Doanh nghiệp phục hồi nhanh,kỳ vọng tăng trưởng tốt

Cập nhật: 28-01-2022 | 08:23:47

Trải qua một năm khó khăn vì dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp (DN) lạc quan vào tình hình đầu tư, kinh doanh năm 2022 khi sản xuất phục hồi tốt, số lượng đơn hàng mới tăng lên, niềm tin của nhà đầu tư tiếp tục được củng cố.

 Cng đồng doanh nghip tin tưởng năm 2022 kinh tế nhanh chóng phc hi và phát trin. Trong nh: Sn xut ti Công ty Panko (TX.Bến Cát)

 Niềm tin dâng cao

Việt Nam trở thành một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, tham gia vào hội nhập sâu, nhanh và rộng. Những yếu tố trên giúp cho DN có thêm lợi thế khi tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa với các quốc gia, vùng lãnh thổ. Bình Dương là một trong những trung tâm công nghiệp hàng đầu của cả nước, nhiều đối tác nước ngoài tìm đến để hợp tác, ký kết các đơn hàng lớn trong thời gian dài. Qua tìm hiểu, nhiều DN tại Bình Dương đã nhận được đơn đặt hàng đến quý III, IV-2022

Đại đa số DN cho rằng số lượng đơn đặt hàng mới tăng lên là nhân tố quan trọng dẫn đến khối lượng sản xuất của các DN tăng trở lại. Các DN nỗ lực giải quyết những bất cập trong quá trình phát triển như chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, nguồn lao động, năng lực tài chính… để tạo đà phát triển. Bà Trương Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giày da - túi xách tỉnh, cho biết: “Đến nay phần lớn các DN đều đã có đơn hàng đến quý II, III của năm 2022. Dư địa phát triển của ngành rất lớn song chúng tôi đã và đang lượng sức mình, không muốn ôm quá nhiều đơn hàng, chọn lựa các đơn hàng có giá trị cao. DN mong muốn cần có sự thống nhất, thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ đã ban hành”, bà Liên cho hay.

Cũng như giày da, hiện các DN ngành gốm sứ đơn hàng đã kín đến quý III năm 2022, kỳ vọng nhiều song cũng đối diện với không ít lo toan. “Năm 2021, ngành gốm sứ tăng trưởng cao nhưng lợi nhuận rất thấp do cho phí sản xuất trong dịch bệnh cao. Chúng tôi nỗ lực để lấy lại những gì đã mất của năm 2021 và thích ứng an toàn trước dịch bệnh. DN đang nỗ lực đầu tư công nghệ, chuyển đổi số để phát triển kịp với xu hướng”, ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long chia sẻ.

Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại TP.Hồ Chí Minh, cho biết: “Hiện nay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Hai năm nay, dù xảy ra dịch bệnh Covid-19 nhưng kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa hai bên vẫn tăng trưởng khá. Năm 2022, khả năng giao thương giữa hai nước sẽ tiếp tục tăng cao, Bình Dương là một trong những điểm đến được nhiều DN Hoa Kỳ lựa chọn để đầu tư hoặc ký kết các đơn hàng lớn.

Các DN FDI cũng có cái nhìn lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế trong năm mới, khi Nghị quyết 128 của Chính phủ được triển khai đồng bộ. Các DN có nhiều sáng tạo để thích ứng với đại dịch như lập khu chăm sóc, điều trị cho công nhân; ứng dụng số hóa trong quản trị, sản xuất, kinh doanh… “Năm 2022, kỳ vọng nhà máy tiếp tục hoạt động thuận lợi. Chúng tôi mong muốn có đủ số lượng công nhân để sản xuất, đáp ứng những đơn hàng lớn mà chúng tôi đang hợp tác…”, ông Byun Jae Wooong, Tổng Giám đốc Công ty PanKo (TX.Bến Cát) cho biết. Không chỉ lạc quan với tình hình sản xuất kinh doanh, các DN đã và đang đầu tư vào Bình Dương cũng bày tỏ tin tưởng vào sự năng động, chuyên nghiệp và có định hướng căn cơ, lâu dài của tỉnh.

Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết Bình Dương nỗ lực giải quyết những vấn đề còn khó khăn và tồn đọng trong việc phát triển các khu công nghiệp (KCN), nhanh chóng mở rộng diện tích KCN theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2020. Hiện nay, KCN VSIP III tại xã Hội Nghĩa, TX.Tân Uyên và xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên đang đẩy nhanh tiến độ, bàn giao mặt bằng cho Công ty LEGO theo cam kết với nhà đầu tư này.

Theo ông Nguyễn Thành Trung, Phó trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh, hiện đơn vị đang khẩn trương nghiên cứu, thành lập KCN Khoa học - công nghệ do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex IDC) làm chủ đầu tư, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu hướng dẫn cụ thể để Bình Dương sớm triển khai thực hiện; hoàn thiện việc thành lập và triển khai hoạt động KCN Việt Nam - Singapore III và KCN Cây Trường với tổng diện tích đất 1.700ha. Các KCN khác đang trình hồ sơ mở rộng diện tích.

Bên cạnh đó, năm 2022, tỉnh tiếp tục tổ chức định kỳ các đoàn xúc tiến đầu tư hoặc các hội nghị trực tuyến để kêu gọi các tập đoàn kinh tế lớn, đa quốc gia, các nhà đầu tư sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, các dự án công nghiệp hỗ trợ đầu tư vào các KCN, thành lập các trung tâm nghiên cứu, phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo. Từ đó, hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng có giá trị gia tăng cao, tham gia thị trường khu vực và toàn cầu. Tỉnh cũng tận dụng cơ hội của các hiệp định thương mại tự do để đón nguồn vốn đầu tư dịch chuyển đến Việt Nam.

 Năm 2022, Bình Dương đặt mục tiêu sẽ cho thuê và cho thuê lại đất từ 100 - 150ha, thu hút từ 1,2 - 1,3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, từ 1.100 - 1.200 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước. Vốn đầu tư xây dựng đạt từ 3.120 - 4.750 tỷ đồng, đưa từ 100 - 120 dự án đi vào hoạt động và thu hút thêm khoảng 20.000 lao động.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1129
Quay lên trên