3 tại chỗ”, công ty vẫn đưa vào vận hành lò ga 213m3 để tăng năng suất trong mùa dịch bệnh. “Chúng tôi rất cảm ơn anh em công nhân đã đồng cam cộng khổ, giữ an toàn trong sản xuất. Tin rằng chúng tôi sẽ vượt qua khó khăn, giữ vững mục tiêu tăng trưởng”, ông Tín lạc quan nói.
Tại Công ty River Food (Khu công nghiệp Tân Bình) đang nỗ lực lớn để duy trì phương án “3 tại chỗ” khi đơn hàng hiện nay rất nhiều. Theo ông Phan Hoàng Giang, Giám đốc sản xuất công ty, với số lượng đơn hàng lớn công ty chỉ mong muốn tỉnh sớm kiểm soát được dịch bệnh để nhịp sản xuất trở lại bình thường, công ty có điều kiện đáp ứng được tiến độ. Thời điểm này DN nỗ lực giữ vững an toàn trong sản xuất là cách chia sẻ tốt nhất, cùng địa phương khống chế dịch bệnh.
Giữ vững an toàn sản xuất
Bà Nguyễn Thị Sơn Bình, Giám đốc nhân sự cấp cao Công ty TNHH Kỹ nghệ gỗ Wanek cho biết, công ty có 4 nhà máy ở Bình Dương, hiện đã có 3 nhà máy tạm dừng sản xuất do có công nhân mắc Covid-19. Để hoàn thành đơn hàng, công ty duy trì hoạt động sản xuất nhà máy 3 ở TX.Bến Cát với gần 6.000 công nhân bằng cả hai phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”. Để duy trì nhà máy này, công ty chuẩn bị chỗ ở cho công nhân ngay tại nhà máy và một khu lưu trú bên ngoài. Thời gian qua, công ty cũng đã nhận được sự hỗ trợ của Bình Dương trong việc bố trí chỗ ở cho hàng ngàn công nhân bị cách ly, các nhà hảo tâm đã cung cấp lương thực, thực phẩm đầy đủ cho công nhân.
Ông Trần Thành Trọng, Tổng Giám đốc Công ty Sáng Ban Mai, cho biết công ty nỗ lực thực hiện việc duy trì sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” để bảo đảm an toàn cho người lao động, chia sẻ áp lực với địa phương. Trong những ngày qua, đội ngũ nhân viên của công ty khẩn trương hoàn thành các máy phát điện 650 - 700KVA phục vụ cho các bệnh viện dã chiến tại Bình Dương.
Trước những nỗ lực không ngừng của các DN trong việc giữ vững sản xuất song song với việc phòng, chống dịch bệnh, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, điều đáng mừng nhất là hiện nay các DN đã nỗ lực duy trì sản xuất, ổn định đời sống cho người lao động. Tinh thần chống dịch của DN đã và đang được thực hiện rất hiệu quả. Trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”, lãnh đạo Sở Công thương đề nghị các DN cần bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn để quyết định mức độ ưu tiên trong tổ chức, thực hiện “mục tiêu kép”. Tính mạng và sức khỏe của người lao động phải là trên hết, trước hết. DN cần thực hiện chuỗi công nhân an toàn - giao thông an toàn - lưu trú an toàn - sản xuất an toàn.
TIỂU MY – CTV