Doanh nghiệp phục hồi, công nghiệp tăng tốc

Cập nhật: 24-02-2022 | 09:44:46

2 tháng đầu năm, lĩnh vực sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục phục hồi và tăng trưởng trở lại, nhất là các ngành chế biến, chế tạo. Đến thời điểm này, có thể thấy nền kinh tế của tỉnh đã có nhiều tín hiệu tích cực, từng bước phục hồi. Nhiều doanh nghiệp (DN) đang tăng tốc đẩy nhanh tiến độ sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào mục tiêu tăng trưởng của tỉnh.

 Các doanh nghiệp trong tỉnh đã tăng tốc đẩy nhanh tiến độ sản xuất, phục hồi và tăng trưởng. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Đầu tư Thiên Nam (TP.Dĩ An)

 Sản xuất ổn định trở lại

Những tháng đầu năm 2022, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh đang phục hồi trở lại và duy trì mức tăng trưởng khá. Cộng đồng DN, cơ sở sản xuất công nghiệp tiếp tục chủ động, nêu cao tinh thần vượt khó, nỗ lực thích ứng linh hoạt với tình hình, duy trì sản xuất. DN cũng bắt đầu tiếp cận các chính sách hỗ trợ, nỗ lực khôi phục sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ nên sản xuất công nghiệp của tỉnh từng bước phục hồi, phát triển.

Theo ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, do dịch bệnh sớm được kiểm soát, các lĩnh vực của nền kinh tế đang bước vào trạng thái hoạt động bình thường trở lại, sản xuất công nghiệp có sự khởi sắc và dần lấy lại đà tăng trưởng từ cuối năm 2021. Mặc dù dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng ngay sau khi tỉnh chuyển sang trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, các DN trong tỉnh đã chủ động lên các phương án, tận dụng thời cơ để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. Đến nay, các DN trong KCN vừa duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định, vừa bảo đảm sức khỏe cho công nhân lao động.

Trong năm 2021 dù dịch bệnh ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh song doanh thu của Công ty Tôn Đông Á vẫn đạt hơn 25.200 tỷ đồng (đạt 157% so với kế hoạch), trong đó, 21.700 tỷ đồng đến từ hoạt động kinh doanh chính, còn lại từ thương mại khác, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.200 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ. Ông Hồ Song Ngọc, Giám đốc Công ty Tôn Đông Á, cho biết để có những kết quả xuất khẩu ấn tượng này, Tôn Đông Á đã tận dụng tốt cơ hội, linh hoạt chuyển đổi thị trường từ nội địa sang xuất khẩu giúp sản lượng xuất khẩu cả năm tăng 136% so với cùng kỳ. Hiện ngoài 2 nhà máy tại Bình Dương, công ty sẽ đầu tư thêm dự án nhà máy thứ 3 với giai đoạn 1 là 120 triệu USD cho công suất 350.000 tấn/năm và dự kiến đạt 1,2 triệu tấn/năm sau khi hoàn tất 3 giai đoạn để đáp ứng sự phát triển của DN.

Kỳ vọng đạt mục tiêu tăng trưởng

Đến thời điểm này, hầu hết các DN trong các khu, cụm công nghiệp của tỉnh đều có đơn hàng sản xuất dồi dào, thị trường xuất khẩu có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, riêng ngành chế biến gỗ hầu hết các DN xuất khẩu đã quay lại sản xuất với 80 - 90% công suất.

Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), cho biết hiện các DN sản xuất gỗ ở Bình Dương đã cơ bản thích nghi với tình hình mới và điều chỉnh về kế hoạch sản xuất, kinh doanh để mở thêm thị trường tiêu thụ hàng hóa nội địa cũng như xuất khẩu. Bức tranh sản xuất ngành gỗ đã có thêm nhiều điểm sáng khi số lượng DN phục hồi tăng nhanh, chỉ số xuất khẩu khá cao ngay trong tháng 1-2022. Nhiều DN gia tăng giao dịch bán hàng bằng thương mại điện tử để tăng đơn hàng xuất khẩu trong năm mới. Năm 2022, ngành chế biến đồ gỗ Bình Dương dự báo đạt doanh số xuất khẩu vượt mốc 15,6 tỷ USD.

Đánh giá về triển vọng năm 2022, nhiều DN cho rằng với phương châm thích ứng linh hoạt, an toàn để phát triển kinh tế cùng với sự đồng hành của các cấp, ngành, địa phương, DN sẽ tiếp tục duy trì sản xuất, tăng tốc và sớm lấy lại đà tăng trưởng trong thời gian tới. Theo ông Lý Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long 1, để thích ứng và phát triển trong năm 2022, DN cần xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với tình hình mới, đẩy mạnh việc chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi số, làm mới mô hình kinh doanh, tái cấu trúc và áp dụng khoa học - công nghệ vào quá trình sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết để thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp năm 2022, Sở Công thương đang tập trung rà soát và tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các ngành, dự án sản xuất thuộc lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo nhằm nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, Sở Công thương phối hợp với một số DN FDI, tăng cường tìm kiếm các DN sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn cũng như dài hạn.

 Năm 2022, cùng với tích cực lấy lại đà tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng sâu do dịch bệnh, Bình Dương xác định thúc đẩy ngành công nghiệp tiếp tục trở thành động lực tăng trưởng. Trong đó, phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,9%. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, mục tiêu này là thách thức không nhỏ. Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Sở Công thương đang tập trung triển khai những chính sách, giải pháp có hiệu quả tác động ngay để hỗ trợ DN công nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng...

 NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=491
Quay lên trên